Bàn tay nào đủ sức ngăn đà lao dốc của thị trường chứng khoán

Cơ chế cùng phối hợp đến từ các ngân hàng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp là giải pháp hết sức cần thiết để ngăn đà lao dốc của thị trường chứng khoán và giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

Đó là kiến nghị cấp thiết của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), nhằm ngăn chặn đà lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán và giải cứu cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hàng loạt gói cứu trợ nền kinh tế trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp đang được các nước đưa ra để phục hồi tác động tiêu cực chưa từng có từ cơn bão Covid-19. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tăng nguồn cung USD ra thị trường để bình ổn tỷ giá, Bộ Công thương, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang đề xuất phương án hỗ trợ gián tiếp 20.000 ngàn tỷ đồng cho người thất nghiệp, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Thực sự, đây là các giải pháp hỗ trợ hết sức kịp thời và cần thiết, để toàn bộ nền kinh tế xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh sự đồng hành từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực để vượt qua các khó khăn… đặc biệt khó khăn do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Tính từ đầu tháng 2/2020, với những ảnh hưởng đầu tiên của dịch, thì đến 26/3/2020, VN-Index đã giảm 242 điểm từ 936 xuống 694 điểm, thị giá các cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Vốn hóa HOSE giảm 756.001 tỷ đồng từ 3.173.057 tỷ đồng còn 2.417.056 tỷ đồng, tương đương mức sụt giảm 33 tỷ USD.

Mức sụt giảm trên cũng chính là giá trị sụt giảm thị giá của hơn 400 mã cổ phiếu đang niêm yết mà các doanh nghiệp đang phải gồng mình chịu đựng. Thị giá lao dốc xuống dưới giá trị doanh nghiệp, và đến giờ đây không chỉ còn là vấn đề “bộ mặt” mà đó là sự “oằn mình” chịu đựng của các doanh nghiệp. Giá giảm - cổ đông cắt lỗ, và giá càng giảm sâu, các khoản thế chấp ngân hàng, hay margin tại công ty chứng khoán không còn đủ giá trị đảm bảo theo thỏa thuận ban đầu… dẫn đến tình trạng phải bù tiền mặt hoặc tài sản, khó khăn càng chồng chất.

Để ngăn đà lao dốc không phanh này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt, người có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính, nắm giữ một tập đoàn đa ngành, cùng với trọng trách chủ tịch CLB gồm các doanh nghiệp dẫn đầu, đã đưa ra kiến nghị, các giải pháp tăng cường lúc này cần đến từ chính sự phối hợp của các bên - B2B (business to business), cụ thể với cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

B2B và B2C - giải pháp “ngăn chặn dịch” đến từ các chủ thể thị trường
Ông Đặng Văn Thành trong một lần chia sẻ trải nghiệm thương trường với các doanh nhân.

Về thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến đầu tháng 3, với thông tin từ 23 tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các ngân hàng này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn, như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Tuy nhiên, không chỉ có các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, mức độ chịu tác động gián tiếp với các ngành nghề khác là hiện hữu khi sự đình trệ đang đến với toàn bộ các vấn đề kinh tế xã hội, giao thương… Trên cơ sở đánh giá cụ thể, cần có các gói hỗ trợ giãn nợ - giảm lãi suất quyết liệt hơn nữa theo từng nhóm mức độ chịu ảnh hưởng.

Về thị trường vốn, mà tiêu biểu là thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán đang đóng vai trò là các tổ chức tài chính trung gian, tác nhân quan trọng của thị trường. Lúc này, rất cần sự chủ động từ phía các công ty chứng khoán với các khách hàng của mình. Cần có sự gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi tháo gỡ khó khăn từ các công ty chứng khoán với khách hàng là tổ chức, cá nhân có sử dụng giao dịch ký quỹ…

Với tổng lượng vốn giao dịch ký quỹ toàn thị trường đang khoảng 50.000 tỷ đồng, và chỉ các mã chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện mới được phép mua bán sử dụng “margin” thì rõ ràng, việc thống nhất giải pháp giữa các bên lúc này là thực sự cần thiết, nhất là với các khách hàng “chiến lược”.

Các tác động hiện nay là do yếu tố khách quan, cần tìm giải pháp để cùng nhau tháo gỡ và góp phần ổn định thị trường chứng khoán. Nếu không, chỉ xử lý “force sell” thì sẽ tăng nguồn cung không cần thiết ra ngoài thị trường. Đó là “cung không có cầu” - “cung không ai mua” và càng làm thị trường xấu đi.

