Công nghệ giáo dục:

Bài 20: Tôi coi việc học của Trẻ em có tư cách triết học như lao động của người lớn đương thời

VietTimes -- "Em hưởng giáo dục để trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này." - Hồ Ngọc Đại

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này:

Bài 20: Trẻ em sinh ra là Người

Em hưởng giáo dục để trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này.

Đọc Hegel, tôi có được một ý tưởng triết học, tương ứng với hoàn cảnh lịch sử lúc ấy: Người tự sinh ra chính mình bằng lao động.

Muộn hơn, tôi đọc Marx. Marx phê phán luận điểm đó: không thể nói mập mờ chung chung là lao động, mà phải nói cụ thể: lao động tự do.

Mọi con vật đều do Thượng đế sinh ra, cứ cho là vậy, không bàn cãi. Riêng Người là kẻ duy nhất tự mình sinh ra chính mình bằng lao động tự do. Dùng lao động tự do để làm ra của cải vật chất nuôi sống mình (lịch sử) thì phải chứng minh luận điểm triết học ấy một cách công khai, sòng phẳng, một cách vật chất, cảm tính.

Tư tưởng triết học của Hegel vĩ đại vào hoàn cảnh lịch sử Hegel sống.

Tư tưởng triết học của Marx vĩ đại, vì phù hợp với hoàn cảnh lịch sử thời Marx sống.

Đến lượt tôi, tôi coi việc học của Trẻ em có tư cách triết học như lao động của người lớn đương thời. Do đó, tôi có thể ước lệ (cho tiện diễn đạt) chia ra hai trường hợp:

Việc học tự do;

Việc học cưỡng bức.

Việc học tự do là học vì mình, học cho mình, học để phát triển thành chính mình.

Việc học trở nên cưỡng bức, khi đã tha hóa, trở thành một phương tiện, công cụ phục vụ cho các mục đích bên ngoài việc học.

Sự vận động lịch sử thường theo tiến trình tự nhiên “Ba bước” của triết học: Khẳng định – Phủ định – Phủ định của phủ định.

Việc học cũng mang tính lịch sử, cũng đi qua ba chặng kế tiếp nhau: Việc học tự do – Việc học tha hóa – Việc học tự do, có triết học định hướng, vượt qua may rủi cá nhân, để đạt các mục đích thực tiễn trong cuộc đời cá nhân.

Coi việc học như một biểu hiện cụ thể của sự sống cá nhân thời hiện đại, đã từng vượt qua thời tha hóa (tương ứng với triết học, tôi ước định, lịch sử của nền giáo dục cổ truyền “về hưu” ngày 31 tháng 12 năm 2000), nghĩa là lịch sử hiện thực vẫn còn có sức mạnh vật chất để tồn tại như một người về hưu (để còn thực hiện “bước nhảy vọt” cuối cùng – nhảy xuống huyệt).

Nền giáo dục cổ truyền là một sinh linh đại thọ, cứ tính ngày sinh trùng với ngày sinh của thầy Khổng Tử, cả hai cùng là con đẻ của nền sản xuất tiểu nông, thủ công. Những kẻ nuôi sống lịch sử ấy là những thúng mủng, giần sàng, những cày cuốc, quang gánh – các công cụ thủ công khai sinh lịch sử, nuôi sống lịch sử, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Nay mai nên dùng quốc tang để tiễn đưa nó. Đương nhiên, khi nó đang sống, đành phải có các Dự án nuôi nó, như con cái nuôi cha mẹ già.

Một ông già về hưu có sự sống và sức sống khác hẳn một đứa trẻ vừa sinh ra. Xưa kia sự chênh lệch nhau này chỉ có giá trị lịch sử, ngày nay còn có thêm giá trị triết học: Hai thế hệ sinh ra và phát triển theo hai nguyên lý triết học khác nhau.

Năm 2001 là một mốc lịch sử - triết học, tự giác đưa thực tiễn giáo dục hiện đại (lịch sử) vươn lên ngang tầm triết học hiện đại.