Bão số 7 vào biển Đông, hơn 36.360 tàu thuyền nhận được tin báo bão

VietTiems -- Tính đến sáng 17/10, BCH PCTT&TKCN, BCH BĐBP các tỉnh từ Quảng Trị-Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho 36.366 tàu/161.491 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 7-SARIKA để chủ động phòng tránh.
Bão số 7 vào biển Đông, hơn 36.360 tàu thuyền nhận được tin báo bão
Bão số 7 vào biển Đông, hơn 36.360 tàu thuyền nhận được tin báo bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h ngày 17/10 bão số 7 đã đi vào biển Đông, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc-114,0 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ vĩ Bắc-110,4 độ kinh Đông, trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,00E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Bão số 7, SARIKA, đổ bộ, biển Đông, thiệt hại, mưa lũ, ứng phó, VietTimes
Hình ảnh mây vệ tinh sáng 17/10 cho thấy bão SARIKA đã đi vào biển Đông, kế tiếp là một cơn bão mạnh được hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương

Từ đêm 17/10, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc-107,9 độ kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Nam Định khoảng 100km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) trong ngày 18/10 còn có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 16-17; biển động dữ dội.

Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7 khi đi vào biển Đông, Văn phòng BCH PCTT&TKCN, BCH BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị, Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 36.366 tàu/161.491 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 7-Sarika để chủ động phòng tránh.  Số tàu đã vào nơi neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ là 31.354 tàu/125.899 lao động.

Ngày 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các thành viên BCĐ TW về PCTT và Tổ giúp việc thuộc các Bộ, Ngành; BCH PCTT&TKCN 17 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ về việc chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7 (Sarika) và mưa lũ tại các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Đồng thời 2 đoàn công tác của Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT tiếp tục đi kiểm tra tình hình ứng phó mưa, lũ tại tỉnh Quảng Bình; Trực ban Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã kịp thời chuyển các công điện đến các tỉnh trong khu vực; trực ban nghiêm túc và theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bão; kịp thời báo cáo Văn phòng thường trực BCĐ TWPCTT.

Tại các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình-Khánh Hòa tiếp tục triển khai nội dung công điện của Ban Chỉ đạo TWPCTT - UBQG TKCN.  Tham gia họp trực tuyến về việc chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7 (Sarika) và mưa lũ tại các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bão số 7, SARIKA, đổ bộ, biển Đông, thiệt hại, mưa lũ, ứng phó, VietTimes
Mưa lũ, bão lớn tiếp tục tàn phá các tỉnh Bắc miền Trung

Mưa lũ diễn ra từ ngày 12/10 cho đến nay đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh Bắc miền Trung. Cụ thể:

Tại Quảng Bình: 

Giao thông đường sắt có 5 khu vực bị sạt lở taluy nền đường phải phong, mặc dù nước đã rút nhưng tuyến đường sắt từ ga Đồng Hới đi phía Bắc vẫn chưa thông. Riêng tuyến từ ga Đồng Hới đi phía Nam đã thông.

Về giao thông đường bộ, các tuyến Quốc lộ 15, 12A, 12C; đường tỉnh 564, 565; 569, 559, 562, 559B, 563 và đường Hồ Chí Minh một số đoạn còn tắt, chưa thông tuyến.  Một số tuyến đường liên thôn, liên xã của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch hiện vẫn còn ngập và sạt lỡ một số đoạn chưa khắc phục xong.

Về ngập lụt: toàn tỉnh có 92.489 hộ bị ngập và vẫn chìm sâu trong nước lũ.

Tại Quảng Trị và Tại Thừa Thiên Huế: Cơ bản nước đã rút ra khỏi nhà dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa bàn thấp trũng vẫn còn bị ngập nước. Các khu vực khô ráo đã khôi phục điện sinh hoạt, giao thông trở lại bình thường. 

Tính đến sáng ngày 17/10, mưa lũ đã làm 20 người chết( Quảng Bình: 18 người; TT. Huế: 02 người); 03 người mất tích (Quảng Bình: 02 người ở huyện Minh Hóa bị nước cuốn trôi ngày 14/10 và 01 thuyền viên tàu HD 2138 bị chìm ngày 15/10); Đã tìm thấy 04 thuyền viên tàu HD 2155 bị sóng đánh chìm; 18 người bị thương (Q.Bình: 13 người; Q.Trị: 03 người; Huế: 02 người).

Thiệt hại về nhà ở: đã có 962 ngôi nhà bị tốc mái; 72.506 ngôi nhà bị ngập nước; 1.108 ha diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại; 141 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 83.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi;...

Các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục thống kê thiệt hại và lên phương án ứng phó với bão số 7 đã đổ bộ vào biển Đông.