Bảo đảm bằng cổ phiếu để hút nghìn tỉ qua trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – CTCP Bất động sản Phát Đạt đã dùng hàng chục triệu cổ phiếu PDR để làm tài sản đảm bảo hút về cả nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang lên kế hoạch tương tự.
Trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Ngày 11/8/2021, CTCP Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã phát hành thành công 200 tỉ đồng trái phiếu mã PDRH2123005 cho 1 tổ chức trong nước (112 tỉ đồng), 3 công ty bảo hiểm nước ngoài (80 tỉ đồng) và 3 nhà đầu tư cá nhân (8 tỉ đồng). Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC) và CTCP Chứng khoán SSI - Chi nhánh Hà Nội.

Số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được PDR sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tài trợ vốn cho công ty con để thực hiện Dự án trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (Astral City) và Dự án hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu 1 (khu cổ đại), Tp. HCM.

Đáng chú ý, dù chỉ có kỳ hạn 2 năm, song lô trái phiếu của PDR có mức lãi suất lên tới 13%/năm. Mức lãi suất cao hơn hẳn mặt bằng cho thị trường phần nào cho thấy mức độ rủi ro của số trái phiếu này, đặc biệt là khi nó được đảm bảo bằng 6 triệu cổ phiếu PDR.

Lưu ý rằng, đây không phải là lần đầu PDR dùng cổ phiếu của mình để huy động trái phiếu với lãi suất cao như trên.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2021 của PDR cho thấy, tính đến ngày 30/6/2021, công ty này còn 1.029 tỉ đồng nợ trái phiếu, bao gồm 674 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 355 tỉ đồng nợ dài hạn.

Đáng chú ý, toàn bộ số trái phiếu này đều có lãi suất 13%/năm và đều được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR, tổng cộng lên tới 49,35 triệu đơn vị.

Không chỉ có PDR, một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng dùng cổ phiếu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.

Mới đây, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã CK: SMC) cũng dùng 9,1 triệu cổ phiếu CTCP Thép Nam Kim (Mã CK: NKG) và cổ phiếu SMC thuộc sở hữu của bà Nguyễn Cẩm Vân làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành hôm 2/8/2021, có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 8,2%/năm.

Ngày 23/7/2021, HĐQT CTCP Apax Holdings (Mã CK: IBC) đã thông qua nghị quyết về việc sử dụng 11,49 triệu cổ phần, tương đương 57,45% vốn điều lệ của CTCP Phát triển Giáo dục Igarten (Igarten) làm tài sản bảo đảm cho đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ quý 3/2021 của CTCP Anh ngữ Apax (Apax English).

Bên cạnh đó, HĐQT IBC cũng phê duyệt phương án sử dụng 4,8 triệu cổ phần Apax English làm tài sản bảo đảm cho đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ quý 3/2021 của CTCP Ozen Health and Beauty.

Trước đó, như VietTimes từng đề cập, trong 3 tháng đầu năm 2021, Igarten đã dùng 4,8 triệu cổ phần Apax English để huy động 135 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.

Các doanh nghiệp chưa niêm yết cũng tích cực dùng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu.

Ngày 14/5/2021, CTCP Bất động sản Tiến Phước đã sử dụng 60 triệu cổ phần của công ty để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 300 tỉ đồng, có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 11%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư cần cẩn thận với các doanh nghiệp dùng chính cổ phiếu của họ làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu phát hành. Việc bán cổ phiếu nhằm thu hồi nợ trong trường hợp trái chủ vi phạm khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu chỉ mang tính lý thuyết và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bởi lẽ, khi nhà phát hành mất khả năng trả nợ, tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao, thì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ giảm sâu, thậm chí là không còn giá trị.

“Nhìn ở góc độ rủi ro, trái phiếu có lẽ tốt hơn cổ phiếu một chút, nhưng rủi ro đối với các trái chủ vẫn rất cao khi thứ tự ưu tiên bồi thường gần như là cuối cùng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định./.