Công nghệ giáo dục:

Bài 24: Từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn

VietTimes -- "Từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn, đó là chiều vận động tự nhiên của Đối tượng (Đối tượng cần chiễm lĩnh, lĩnh hội), cũng là chiều vận động của tư duy trong quan hệ với Đối tượng." - Hồ Ngọc Đại

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này:

Bài 24: Từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn

Từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn, đó là chiều vận động tự nhiên của Đối tượng (Đối tượng cần chiễm lĩnh, lĩnh hội), cũng là chiều vận động của tư duy trong quan hệ với Đối tượng.

Chú học trò với vốn triết học học trò luôn luôn bị ám ảnh bởi câu “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”, cứ nghĩ rằng cái trông thấy, sờ được là trực quan. Này, nó cũng là một trình độ trừu tượng đối với tư duy đấy!

Chú trông thấy (trực quan sinh động) một cô gái xinh đẹp đi qua. Cô gái ấy còn rất trừu tượng đối với tư duy. Chú có biết cô ấy là sinh viên hay nhân viên? Chú có biết cô ấy con nhà ai, nhà ở đâu, có mấy anh chị em, có người yêu chưa?…

Mẹ chú là người phụ nữ rất cụ thể đối với chú, nhất là đối với ông thân sinh chú (chồng bà ấy).

Trừu tượng / Cụ thể là rất tương đối, tương đối nói chung, hay tại một thời điểm trong quá trình tư duy đang thâm nhập (chiếm lĩnh) Đối tượng, cũng là đang trong quá trình phát triển của chủ thể.

Trẻ 2 tháng tuổi đã nhoẻn cười, khi nhìn thấy cái “trực quan sinh động” của mẹ đang gần miệng nó. Trước đó, vừa thấy mẹ vạch áo ra, nó đã đưa tay đón lấy rồi vội vàng nhét vào miệng. Tư duy của bé lúc ấy “vừa trực quan sinh động, vừa tư duy trừu tượng”.

Các chú học trò khốn khổ vì các định nghĩa trong sách giáo khoa, mà lẽ ra phải biết cách chiếm lĩnh đối tượng có thực trong đời thì mới có năng lượng cấp cho sự phát triển của mình.

Trẻ em từ lọt lòng đã phải làm hai việc, theo từng trình độ phát triển của trừu tượng / cụ thể:

Tự ăn, để trưởng thành.

Tự học, để phát triển.

Đối tượng vốn là trừu tượng đối với tư duy, khi hai bên chưa gặp nhau, hoặc mới gặp nhau lần đầu.

Tư duy ngày càng thâm nhập sâu hơn vào đối tượng, càng thân hơn với đối tượng thì đối tượng ngày càng trở nên cụ thể hơn (đối với tư duy).

Đối tượng – Tư duy về Đối tượng xác lập mối quan hệ cơ bản nhất trong tất cả các quan hệ có thể có của giáo dục.

Em hưởng giáo dục có nghĩa là em ngày càng hiểu sâu hơn Đối tượng, ngày càng chiếm lĩnh Đối tượng cụ thể hơn, thực hiện được bước chuyển từ trừu tượng lúc đầu đến chiếm lĩnh được bản chất (sự sống, lẽ sống) cụ thể của Đối tượng.

Tư duy phát triển nhờ có sức mạnh biến đổi Đối tượng, theo hướng Đối tượng ngày càng cụ thể hơn.

Đối tượng là khái niệm cơ bản nhất của các khái niệm cơ bản của nền giáo dục hiện đại.

Nhầm lẫn Đối tượng là sự nhầm lẫn tệ hại nhất.

Đối tượng của Môn Tiếng Việt lớp Một là Cấu trúc ngữ âm của Tiếng.

Đối tượng đưa đến cho học sinh càng thuần khiết càng tốt. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải ý thức đầy đủ trách nhiệm đưa đến cho trẻ em những Đối tượng thuần khiết.

Muốn cho Cấu trúc ngữ âm thuần khiết thì tách ra khỏi Nghĩa, đặt nó trong một chân không về Nghĩa.

Nhiều chú học trò thường thắc mắc chữ phải có nghĩa, chữ đi liền với nghĩa. Này chú, đây là chữ Việt, không phải chữ Hán.