Báo động: Việt Nam đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở châu Á - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở nước ta, việc sử dụng thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ phổ biến, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và nền y tế.

Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)
Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – đưa ra tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” do Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức vào chiều nay (25/11).

Mối “hiểm hoạ” của con người

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong Y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết,… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.

Thuốc (Ảnh minh hoạ)

Thuốc (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: Người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, kém phát triển.

“Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển­­­­­ bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển.” – ông Thuấn nói.

Tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam lên tới 40%

Theo PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội –vào năm 1928, nhà bác học Alexandre Flemming đã tìm ra kháng sinh đầu tiên là penicilin. Tuy nhiên, sau khi penicillin được sử dụng rộng rãi từ năm 1943 - 1945, vi khuẩn kháng penicillin đã xuất hiện. Từ đó đến nay, cuộc chiến kháng kháng sinh đã chính thức bắt đầu và ngày càng khốc liệt.

PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)

PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, là thách thức lớn cho loài người và cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu. WHO ước tính đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm khoảng 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ở nước ta, kháng sinh vẫn đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho nền y tế.

“Là Trường Đại học Y khoa hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi cam kết mạnh mẽ sát cánh cùng Bộ Y tế trong việc truyền tải thông điệp về phòng, chống kháng thuốc. Hơn ai hết, chúng tôi luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò của từng cán bộ, học viên, sinh viên Nhà trường trong công tác này. Các chương trình đào tạo của Trường luôn chú trọng tới việc giảng dạy phòng chống kháng kháng sinh ở tất cả các bộ môn lâm sàng, nhất là các bộ môn có liên quan nhiều tới chuyên ngành, lĩnh vực.” – ông Hưng nói.

Hiện, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có các chương trình phòng chống kháng kháng sinh, triển khai tích cực công tác chống nhiễm khuẩn, quản lý kê đơn. Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh cho những trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, hay sử dụng kháng sinh kéo dài đều có sự tham vấn của chuyên khoa truyền nhiễm và dược lâm sàng. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng điều trị mà còn đảm bảo sự mô phạm trong quá trình đào tạo của Trường.

Dùng kháng sinh có trách nhiệm

Chia sẻ về vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – cho hay: Kháng thuốc kháng sinh là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến an ninh y tế toàn cầu mà mỗi một quốc gia, mỗi địa phương, đơn vị và tất cả mọi người dân đều phải quan tâm vì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, không ai được miễn trừ nhiễm khuẩn.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

Để điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân kháng kháng sinh, bác sĩ phải nhận thức rõ vai trò của việc sử dụng thuốc điều trị. Bác sĩ phải cân nhắc dùng thuốc gì, thuốc ấy có tác dụng hay không, liều lượng thế nào, cơ thể người bệnh có dung nạp không, có tương tác với thuốc nào không, ngoài nhiễm trùng còn bệnh đồng mắc bệnh khác hay không.

“Chính vì vậy, tôi khẳng định nếu hôm nay kê đơn kháng sinh không hợp lý thì kháng sinh sẽ không còn hiệu quả vào ngày mai”– ông Nhung nhấn mạnh.

Không sử dụng kháng sinh nếu không bị bệnh do vi khuẩn gây ra

Thông tin về tình trạng kháng kháng sinh, TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – chia sẻ: WHO đã thu thập dữ liệu kháng thuốc kháng sinh thông qua hệ thống phần mềm giám sát. Kết quả, trong số 194 quốc gia thành viên thì mới có 92 quốc gia tham gia vào hệ thống báo cáo giám sát kháng kháng sinh.

TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

Thực tế, tình trạng kháng thuốc xảy ra ở nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Không chỉ vậy, tỷ lệ kháng thuốc với từng loại vi khuẩncũng có sự khác biệt. Tại Việt Nam, số liệu về kháng kháng sinh vẫn chưa rõ ràng. Vì thế phòng, chống kháng, kháng sinh vẫn là một hành trình dài. WHO đang kết hợp với Bộ Y tế để đưa ra những con số cụ thể về kháng thuốc kháng sinh.

“Nếu không kiểm soát thuốc kháng sinh hợp lý thì chúng ta sẽ mất đi vũ khí để chống lại tình trạng kháng kháng sinh. Chưa có số liệu kháng kháng sinh ở bệnh viện tuyến xã, huyện. Tỷ lệ tiêu thị thuốc kháng sinh ở bệnh viện và ngành chăn nuôi vẫn chưa có. Do đó, WHO muốn lan toả thông điệp “Không sử dụng kháng sinh nếu không bị bệnh do vi khuẩn gây ra” và “khi bị nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh theo đơn, sử dụng đúng liều, đúng cách” để phòng, chống tình trạng kháng thuốc.” - TS. Kidong Park khẳng định.