Bao nhiêu lính Mỹ bỏ mạng vì "ta bắn mình" tại chiến trường Việt Nam

VietTimes -- Trong số những bộ phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam, có một bộ phim không được công chiếu rộng rãi, không có mặt trên màn ảnh rộng. Đó là bộ phim "Hỏa lực thân thiện", kể về biến động tâm lý của một phụ nữ Mỹ có con bị chết bởi chính pháo binh quân đội Mỹ.
Lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường Việt Nam
Lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường Việt Nam

Tình tiết của phim dựa trên một sự kiện có thật: Sáng ngày 18.02.1970, đại đội C thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh số 6, lữ đoàn bộ binh nhẹ 198 thuộc sư đoàn bộ binh số 23 "Americal" tấn chiếm vị trí phòng thủ ban đêm trên một ngọn đồi thuộc tỉnh Quảng Tín (địa danh chính quyền Sài Gòn, nay thuộc tỉnh Quảng Nam), thì một quả đạn 105 mm , bắn ra từ một khẩu đội pháo nào đó của pháo binh Mỹ rơi trúng trận địa.

Vụ pháo kích nhầm này giết chết trung sĩ Michael McMullen và và binh nhất Ron Williams, 6 binh sĩ khác bị thương. Trung tâm điều khiển hỏa lực của đơn vị pháo binh bị cáo buộc xác định nhầm tọa độ bắn. Mẹ của trung sĩ McMullen, Margaret (Peg) McMullen, sau cái chết của con trai, đã trở thành thành viên tích cực của phong trào phản chiến ở Mỹ.

Nhưng thế nào là “hỏa lực thân thiện”? Có rất nhiều tình huống dẫn đến sự cố “hỏa lực thân thiện” trong các cuộc chiến tranh, những sự cố tương tự diễn ra thường xuyên trong mọi cuộc chiến và không loại trừ bất cứ lực lượng vũ trang nào. Đặc biệt trong một cuộc chiến phức tạp, ác liệt và man rợ như cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam.

Phương Tây có nhiều khái niệm cho các sự cố này, ví dụ họ gọi sự cố này là “friendly fire - hỏa lực bạn bè” hoặc “fratricide - anh em giết nhau” “amicicide – sát hại bạn bè”…Những khái niệm này bỏ qua các tình huống giết chỉ huy hoặc giải quyết mâu thuẫn bằng vũ khí, được xác định là cố ý. Sự cố “hỏa lực thân thiện” được xác định là sự cố vô tình hoặc vô ý cả tin.

Theo thống kê của đại tá Mỹ Kenneth Steynveg, nghiên cứu sâu về vấn đề “hỏa lực đồng minh”, trong bài viết  Dealing Realistically With Fratricide đăng tải  trong tạp chí Parametres của Trường Đại học Chiến tranh Mỹ năm 1995, tỷ lệ tử vong do “hỏa lực đồng minh” vượt quá 2% tổn thất sinh lực trong các cuộc chiến tranh và nằm trong khoảng từ 10 – 15% trong các cuộc chiến ác liệt như chiến tranh Việt Nam.

Không có thống kê chính xác, bao nhiêu quân nhân Mỹ đã chết vì hỏa lực đồng minh trong cuộc chiến tranh Việt Nam? Có rất nhiều nguyên nhân khiến các cơ quan điều tra quân đội không muốn thanh kiểm tra số liệu này. Những quân nhân thiệt mạng trong những tình huống tương tự bị liệt vào sự cố "Misadventure/War Accident", “sự cố không may, tai nạn quân sự”.

Trong 58.193 quân nhân Mỹ (con số công khai chính thức của chính quyền Mỹ) tử trận tại chiến trường Việt Nam, con số thiệt mạng trong các sự cố “hỏa lực đồng minh” hoặc sự cố không may "Misadventure" chiếm khoảng 1.326 người, tức là nhỏ hơn 3 %. Nhưng con số này không nói lên điều gì vì thực sự khó mà tin được. Ví dụ như tình huống trung sĩ Michael Mullen, chết trong sự cố ngày 18.02.1970 được liệt vào danh sách "Other accident – tai nạn khác ", do đó không thuộc danh sách của sự cố "Misadventure – sự cố không may".

Trung sĩ Arno Voit, thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ, thiệt mạng tháng 6.1970 do hỏa lực của trực thăng chiến đấu Mỹ được xác định là tổn thất trong một vụ tai nạn máy bay ("Air loss or crash over land") – thực sự là một sai lầm cố ý trong tài liệu thống kê chính thức.

