Báo chí, mạng xã hội “đè bẹp” tin giả về dịch Corona như thế nào?

VietTimes -- Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong công tác chống dịch, ngành Thông tin và Truyền thông vào cuộc hết sức quyết liệt, đồng bộ. Báo chí, đường dây nóng của các cơ quan Trung ương, địa phương cho đến mạng xã hội đều vào cuộc hiệu quả.
Người dùng smartphone đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Hong Kong. Ảnh: AFP.
Người dùng smartphone đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Hong Kong. Ảnh: AFP.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết trong những ngày qua, riêng các cơ quan báo in đã đăng tải gần 40.000 tin bài để thông tin công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, cũng như đưa thông tin chỉ đạo, cảnh báo, khuyến cáo của các cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng tới cộng đồng xã hội.

So với báo in, các báo điện tử, nhất là các báo lớn, đã cập nhật thông tin liên tục với số lượng tin bài lớn hơn nhiều.

Các nhà mạng cũng gửi khoảng 1 tỷ tin nhắn đến các thuê bao để cảnh báo về dịch bệnh.

Hệ thống đường dây nóng của các cơ quan Trung ương, địa phương cũng tiếp nhận, giải đáp hơn 20.000 cuộc gọi miễn phí (trừ lúc đầu có chút trục trặc); hệ thống thông tin cơ sở (loa xã, phường) mỗi ngày 2 lần phát thông tin cảnh báo tới người dân.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Ảnh: VGP.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Ảnh: VGP.

Đáng chú ý, trong công tác thông tin lần này, các mạng xã hội đã chủ động vào cuộc với ý thức rất cao đối với cộng đồng. Các mạng xã hội trong nước như Zalo, Mocha,… đã chủ động nhắn tin cho các khách hàng của mình khuyến cáo phòng chống dịch bệnh.

Các mạng xã hội nước ngoài như Facebook cũng đã gỡ bỏ 11 tài khoản mạo danh Bộ Y tế Việt Nam và có định hướng thông tin chính thống cho người dùng,…

Nhìn chung, trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực không lớn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng vào cuộc tích cực, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện loại bỏ những thông tin sai lệch, tin giả và lan tỏa mạnh mẽ những thông tin chính thống, những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp đến với người sử dụng,…

"Trong những lúc khó khăn, truyền thống nhân ái, chia ngọt, sẻ bùi, thương người như thể thương thân của dân tộc lại được phát huy. Mọi người, đồng lòng, đồng thuận, đoàn kết cùng hướng tới mục tiêu chung là ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.