Đà Nẵng:

Băn khoăn khi dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 5,27% tổng dư nợ

VietTimes -- “Không loại trừ khả năng các khoản vay bất động sản đang bị che giấu dưới danh nghĩa của các khoan vay kinh doanh và tiêu dùng khác”...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cho vay vượt huy động

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Đà Nẵng vừa cho biết, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt 130.606 tỷ đồng và chủ yếu là VNĐ (chiếm 96,32%), tăng 3,9% so với cuối năm 2018, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, khối Ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 58.363 tỷ đồng, chiếm 44,68% tổng huy động vốn, khối Ngân hàng cổ phần, liên doanh, nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác đạt 72.243 tỷ đồng, chiếm 55,32% tổng huy động vốn.

Tính theo kỳ hạn, đến ngày 31/3/2019, huy động vốn kỳ hạn dưới 12 tháng đạt 112.171 tỷ đồng, chiếm 85,88%, tăng 5,01% so với cuối năm 2018; Kỳ hạn dài hạn hơn 12 tháng đạt 18.436 tỷ đồng, chiếm 14,12% tổng nguồn vốn, giảm 2,66% so với cuối năm 2018.

Tính đến hết tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 159.596 tỷ đồng, tăng 6,39% so với cuối năm 2018 và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cho vay trung, dài hạn đạt 99.410 tỷ đồng, chiếm 62,29% tổng dư nợ, tăng 30,65% so với cùng kỳ năm 2018. 

Phân loại theo đối tượng, dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp đạt 88.186 tỷ đồng, chiếm 55,26%; Cho vay cá nhân và hộ gia đình đạt 70.433 tỷ đồng, chiếm 44,13% tổng dư nợ.

Như vậy, số dư huy động của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng đang thấp hơn so với quy mô dư nợ mà các đơn vị này đang cho vay ra. Thêm nữa, đang có sự "lệch pha" đáng kể giữa dòng vốn đầu vào và đầu ra, khi vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn nhưng vốn cho vay lại chủ yếu là dài hạn.

Trao đổi với VietTimes, Giám đốc một ngân hàng đánh giá: “Tỷ lệ huy động ngắn hạn cao là điều bình thường. Đây là vấn đề rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản của nền kinh tế. Và những số liệu này đang phản ánh đúng vấn đề của thị trường tài chính Việt Nam khi huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn".

Liệu có liên quan gì giữa dư nợ cho vay tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình và sự sôi động của thị trường BĐS trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua hay không?
Dư nợ cho vay kinh doanh BĐS trên địa bàn Đà Nẵng chỉ chiếm tỷ lệ 5,27% tổng dư nợ (!?).

Dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 5,27%

Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh tại TP Đà Nẵng, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được NHNN kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả.

“Tính đến 31/3/2019, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS trên địa bàn chỉ chiếm tỷ lệ 5,27%, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán chiếm tỷ lệ 0,06%, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống chiếm tỷ lệ 28,93% trên tổng dư nợ”- vị này thông tin.

Tuy vậy, một số nhà phân tích lại tỏ ra băn khoăn về số liệu thống kê "dư nợ cho vay kinh doanh BĐS trên địa bàn chỉ chiếm tỷ lệ 5,27%" mà NHNN Chi nhánh Đà Nẵng đã công bố, nhất là xét trong bối cảnh đầy sôi động của thị trường địa ốc thành phố này thời gian qua.

“Không loại trừ khả năng các khoản vay bất động sản đang bị che giấu dưới danh nghĩa của các khoan vay kinh doanh và tiêu dùng khác”- một Tiến sĩ nói.

Cũng theo vị Tiến sĩ này, tỷ lệ dư nợ cho vay trong lĩnh vực dịch vụ thương mại chiếm tỷ lệ cao cũng không loại trừ được đổ về BĐS. "NHNN siết chặt các quy định cho vay BĐS nên các tổ chức tín dụng có thể "núp" dưới các khoản mục khác", ông này nói./.