Đây chỉ là hai ví dụ sai lầm trong thống kê các số liệu "Misadventure – sự cố không may", còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy, chỉ có thể dự đoán. Cũng không thể khẳng định rằng Lầu Năm Góc đã cố tình dấu diếm các sự cố hỏa lực đồng minh, đơn giản chỉ là không thống kê được, con số chính xác trên thực tế hoàn toàn không tồn tại vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Tất nhiên có nhiều khía cạnh đề tiếp cận vấn đề một cách gián tiếp hoặc những con số không chính thức, có thể cho phép mườn tượng về quy mô tổn thất sinh lực từ “hỏa lực thân thiện” trong chiến tranh Việt Nam.  

Lính Mỹ cấp cưu binh sĩ bị thương lên máy bay trực thăng

David Hekvort, một người khá nổi tiếng và và có nhiều cá tính trái ngược nhau, trong cuốn hồi ký "About Face" đã cho rằng 15-20% tổn thất sinh lực của Mỹ là do kết quả của hỏa lực thân thiện. Trải qua 4 kỳ phục vụ trong quân đội Mỹ ở Việt Nam, Hekvort biết mình đang nói về vấn đề gì.

Một con số thống kê của các cựu chiến binh Mỹ thuộc tiểu đoàn 1 và 2 của trung đoàn bộ binh số 35. Hai tiểu đoàn này đã nằm trong biên chế của sư đoàn bộ binh số 25 và sư đoàn bộ binh số 4, trong chiến tranh Việt Nam có 616 binh sĩ tử trận.

Theo các cựu binh thì 27 binh sĩ trong số này thiệt mạng vì hỏa lực thân thiện, chiếm khoảng 4%. Tất cả đều thiệt mạng từ hỏa lực pháo binh, súng cối và không quân. Những tình huống thiệt mạng do vũ khí bộ binh, được đưa vào tình huống "accidental homicide – vô ý giết người" làm tăng số lượng tổn thất do hỏa lực đồng minh thêm 12 binh sĩ, nâng tỷ lệ thiệt mạng từ “hỏa lực thân thiện” đến 6%.

Một trong những nghiên cứu chi tiết nhất và là thống kê chính thức được Nhóm nghiên cứu về thương vong và hiệu quả của đạn dược các loại (Wound Data and Munitions Effectiveness Team - WDMET) tiến hành trong giai đoạn 1967-1969.

Trong khuôn khổ của cuộc nghiên cứu này đã thống kê nguyên nhân bị thương và bị thiệt mạng của 5993 quân nhân Mỹ. 11 % những tổn thất đó gây ra bởi các loại vũ khí có trong biên chế của quân đội Mỹ bao gồm súng trường M16, súng phóng lựu M79, mìn chống bộ binh M18 "Claymor" và pháo binh.

Tất nhiên, không phải hầu hết các trường hợp tử vong được nêu lên có nguyên nhân từ vũ khí Mỹ đều là hậu quả của “hỏa lực thân thiện”. Một số quân nhân có thể đã chết do không cẩn thận khi sử dụng súng đạn. Các loại vũ khí như mìn “Claymor”, súng M16 và súng phóng lựu M79 cũng được du kích Miền Nam Việt Nam và Quân Giải Phóng sử dụng từ nguồn chiến lợi phẩm.

Ngay cả pháo binh không phải là một vũ khí độc quyền của Mỹ. Các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ thường xuyên bị pháo binh của Quân Giải Phóng nã đạn vào trận địa, một số lượng không nhỏ các khẩu pháo đó có nguồn gốc từ Mỹ hoặc quân đội Sài Gòn. Những vấn đề này cũng được WDMET đưa vào kết quả thống kê của một chương trình nghiên cứu khác.

Khoảng 161 trường hợp khám nghiệm tử thi mà nguyên nhân gây ra tử vong là đạn súng bắn thẳng cho thấy: 22 quân nhân (chiếm 13,7 %) thiệt mạng từ đạn 5,56 mm M193, sử dụng cho súng trường tấn công M16. Khám nghiệm 186 tử thi mà nguyên nhân gây ra cái chết do mảnh đạn cho thấy, khoảng 20 quân nhân (chiếm 10,8 %) chết vì mảnh đạn của vũ khí Mỹ.

