Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:

Báo chí phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội!

VietTimes – Báo chí phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội, thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình.
Tư lệnh ngành TT&TT nhận định người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách, vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều.
Tư lệnh ngành TT&TT nhận định người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách, vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều.

Đó là một trong những điểm đáng lưu ý trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, vừa diễn ra chiều nay (15/1).

Về định hướng phát triển cho lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng nhắc lại thông điệp gửi đến báo chí: “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường”.

Ông cho rằng, người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách. Và vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều. Và cũng vì vậy, vai trò quan trọng của báo chí được tăng lên rất nhiều so với các nước khác.

“Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam lại càng phải cao, mà đầu tiên là các tổng biên tập. Phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với các bài viết của mình. Và cũng phải thấy tự hào, cao quí khi thấy mình có một sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của hàng trăm triệu người. Hãy giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng còn cho rằng, muốn quản lý được báo chí thì đầu tiên phải nhìn thấy toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên không gian mạng, phải giám sát được, đo lường được, phân tích và dự báo được các xu thế, phát hiện sai phạm để nhắc nhở. Các đơn vị, cá nhân sai phạm có hệ thống thì phải xử lý rất nghiêm minh. Xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số Quốc gia, Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng và đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên, từng Facebooker.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên, từng Facebooker.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên, từng Facebooker.

Nhiều báo hiện nay không nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước, tự bươn chải trên thị trường, trong khi thị trường quảng cáo bị chia sẻ gần 40% với mạng xã hội và con số này có xu thế ngày càng tăng lên. Bộ TT&TT cần sớm hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển. Với một nguồn thu nhất định nhưng ổn định sẽ giúp cho báo chí phụng sự Tổ quốc tốt hơn.

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội. Thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình. Cần phải xây dựng và ban hành Bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội.

"Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy xây dựng các mạng xã hội Việt Nam, bên cạnh các mạng lớn như Zalo, Mocha, với trên 60 triệu thuê bao thì phát triển các mạng xã hội nhỏ hơn theo phân đoạn khách hàng. Mục tiêu đến năm 2020-2021, mạng xã hội nước ngoài và mạng xã hội Việt Nam tương đương nhau về người dùng", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, năm 2019 sẽ phải thực hiện quy hoạch báo chí, sơ kết thực hiện Luật báo chí và lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật báo chí. Bộ TT&TT đang nghiên cứu, đánh giá mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số địa phương để xem xét mô hình tập đoàn truyền thông nhà nước. Bộ TT&TT sẽ phải giải quyết tình trạng báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp và giải quyết nạn phóng viên "làm tiền" doanh nghiệp.