Bài 28: Tiếng là Đối tượng cần chiếm lĩnh của Môn Tiếng Việt lớp Một CGD

VietTimes - "Đối tượng lĩnh hội là Tiếng, triển khai dọc theo tiến trình phát triển tự nhiên từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn." - Hồ Ngọc Đại

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này: Tiếng là Đối tượng cần chiếm lĩnh của Môn Tiếng Việt lớp Một CGD.

Đối tượng lĩnh hội là Tiếng, triển khai dọc theo tiến trình phát triển tự nhiên từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.

Xin lưu ý: Tiếng của CGD là một khái niệm ngữ âm. Tiếng của Nguyễn Tài Cẩn là một khái niệm ngữ pháp.

Ngày nay, Thầy chọn Đối tượng môn học cho Trò quan trọng như ngày xưa cha mẹ chọn vợ cho con, hạnh phúc / đau khổ trọn một đời người.

Ngày nay, tôi chọn Đối tượng môn Tiếng Việt cho thế hệ trẻ hiện đại, thế hệ chưa hề có, nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại.

Tiếng là một thực thể âm thanh, có thực, nghe được, đang tồn tại thực trong đời sống thực, khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước.

Tiếng tiếng Việt cho Môn học là một thực thể có thực, trống rỗng, quen gọi là vỏ ngữ âm. Cái vỏ (Tiếng) là một hình thức, chỉ có thể nhận ra bằng giác quan lý thuyết: Tai nghe.

Nghe tức là tiếp nhận hình thức, không mảy may động chạm đến những gì “chứa” bên trong (nghĩa): Nhìn thì chỉ thấy (nhận ra) hình thức, cái bề ngoài, không thể nhìn thấy cái ruột bên trong (nghĩa).

Hình thức là những gì trẻ em tiếp nhận bằng hai giác quan lý thuyết: Tai (nghe), mắt (nhìn).

Con đường phát triển của đời em luôn luôn ở phía trước. Em luôn luôn đi tới, đi tiếp, không đứng lại, không quay lại. Ở một thời điểm, trên quãng đường đang đi do CGD thiết kế, em nghe một Tiếng. Em chỉ cần nhắc lại Tiếng đó (thuần âm thanh). Em dùng Tiếng đó làm Vật liệu để phân tích ngữ âm.

• Em nghe Tiếng.

• Em nhắc lại Tiếng.

• Em phân tích Tiếng.

CGD dùng một Tiếng mẫu: /ba/.

• Em nghe: /ba/

• Em nhắc lại: /ba/

• Em phân tích ra hai phần (theo Mẫu sen / chen):

• Em nhận ra từng âm, theo cách phát âm:

/a/ - luồng hơi đi ra tự do (không bị cản).

/b/ - luồng hơi đi ra bị cản (âm /b/ bị môi cản).

Lời nói gió bay.

Em học cách “giữ lại” bằng:

- quy ước của riêng em;

- quy ước của cộng đồng.

Em nên theo quy ước của cộng đồng, vừa tiện cho em, vừa tiện cho mọi người:

Dùng Chữ ghi Âm.

Nhận ra Âm bằng tai.

Nhận ra Chữ bằng mắt.

Nói ra, âm (Tiếng) nghe được, tan ngay.

Viết ra, chữ nhìn thấy, còn lại lâu dài.

CGD dùng một Mẫu: Tiếng /ba/.

a. Phân tích cấu trúc ngữ âm của Tiếng /ba/.

- Âm đầu: /b/.

- Vần: /a/.

Dùng phát âm phân loại âm:

/b/ - luồng hơi đi ra bị cản: Phụ âm.

/a/ - luồng hơi đi ra tự do: Nguyên âm.

b. Dùng /ba/ làm Mẫu (làm bằng âm thanh, chưa học chữ):

- Thay âm đầu: ba   ca   cha   da    đa.

- Thay vần: bo   co    cho   do   đo.

- Thay thanh: bà    bá    bả    bã    bạ.