Viện Pathology của quân đội Mỹ trong khuôn khổ nhóm WDMET đã nghiên cứu chi tiết 56 tử thi với vết đạn, trong đó có 11 người (19,6%) bị giết bởi đạn súng trường M16. Trong số đó có: 4 quân nhân là nạn nhân của "hỏa lực thân thiện", tình huống thiệt mạng của 4 người khác không rõ ràng, 2 quân nhân được ghi là chết trong chiến đấu mà không ghi rõ, chết trong tình huống nào và tại sao, 1 bị giết bởi xạ thủ bắn tỉa Quân Giải phóng, sử dụng súng trường M16 chiến lợi phẩm (nghi ngờ có lắp ống kích quang học).

Lính Mỹ nằm bẹp xuống ruộng tránh hỏa lực bắn thẳng

Mặc dù không có bất cứ một thống kê chính thức nào về những trường hợp bị thiệt mạng bởi hỏa lực thân thiện. Nhưng các nhà khoa học quân sự Mỹ cũng thống kê một số ví dụ về những tình huống tổn thất sinh lực từ “hỏa lực thân thiện” trong chiến tranh Việt Nam.

Những ví dụ này chủ yếu là những trường hợp tổn thất về sinh lực, có được đầy đủ thông tin tình huống và khá rõ ràng về nạn nhân. Nhưng những trường hợp này không phải là phổ biến trong quân đội Mỹ ở Việt Nam. Rất nhiều trường hợp chạm súng hoặc gọi hỏa lực pháo binh, không quân đánh vào một đơn vị khác, cùng hoạt động trên chiến trường. Những tổn thất đó thông thường không được xác nhận.

 Hỏa lực thân thiện – bộ binh chống bộ binh 

Những trường hợp các đơn vị bộ binh Mỹ bắn vào nhau thông thường do nhầm lẫn khi xác định “kẻ thù – đồng minh”. Ví dụ, ngày 08.07.1965 tại địa phận tỉnh Quảng Tín, binh sĩ thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 4, sư đoàn 3 Lính thủy đánh bộ, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra đêm đã nhận nhầm và bắn chết một chỉ huy trung đội cùng một quân nhân khác. Hai tuần sau, ngày 20.07, một sự cố tương tự xảy ra ở tiểu đoàn 2, trung đoàn 7, sư đoàn 1 Lính thủy đánh bộ gần Quảng Yên làm chết hai quân nhân.  

 Đêm ngày 20.08.1966 Căn cứ của sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ bị Quân Giải Phóng pháo kích bằng súng cối. Binh nhất Larry Whittington, giữ đài thông tin liên lạc đã vội vã chạy về hầm chiến đấu. Vì lý do gì đó anh ta không đi theo lối thông thường mà chạy thẳng hướng phía trước ụ súng. Whittington cũng không có thời gian để mặc quân phục mà chỉ mặc quần short. Binh sĩ canh gác là lính mới, tưởng nhầm đối phương tấn công đã bắn hạ Whittington.

Ngày 13.05.1967 tại địa phận tỉnh Long Khánh, lữ đoàn không vận số 173, một nhóm binh sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, do nhầm lẫn đã bắn chết đồng đội của mình.

Có những trường hợp do nhầm lẫn đã dẫn đến cuộc đấu súng của hai đơn vị khác nhau. Chiều muộn ngày 28.02.1966, trên địa phận tỉnh Quảng Nam, hai tiểu đội thuộc đại đội C, tiểu đoàn 1, trung đoàn 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 cùng xuất phát làm nhiệm vụ phục kích đêm. Một nhóm đã lạc đường và đi nhầm sang hướng của nhóm thứ hai. Trong đêm tối binh sĩ hai bên bắn nhau dữ dội, 4 tay súng thiệt mạng. Tháng 8. 1970 hai trung đội thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 thuộc sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đã chạm súng ác liệt cho đến khi nhận ra nhau. Rất may trong tình huống này, do khoảng cách và địa hình đã không có thương vong.

Ngay cả những đơn vị đặc nhiệm cũng có sự cố tương tự. Dù các tình huống đặc biệt ở các đơn vị này thường được dấu nhẹm, nhưng cũng có trường hợp bị lộ. Sáng ngày 20.08.1968 trên địa phận tỉnh Vĩnh Long, phân đội SEAL “hải cẩu” rơi vào ổ phục kích của chính các hải cẩu thuộc nhóm khác. SEAL trong cuộc chạm súng đồng đội có 1 người bị giết, 4 người khác bị thương.

Xem tiếp: Hỏa lực thân thiện, pháo binh - không quân tấn công bộ binh

TTB