Công nghệ giáo dục

Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“

VietTimes -- "I-len-côp, nhà triết học lớn của Liên Xô, ngay trong lần gặp đầu tiên, nhân dịp đón giao thừa năm 1968 – 1969, đã khuyên tôi nên đọc triết học: chỉ cần đọc 4 tác giả: Marx, Hegel, Kant, Platon" - Hồ Ngọc Đại.
"Chiếc xe đạp là hình thái vật chất trực quan của một nguyên lý mới, dù chỉ mới nửa vời".
"Chiếc xe đạp là hình thái vật chất trực quan của một nguyên lý mới, dù chỉ mới nửa vời".

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại
 Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học và thành tựu tâm lý học đương thời.

I-len-côp, nhà triết học lớn của Liên Xô, ngay trong lần gặp đầu tiên, nhân dịp đón giao thừa năm 1968 – 1969, đã khuyên tôi nên đọc triết học: chỉ cần đọc 4 tác giả: Marx, Hegel, Kant, Platon.

Tôi đọc Marx. Qua Marx, tôi biết đến triết học gắn với cuộc sống vật chất hằng ngày của hàng triệu người. Nuôi sống cuộc sống ấy là năng lượng vật chất.

Muốn có cuộc sống tốt hơn thì cần có năng lượng vật chất lớn hơn, tạo ra bằng một sức mạnh vật chất lớn hơn hẳn.

Sức mạnh vật chất mạnh hơn hẳn phải được tạo ra theo một nguyên lý mới chưa hề có. Nếu mỗi nguyên lý làm một cuộc cách mạng thì mỗi cuộc cách mạng đặc trưng bởi sức mạnh vật chất của nguyên lý mới.

Cuộc cách mạng 1.0 làm bằng sức mạnh vật chất của máy hơi nước. Sức mạnh này đã vượt bỏ sức mạnh vật chất tự nhiên thiên nhiên của cơ bắp.

Thay sức mạnh cơ bắp trời cho bằng sức mạnh của trí óc do người tạo ra là cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có trong hàng triệu triệu năm của lịch sử tự nhiên, tính từ con a-míp.

Cuộc cách mạng 1.0 là “bước nhảy sinh mệnh”, nhảy sang bên này Phạm trù người.

Lịch sử tự nhiên phải tiêu tốn hàng triệu triệu năm mới cóp nhặt đủ sức mạnh vật chất để làm cuộc cách mạng 1.0, khẳng định Phạm trù người. Sau đó, Phạm trù người tự khẳng định minh bằng cách làm ra các cuộc cách mạng tiếp theo, với các khoảng cách thời gian ngày càng ngắn lại:

Cuộc cách mạng 2.0 – máy nổ

Cuộc cách mạng 3.0 – máy tính

Cuộc cách mạng 4.0 – máy nghĩ (trí tuệ nhân tạo)

Mỗi cuộc cách mạng đều dùng sức mạnh vật chất lớn hơn, làm ra theo các nguyên lý mới.

Hàng tỉ năm, lịch sử chỉ đủ sức mạnh vật chất duy nhất để di chuyển: dùng sức mạnh cơ bắp trời cho để đi bộ. Con sâu đi bộ. Con cá đi bộ. Con chim đi bộ. Con người đi bộ.

Mãi cho đến tận cuối thế kỉ XVIII, hai anh em nhà nọ mới nghĩ ra cách di chuyển mới: đi xe đạp.

Chiếc xe đạp là hình thái vật chất trực quan của một nguyên lý mới, dù chỉ mới nửa vời: Trí óc biết xui các sức mạnh vật chất tác động lẫn nhau theo bản tính (quy luật) vốn có để tạo ra một sức mạnh vật chất cấp cho trí óc, cho người.

Sau “bước nhảy vọt” vĩ đại từ đi bộ sang đi xe đạp, con người tự tin hơn, trí óc nhanh chóng khôn hơn, dám làm những chuyện mạo hiểm hơn, bất ngờ hơn, tạo ra lịch sử người theo trí khôn người. Trong vòng nửa thế kỷ, tính từ lúc có xe đạp, lịch sử tự đặt tên mình theo các nguyên lý: xe đạp – ô tô – máy bay – con tàu vũ trụ.

Giáo dục là một hình thái xã hội, vừa là vật chất cảm tính mang tính lịch sử, vừa là tinh thần người, trí khôn người, nguyên lý triết học người…