Hành lang pháp lý và cơ chế hướng dẫn trong những trường hợp khẩn cấp là cần thiết, nhưng nếu chưa có, tại sao các bên không ngồi với nhau, chủ động đến gặp các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp như chứng thư bảo lãnh từ công ty mẹ, bổ sung các loại chứng khoán khác, hoặc tăng tỉ lệ margin có đoản kỳ từ 3 - 6 tháng, thay vì 50 - 70, có thể 80. Cho họ phân kỳ trả, thay vì bán, họ có kỳ mua lại…

Với chứng thư đến từ sự cam kết của các doanh nhân có uy tín, những người sáng lập đã gầy dựng và tạo dựng nên tên tuổi doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm dịch vụ, những người sẵn sàng sống chết vì đứa con tinh thần thì đây là thực sự là “cam kết đáng tin cậy và trọng lượng nhất”.

Như vậy, cơ chế “cùng phối hợp” đến từ các ngân hàng và các công ty chứng khoán nhằm có giải pháp kịp thời đồng hành cùng các khách hàng tốt, vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết. Chỉ có như vậy, tất cả mới cùng sớm quay về cơ chế ổn định khi dịch bệnh qua đi, và mang lại sự hợp tác phát triển bền vững cho tất cả các bên”.

Đây chính là thời cơ tìm kiếm khách hàng tốt nhất

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và muốn bảo toàn tài khoản, sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử đơn cử như ngành mía đường.

Hiện TTC đang chiếm phần lớn thị phần trong nước, có thể coi là đại diện cho ngành mía đường Việt Nam. Về tình hình kinh doanh, riêng tháng 3/2020, doanh số ước tính đạt hơn 80 ngàn tấn đường, đó là con số tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái chỉ 30 ngàn tấn. Nhưng cổ phiếu của TTC Sugar (HOSE: SBT) lại đang giảm trong thời gian gần đây. Chỉ kết thúc phiên giao dịch 27/3 cổ phiếu SBT đã có phiên đảo chiều tăng trần thứ 2 liên tiếp sau thông tin ông Đặng Văn Thành đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu. 

Nhìn rộng hơn trong thời điểm này, những ngành lương thực, thực phẩm sẽ có cơ hội phát triển, nhưng cổ phiếu có thể vẫn tương tự như TTC Sugar. Rõ ràng là tâm lý “bầy đàn” khiến thị trường đã khó khăn càng thêm ảm đạm.

Đứng ở góc độ đại diện doanh nghiệp và người từng làm tài chính, ông Đặng Văn Thành cho rằng đây chính là thời cơ tìm kiếm khách hàng tốt nhất: “Trong tình hình khẩn cấp này, các công ty chứng khoán cần phải chủ động tìm đến khách hàng, kết nối với nhiều mạng lưới khác nhau để hỗ trợ những khách hàng có tiềm lực thật sự. Dưới góc độ trách nhiệm của mình, các công ty chứng khoán nên hành động ngay, đó là thể hiện tầm nhìn chiến lược.

Tôi nhớ khi khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 xảy ra, lúc ấy tôi còn làm Chủ tịch Sacombank, tôi đã chủ động mời khách hàng lớn đến dự cuộc họp và cam kết Sacombank tiếp tục tài trợ và giãn lãi, để củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp.

Theo như dự báo của Bộ Y tế, cao điểm của dịch bệnh sẽ từ đây đến cuối tuần sau. Về phía Chính phủ đã nỗ lực hết sức và có nhiều quyết sách rất kịp thời và dứt khoát, nhưng đến giai đoạn này thì chính các doanh nghiệp phải cùng đồng hành với Chính phủ. Bằng cách kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, để duy trì nền kinh tế, đầu tiên là duy trì được thị trường tài chính.

Với thị trường tiền tệ, tôi thật sự mong muốn với kinh nghiệm và điều kiện của mình, làm sao khơi dậy tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng, để giãn lãi và giãn nợ một cách chủ động.

Thứ hai, trong thời điểm thị trường chứng khoán đang lao dốc như hiện nay, việc “force sell” theo lập trình sẵn có, chỉ tạo thêm nguồn cung dư thừa trên thị trường.

Ủy ban chứng khoán, các công ty chứng khoán phải nhận định “trong nguy có cơ” với những khách hàng chiến lược. Đây là cơ hội chứng minh sự quan tâm, chia sẻ của họ. Nếu có sự đồng hành của các công ty chứng khoán và khách hàng của họ sẽ có hiệu ứng tích cực ngay”.

Trả lời câu hỏi, những kiến nghị này đã từng có tiền lệ trên thế giới chưa? Ông Thành cho biết: “Tình thế cấp bách này cần có những giải pháp khác thường, không thể ngồi đó mà chờ thực tế ngày càng xấu đi. Chứng thư bảo lãnh là gợi ý của tôi, ví dụ một công ty chứng khoán lớn có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp, thay vì bán ra thị trường, thì bán cho chính mình.

