Bánh chưng 2,5 tấn: Chỉ là để... “tự sướng“

Theo các chuyên gia văn hóa, việc chạy đua kỷ lục chỉ là để “tự sướng”, không thể hiện trang trọng, thành kính trong nghi lễ.
Bánh chưng 2,5 tấn: Chỉ là để... “tự sướng“

Dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), bên cạnh nhiều sản vật từ phương Nam, Công viên Văn hoá Đầm Sen (TP HCM) làm chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn để dâng lễ và phục vụ khoảng 1.000 du khách tham quan tại công viên dịp Giỗ Tổ 10/3 (âm lịch). Thông  tin về chiếc bánh khổng lồ được dư luận đón nhận với nhiều ý kiến trái chiều. 

Video: Bánh chưng khổng lồ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

 Trong khi đó, sau nhiều năm ồn ào vì lễ vật kỷ lục, Ban tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra thông điệp “nói không” các vật cúng tiến “khủng”.

“Giỗ Tổ đã thừa kỷ lục”

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho hay, việc dâng cũng lễ vật trong ngày giỗ Tổ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Lễ vật tùy tâm, không phải lễ vật càng to càng trang trọng.

“Chạy đua kỷ lục, cố gắng làm thật to, hoành tráng chẳng qua là để các công ty, đơn vị tự sướng. Lễ vật cúng tổ tiên được sử dụng như một hình thức quảng cáo, phô trương sức mạnh của đơn vị đó. Thực tế, từng có những chiếc bánh, nồi hủ tiếu khổng lồ phải vứt bỏ sau khi trưng bày. Nơi làm bánh thật to, nơi vẫn còn thiếu đói. Làm bánh hoành tráng mua cười cho thiên hạ sẽ làm mất tính thiêng liêng của lễ nghi”, ông Vỹ nói.

Theo dự kiến, chiếc bánh chưng “khủng” sẽ được nấu trong vòng 70 giờ.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc xác lập những kỷ lục cũng là một cách làm tốt để thu hút sự chú ý của người dân, góp phần quảng bá lễ hội, ông Vỹ cho biết: “Giỗ Tổ Hùng Vương đã thừa những kỷ lục rồi. Lấy to nhất làm tiêu quảng bá lễ hội là cách nhìn rất thô sơ. Nếu muốn quảng bá về tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có nhiều cách, ví dụ như chúng ta có thể làm một bộ phim hay, dàn dựng những vở kịch, diệu múa đẹp khi đưa ra khiến bạn bè thế giới phải trầm trồ khen ngợi. Quảng bá văn hóa bằng bánh chưng to, chai rượu khủng sẽ biến lễ nghi truyền thống tốt đẹp thành phản cảm”.

Trước đó, năm 2008, một cặp bánh chưng bánh dày lớn kỷ lục cũng đã được vận chuyển từ TP HCM về Phú Thọ để dâng cúng Vua Hùng. Tính riêng nguyên liệu để làm bánh chưng lên tới 1 tấn gạo nếp, 100 kg thịt lợn, 200kg đậu xanh, trong lượng lúc luộc chính nặng 2 tấn.

Năm 2010, một công ty cúng tiến chai rượu khủng vào hàng kỷ lục thế giới với chiều cao 5,2m, đường kính hơn 1m, chứa khoảng 4000 lít. Thời điểm đó, chai rượu này lớn hơn chai rượu kỷ lục của Trung Quốc có dung tích 1.800 lít.

Chia nhỏ bánh to không lo phản cảm

Theo Tiến sĩ văn hóa Trần Thị Tuyết Mai, bỏ qua những mục đích khác của doanh nghiệp khi cúng tiến lễ vật khủng thì ý thức hướng về nguồn cội rất đáng trân trọng. 

“Doanh nghiệp bỏ tiền ra để làm bánh khổng lồ, họ cũng muốn quảng cáo thương hiệu. Nhưng để tránh phản cảm, thay vì làm chiếc bánh to cho 1.000 người ăn, họ có thể làm 1.000 bánh nhỏ chia cho người dân thụ lộc chẳng phải tốt hơn sao? TS Mai nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tuyết Mai cho rằng lễ vật phải xuất phát từ tấm lòng của người dâng cúng và đúng với lễ nghi truyền thống.

 “Ý nghĩa của bánh chưng, bánh dày trong truyền thuyết xưa tôn vinh giá trị của lúa gạo, sự giản dị.  Vì vậy, lễ vật dâng cúng Vua Hùng cũng nên là những vật phẩm thiết thực đối người cung tiến và người thụ lộc, tránh phô trương, lãng phí”, TS Mai nói.

Tổng hợp từ Dân Việt, VTV