Bạn quyết định “làm mới” mình trong năm 2018: Làm thế nào để không bỏ cuộc giữa chừng?

VietTimes – Nếu như bạn muốn thay đổi bản thân trong năm 2018, bạn sẽ phải đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Nhưng nếu bạn không kiên trì với những mục tiêu ấy, bạn rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Dưới đây là 3 lời khuyên của các chuyên gia tâm lý dành cho những người muốn làm mới mình.

Lời khuyên thứ nhất: Chỉ thực hiện các mục tiêu đề ra nếu bạn thực sự muốn thay đổi

Hãy suy nghĩ tại sao bạn lại muốn thay đổi, lại muốn làm mới? Có phải bạn chỉ muốn học đòi theo một mốt thời thượng của một nhóm người nào đó? Hoặc bạn đang thực sự rất mệt mỏi về mọi thứ và cuối cùng bạn đã sẵn sàng thay đổi? Đó chính là những dấu hiệu bạn nên “tân trang” lại bản thân trong năm nay.

ảnh minh họa (Financial Imagineer)

Ông John Bargh, Giáo sư tâm lý thuộc Đại học Yale nói rằng mọi người nên cố gắng thử một thứ gì đó mới trong năm nay nếu điều đó thực sự quan trọng với họ. Họ sẽ làm vì chính mình chứ không phải vì ai khác.

“Mọi người cần phải nghiêm túc với dự định này”, ông John nói.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Y Harvard cũng đồng ý với nhận định trên. Họ viết rằng: “Một sự thay đổi sẽ xảy ra khi nó có động lực và bắt nguồn từ tư duy tích cực”.

Tốt nhất là chọn một mục tiêu cụ thể, chứ không chỉ là “tôi muốn tập thể dục nhiều hơn” nhưng không xác định rõ cụ thể là bao nhiêu phút và khi nào. Cụ thể hóa các hoạt động, đo lường được, trở thành thói quen hàng ngày của bạn sẽ giúp bạn dễ dàng thành công.

Một trong những yếu tố khiến mọi người thất bại với mục tiêu của mình là thói quen chia sẻ câu chuyện thất bại với bạn bè. “Tám chuyện” về việc chúng ta không thể chống lại những cám dỗ ưa thích có thể khiến chúng ta nguôi ngoai nhưng lại không tạo động lực để thay đổi. Trong trường hợp này, lời khuyên của các nhà tâm lý là: “Bạn không thể thay đổi trừ phi bạn thực sự muốn”.   

Lời khuyên thứ hai: Giữ lời hứa cho chính bạn (hoặc cho cơ thể bạn) trong suốt cả tháng, không có ngoại lệ

Bạn quyết định “làm mới” mình trong năm 2018: Làm thế nào để không bỏ cuộc giữa chừng? ảnh 2ảnh Wikipedia

Nhiều hành động chúng ta thực hiện mỗi ngày không đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ quá nhiều: lái xe, rửa tay, gõ bàn phím, chọn đường đi đến cơ quan. Đây đều là những hành động không đòi hỏi sự tập trung quá nhiều. Bộ não và cơ thể học hỏi từ những thói quen hàng ngày này và bắt đầu dự đoán cách hành động. Đó là lý do khi bạn muốn tạo ra một hành vi mới, bạn cần nhiều thời gian và sự tập trung cho nó.

“Bạn sẽ không thể thay đổi nếu không tập trung tâm trí”, ông John Bargh khuyên.

Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 18 ngày hoặc lâu hơn một chút để thực hiện thường xuyên một quy trình mới, nhưng Bargh nói rằng 1 tháng là một thanh đo lường tốt để thử một giải pháp mới. Nếu bạn thử một cái gì đó trong 31 ngày đầu tiên của năm và bạn không thích sự thay đổi này, bạn có thể quyết định từ bỏ nó vào tháng Hai. Nhưng hãy cho mình một cơ hội chiến đấu, với một tháng nỗ lực liên tục không bị gián đoạn.

Lời khuyên thứ ba: thay thế thói quen xấu bằng một thứ gì đó tốt hơn

Bạn quyết định “làm mới” mình trong năm 2018: Làm thế nào để không bỏ cuộc giữa chừng? ảnh 3Một cốc nước chanh có thể giúp bạn giảm cơn thèm rượu (ảnh Flickr)

Chúng ta đều biết rằng để một đứa trẻ nhỏ ngừng khóc, bạn phải đưa cho nó một thứ gì đó để nó phân tâm. Cơ thể và tâm trí của bạn rất giống với đứa trẻ đó khi bạn cố tạo ra các thói quen mới và chuyển sang mục đích mới. Bạn cần phải thay thế một hành vi cũ bằng hành vi mới.

Ông Bargh đã thành công khi áp dụng thủ thuật này khi ông muốn bỏ rượu. Thay vì trở về nhà và nhấm nháp đồ uống có cồn, ông đã tìm đến chiếc kẹo mút. Nó đã làm cho miệng của ông hoạt động và khiến nó quên đi cơn thèm rượu. Ông Bargh thậm chí còn tạo ra một trò chơi nhỏ trong thói quen mới: vê vỏ kẹo mút và ném cho con mèo để nó nghịch.

Bargh nói rằng thay đổi một thói quen luôn là khó khăn. Vì vậy, lời khuyên cuối cùng của ông rất đơn giản: nếu bạn sắp sửa giải quyết một việc mới, "hãy làm điều đó cho chính mình", ông nói.