Khác với hai cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, khủng hoảng này lần đầu chúng ta mới gặp, dưới góc độ nghề nghiệp, tôi thấy đây là cách thiết thực nhất. Nếu tôi là ngân hàng, lúc này tôi sẽ chủ động gặp khách hàng, vì đây là cơ hội để tái cấu trúc lại cho khách hàng của mình. Trong diễn biến thế này, không ai biết trước tuần sau thị trường chứng khoán sẽ thế nào? Vậy tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau?

Doanh nghiệp hãy cùng Chính phủ góp phần ổn định thị trường chứng khoán đang lao dốc không phanh, vì như thế thì tất cả chúng ta đều bị tổn hại hết.

Hơn lúc nào hết, rất cần tiếng nói kịp thời của Ủy ban chứng khoán. Các công ty chứng khoán, khách hàng, các công ty liên ngành… có thể hiệp thương với nhau để xử lý kịp thời, giảm “force sell”, vì nguồn cung lúc này chẳng ai mua. Nhà đầu tư tại Việt Nam đa phần theo tâm lý “bầy đàn”. Đặc biệt trong lúc dịch bệnh, nhà đầu tư lại càng thận trọng và muốn bảo toàn tài khoản”.

Đề cập đến tính pháp lý của chứng thư bảo lãnh và động thái mua vào 10 triệu cổ phiếu TTC Sugar, mã chứng khoán SBT, ông Đặng Văn Thành cho biết: “Trong ngân hàng có chế độ “đệ tam nhân” bảo lãnh. Dùng tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp trong lúc khủng hoảng này là đồng hành với khách hàng, với cổ đông của mình, tại sao không làm? Cung ào ào bất hợp lý, cần giải pháp tình thế để ngăn chặn lại. Chứ bán hoài đâu ai mua?

Tôi đăng ký mua vì tinh thần cộng đồng, vì trách nhiệm với thị trường mía đường Việt Nam thôi, chứ không phải vì TTC bởi chúng tôi đã có giải pháp căn cơ rồi. TTC Sugar là ngành nhu yếu phẩm. Sau Atiga, doanh nghiệp nào trụ lại thời điểm này sẽ đứng vững và hội nhập sâu với thế giới”.

Trong điều kiện đại dịch bùng phát, người dân và doanh nghiệp sản xuất liên quan đến mía đường như nước giải khát, cồn y tế, nước rửa tay sát khuẩn, dược phẩm,… đều phải tăng cường tích trữ để giảm rủi ro trong điều kiện logicstic có vấn đề. Hiện tại, TTC Sugar nói riêng và ngành mía đường nói chung vẫn bảo đảm nhu cầu sản xuất và năng lực cung ứng.

TTC đảm bảo nguồn đường sạch cho khách hàng, bảo đảm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó lượng xuất khẩu vẫn tăng, chiếm khoảng 50% sản lượng, đó là điểm son của nông nghiệp Việt Nam. Để kịp thời cung ứng siêu thị, hàng lên kệ liên tục, đáp ứng nhu cầu khách hàng, 3 nhà máy của TTC hoạt động liên tục.

Hiện một số khách hàng rất quan tâm đến nguồn đường dự trữ, nhất là trong 2 tuần tới, nhu cầu có thể tăng cao, TTC cam kết trong trường hợp nhu cầu về đường tăng cao, TTC Sugar vẫn đủ đáp ứng.

“Tôi đã chỉ đạo anh em phải đảm bảo hàng hóa và bình ổn giá, đó chính là trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.

Chia sẻ về tâm huyết của mình với thị trường tài chính, ông Đặng Văn Thành nói: “Thị trường tài chính vẫn là cột sống để duy trì nền kinh tế. Ngành ngân hàng tôi vẫn rất mê, tới đây khi áp dụng triệt để quản trị số, ngân hàng số, sẽ tạo lực đẩy nền kinh tế rất tích cực. Các ngân hàng không minh bạch sẽ không thể tồn tại được. Ngành ngân hàng hơn lúc nào hết cần phải cần tái cấu trúc mạnh, nếu không sẽ tụt hậu ngay.

Nếu có cơ hội tôi vẫn có thể trở lại, vì máu lửa vẫn còn, kinh nghiệm nhiều hơn. Thực sự làm ngân hàng minh bạch thì chẳng có gì khó. Nợ quá hạn nếu là của ngân hàng thì chẳng có gì sợ, còn nợ quá hạn của cá nhân mới đáng sợ.

Trong bối cảnh này, Chính phủ quan tâm kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất, tăng nguồn cung, nhưng doanh nghiệp chỉ mong ngân hàng giảm, giãn lãi và nợ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ gặp rất nhiều khó khăn.

Tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến rất phức tạp. Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất chuyên nghiệp để ngăn chặn kịp thời. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, tôi mong doanh nghiệp sẽ cùng vào cuộc với Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn kịp thời đà lao dốc của thị trường chứng khoán, đó là trách nhiệm và quyền lợi của chúng ta”.

Theo TheLeader