Báo Nhật: Trong tương lai gần, vị thế bá chủ trên biển của Mỹ rất khó bị lung lay

VietTimes -- Trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn lệ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường vận chuyển dầu khí trên biển, trong khi Mỹ có khả năng chặt đứt các tuyến đường này, làm tê liệt kinh tế và quân đội Trung Quốc.
Tàu sân bay của Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)
Tàu sân bay của Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)

Tờ The Diplomat Nhật Bản Nhật Bản ngày 14 tháng 1 đăng bài viết "Phân tích chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc" cho rằng trong tương lai gần vị thế bá chủ trên biển của Mỹ rất khó bị lung lay.

Trong bối cảnh này, việc lớn hàng đầu về chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cung ứng năng lượng. Trung Quốc có kế hoạch thông qua tuyến đường trên bộ do Mỹ khó kiểm soát, tiến hành kết nối đường ống với các nước cung ứng dầu mỏ hữu nghị.

Nếu kế hoạch này thành công, trong thời gian một thế hệ, con đường tơ lụa mới của Trung Quốc - đường ống trên bộ và đường ô tô, đường sắt - sẽ vận chuyển đủ tài nguyên dầu mỏ để bảo đảm cung ứng ở trong nước.

Hiện nay, Trung Quốc lệ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, phần lớn đến từ vịnh Péc-xích và châu Phi. Nguồn dầu khí này chủ yếu được tiến hành vận chuyển bằng tuyến đường giao thông trên biển do Hải quân Mỹ kiểm soát.

Nếu năng lượng vận chuyển bằng đường biển bị phong tỏa, cắt đứt có thể sẽ gây tê liệt cho kinh tế và quân đội Trung Quốc, làm cho Trung Quốc mất sức mạnh đang gia tăng.

Bộ Quốc phòng Mỹ tin chắc rằng Trung Quốc không thể bỏ qua được các vùng biển quốc tế trên toàn cầu do Mỹ kiểm soát.

Tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, do máy bay săn ngầm Mỹ chụp được. Ảnh: Sina.
Tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, do máy bay săn ngầm Mỹ chụp được. Ảnh: Sina.

Báo cáo trình Quốc hội năm 2016 nhận định: "Xét thấy nhu cầu năng lượng của Trung Quốc không ngừng tăng lên, đường ống dẫn dầu mới chỉ có thể làm giảm một chút mức độ lệ thuộc của Trung Quốc đối với các tuyến đường huyết mạch trên biển... Lượng dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng nhập khẩu của họ rất lớn... sẽ làm cho các tuyến đường giao thông trên biển mang tính chiến lược ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc".

Có chuyên gia phân tích cho rằng, đến năm 2035, GDP của Trung Quôc sẽ lên đến 43.700 tỷ USD, gấp khoảng 1,6 lần EU và Mỹ với khoảng 27.000 tỷ USD (dự đoán).

Trung Quốc chắc chắn có khả năng kinh tế và tài chính hỗ trợ cho kế hoạch đầy tham vọng của họ - đó là phát triển tuyến đường vận chuyển trên đất liền, bỏ qua tuyến đường trên biển hiện nay.

Theo dự đoán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), đến năm 2035, Nga có thể đáp ứng khoảng 85% lượng nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc và toàn bộ lượng nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc.

Biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Nga dài hơn 4.000 km, vì vậy đường ống kết nối giữa các mỏ dầu và khí đốt Nga với đông bắc Trung Quốc sẽ an toàn, dòng chảy năng lượng sẽ không bị Mỹ chặt đứt.

Tàu chiến mặt nước Trung Quốc ở Ấn Độ Dương bị máy bay săn ngầm Mỹ chụp được. Ảnh: Sina
Tàu chiến mặt nước Trung Quốc ở Ấn Độ Dương bị máy bay săn ngầm Mỹ chụp được. Ảnh: Sina

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần nỗ lực tìm cách đa dạng hóa cung ứng năng lượng. Iran chính là một sự lựa chọn phòng ngừa lý tưởng, bởi vì Iran không bị Mỹ và Nga chi phối.

Đồng thời, Iran tiếp giáp với tây nam Pakistan, trong khi đó tây bắc Trung Quốc nói liền với Pakistan. Vì vậy, xây dựng đường ống dẫn dầu khí trên đất liền đi qua Pakistan kết nối Iran với Trung Quốc là một cách làm sáng suốt.

Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng có được an toàn năng lượng của Trung Quốc trong tương lai. Con đường tơ lụa mới là một phương án mà Bắc Kinh lấy biện pháp phi quân sự để ứng phó với bá quyền trên biển toàn cầu của Mỹ.

Khi đường ống dẫn dầu khí trên đất liền xây mới hoàn toàn đưa vào sử dụng, Mỹ sẽ không thể tiếp tục chặt đứt tuyến đường huyết mạch năng lượng của Bắc Kinh.

Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ không còn tiếp tục e ngại dùng các hành động quân sự để bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của họ - cưỡng ép thống nhất Đài Loan, đoạt lấy đảo Senkaku từ Nhật Bản và thực hiện được đầy đủ tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông.

Máy bay săn ngầm Mỹ giám sát hoạt động của tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.
Máy bay săn ngầm Mỹ giám sát hoạt động của tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.