Báo Độc Lập, Nga: Ông Obama muốn chuyển Việt Nam từ cựu thù thành đồng minh

VietTimes -- Theo bình luận của báo Độc Lập, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ càng xích lại gần nhau thì các công ty của Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc sẽ rời Trung Quốc để đến Việt Nam hợp tác, làm ăn càng nhiều...
Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 23/5/2016.
Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 23/5/2016.

Báo Độc Lập của Nga ngày 23/5/2016 có bài viết của tác giả Vladimir Skosyrev đưa một số phản ánh và bình luận về chuyến công du lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam trong 3 ngày.

Dưới tiêu đề  "Obama muốn chuyển Việt Nam từ cựu thù thành đồng minh", báo Độc Lập của Nga nhận định rằng, mục đích chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Việt Nam rất tham vọng.

Theo Vladimir Skosyrev, tham vọng của Washington qua chuyến công cán của ông Barack Obama là "giành chiến thắng trong việc tạo môi trường ủng hộ Hà Nội trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có những biểu hiện bành trưởng ở Biển Đông - nơi Washington và Bắc Kinh cũng đang đối đầu nhau chan chát".

Báo Độc Lập viết, Việt Nam là một quốc gia có tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc (thực tế là Trung Quốc cố tạo ra tranh chấp với Việt Nam hòng đòi quyền lợi biển đảo ở Biển Đông - PV) nhưng Hà Nội không mong đợi xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp với một đối thủ siêu cường láng giềng nói trên. 

Như tờ báo này dự đoán, ngay trong ngày đầu tiên thăm Hà Nội, Tổng thống Obama đã tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, coi đây như một món quà lớn giành tặng mối quan hệ bang giao song phương giữa hai quốc gia từng là cựu thù của nhau ở hai bờ Đại Dương.

Ông chủ Nhà Trắng đáp máy bay hạ cánh xuống đất Việt Nam sau 4 thập kỷ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh gây nhiều thiệt hại và tranh cãi. Ngoài Hà Nội, ông Obama cũng có kế hoạch đến thăm thăm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), nơi đối với nhiều cựu binh Mỹ vẫn còn là một ký ức không thể nào quên.

Tác giả Vladimir Skosyrev dẫn bình luận của báo New York Times của Mỹ cho rằng trong đội ngũ chỉ huy quân sự cấp cao của quân đội Việt Nam hiện nay vẫn còn có nhiều cựu binh từng tham gia cuộc chiến tranh chống lại người Mỹ trong quá khứ (Kháng chiến chống Mỹ - PV).

Báo Độc Lập cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là vấn đề nhân quyền. Hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau về vấn đề này.

Trang báo của Nga cũng dẫn bình luận của nhà nghiên cứu cấp cao Vladimir Batiouk đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ - Canada cho rằng:

"Các mối quan hệ song phương Việt - Mỹ đang ở cấp độ cao nhất kể từ giai đoạn thập niên 1970. Việt Nam đã hoàn thành và tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP do Mỹ khởi xướng.

Tổng thống Obama tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trong cuộc hội đàm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ở Hà Nội.
Tổng thống Obama tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trong cuộc hội đàm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ở Hà Nội.

Hiệp định TPP có thể được xem là biện pháp khích lệ hội tụ các lợi ích giữa hai quốc gia Mỹ - Việt cùng các đối tác liên quan".

Tuy nhiên, ông Vladimir Batiouk cho rằng, trong bối cảnh TPP, Trung Quốc lại là một rào cản lớn, Trung Quốc tạo tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, đối đầu với Mỹ về tư tưởng, chiến lược.

Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, các bên sẽ tận dụng nguyên tắc "kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta" để hoạch định đường đi nước bước nhằm đạt được ý đồ, ý định và mong muốn của chính mình.

Báo Độc Lập cho rằng, các chuyên gia bình luận của Mỹ tin rằng Hoa Kỳ sẽ không đến một khi quan hệ đồng minh ở một cấp độ nào đó chưa được kết luận.

"Không bên nào không sẵn sàng. Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ càng xích lại gần nhau thì các công ty của Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc sẽ rời Trung Quốc để đến Việt Nam hợp tác, làm ăn càng nhiều" - báo Nga viết.

Cùng chung nhận định này, báo Washington Post được tác giả Vladimir Skosyrev viện dẫn cho biết, ngoài những thay đổi trong quan hệ Mỹ - Việt, việc tận dụng chi phi lao động giá rẻ tại Việt Nam so với tại Trung Quốc hiện nay cũng là điều các công ty Mỹ tính đến.

Ví dụ, một công ty của Hoa Kỳ ở Rockford, Michigan chuyên sản xuất giày và quần áo có đến 30% sản lượng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. 

Trước đó, cũng công ty này có 90% sản lượng giày, quần áo được sản xuất tại Trung Quốc, chỉ sau 1,2 năm, sản lượng sản xuất hàng hóa trên đất Trung Quốc đã tụt xuống 50%. Xu hướng này dự kiến sẽ còn kéo dài đến khi chuyển hẳn sang Việt Nam hoạt động.

Thông tin thể hiện trong bài báo phản ánh nhận định riêng của tác giả Vladimir Skosyrev và báo Độc Lập Nga. Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Nga, Nhật, Mỹ, Trung Quốc... Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống nước khác. Quan điểm, đường lối, chính sách của Hà Nội cũng đã được Bộ Ngoại giao và các quan chức cấp cao của Việt Nam tuyên bố, đề cập nhiều lần trong các tuyên bố chính thức - PV.