Thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh:

Bài 2: Làm gì để “giữ chân” bệnh nhân người nước ngoài?

VietTimes  -- Đang có một thực tế là người nước ngoài đến chữa bệnh ở Bệnh viện (BV) Việt Đức, sau khi được các bác sĩ điều trị ổn định, bệnh nhân thường về ngay nước họ, hoặc sang nước thứ 3, để được chăm sóc y tế tốt hơn.
Bác sĩ BV Việt Đức cấp cứu cho bệnh nhân người Pháp bị tai nạn giao thông
Bác sĩ BV Việt Đức cấp cứu cho bệnh nhân người Pháp bị tai nạn giao thông

Chuyên môn cao nhưng thiếu dịch vụ đi kèm

Đầu năm 2019, một bệnh nhân người Mỹ muốn đến BV Việt Đức điều trị, song như nhiều BV công khác, ở đây chưa thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) quốc tế, nên ông ta phải bay sang Băng Cốc (Thái Lan) để mổ. Sau khi về Việt Nam, bị biến chứng, bệnh nhân được đưa vào BV Việt Đức cấp cứu, nhưng mổ xong, ông ta lại tiếp tục sang Thái Lan để được chăm sóc y tế.

“Nhìn nhân viên y tế và các trang thiết bị của BV bên Thái Lan sang đón bệnh nhân người Mỹ, tôi thấy không chuyên nghiệp như ở BV Việt Đức. Nhưng BV ở Thái Lan có cơ chế giải quyết cho người có BHYT quốc tế, nên bệnh nhân lựa chọn. Hơn nữa, bệnh nhân yêu cầu cơ sở vật chất cũng như dịch vụ chăm sóc phải tốt như ở nước họ, nên không chấp nhận điều kiện hiện có của BV Việt Nam” - PGS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực của BV Việt Đức cho hay.

Tỷ phú người Đài Loan được các bác sĩ cả BV Việt Đức cứu sống
Tỉ phú người Đài Loan được các bác sĩ của BV Việt Đức cứu sống

Ông Ước cũng cho biết, trình độ, tay nghề của các bác sĩ tại BV Việt Đức có thể chữa trị được nhiều ca bệnh khó trên thế giới. BV cũng có nhiều thiết bị y tế hiện đại nhất. Điều này khẳng định năng lực hệ thống y tế chuyên sâu của Việt Nam nói chung, BV Việt Đức nói riêng, đã đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, trong bối cảnh lượng khách quốc tế tăng nhanh, cũng như lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc muốn được chăm sóc, chữa bệnh ngày càng đông.

GS. Trần Bình Giang -- Giám đốc BV Việt Đức -- “bật mí”: Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tổ chức tại Hà Nội vừa qua, BV Việt Đức đã được phái đoàn Mỹ lựa chọn là nơi chăm sóc y tế cho các thành viên khi cần thiết. Bởi đây là BV ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt, hầu hết bác sĩ đều là chuyên gia đầu ngành và là giảng viên Đại học Y Hà Nội, nói tiếng Anh/Pháp rất tốt.

TS. Lê Hồng Nhân - Trưởng khoa Thần kinh II, cho biết thêm: Ngoài trình độ của các bác sĩ và trang thiết bị kỹ thuật của BV Việt Đức không thua kém các BV hiện đại trong khu vực, BV Việt Đức đang xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế với các trung tâm phẫu thuật thần kinh tại Pháp, Nhật, Mỹ v.v… để có thể mời các chuyên gia nước ngoài sang hội chẩn quốc tế cho những ca khó. Chi phí điều trị tại BV Việt Đức lại rẻ hơn nhiều lần ở nước ngoài, như nằm phòng hồi sức ở nước ngoài có thể từ 400 - 700 USD/ngày, cao hơn ở Việt Nam nhiều lần.

Song, từ thực tế điều trị, PGS. Ước thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại BV điều trị sau khi phẫu thuật ổn định: Chúng ta chưa có cơ chế thanh toán cho người có BHYT quốc tế. Bệnh nhân người nước ngoài không chấp nhận việc phải tự mua một số thứ phục vụ điều trị mà BHYT không thanh toán. Hoặc bệnh nhân vào phẫu thuật, nhưng lại bị bệnh da liễu, lẽ ra BV phải chữa luôn cho bệnh nhân, nhưng ở ta chưa có cơ chế đó. 

Bệnh nhân người nước ngoài được điều trị khỏi, trước khi ra viện đã tặng hoa cảm ơn các bác sĩ
Bệnh nhân người nước ngoài được điều trị khỏi, trước khi ra viện đã tặng hoa cảm ơn các bác sĩ 

Thứ nữa là cơ sở hạ tầng của ta còn yếu, luôn quá tải 30%, dịch vụ đi kèm y tế chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Các BV công ở Việt Nam thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, trong khi các bệnh nhân người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật v.v. đòi hỏi dịch vụ y tế rất cao, như có phòng bệnh riêng, có phiên dịch và người phục vụ 24/24h. Để đáp ứng được, BV phải tìm cơ chế xây dựng dịch vụ cho người nước ngoài.

TS. Lê Hồng Nhân cũng chỉ ra những khó khăn của việc “giữ chân” bệnh nhân người nước ngoài điều trị: Vấn đề thủ tục cũng tác động đến hoạt động điều trị cho người nước ngoài, nhất là các nước không có cơ quan đại diện tại Hà Nội. Mỗi quyết định phẫu thuật phải có người đại diện ký bảo lãnh, nhiều lúc quyết định phẫu thuật là sinh mạng của bệnh nhân, nhưng bệnh nhân không thể có người nhà ngay được. Vì thế, rất cần có cơ quan đại diện. Khó khăn nữa là BV Việt Đức đang quá tải, nhưng bệnh nhân nước ngoài yêu cầu được chăm sóc 24/24.

“Rõ ràng là chúng ta cứu được bệnh nhân người nước ngoài, nhưng để giữ họ ở lại theo dõi sau mổ, cần phải thay đổi tư duy, để đầu tư đồng bộ về cả phòng bệnh và nhân lực phục vụ chuyên nghiệp” -  TS. Nhân nêu quan điểm.

Cũng bởi những vướng mắc trên mà mặc dù là BV ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ thầy thuốc giỏi, tay nghề cao, được đào tạo tại các nước có nền y tế hiện đại trên thế giới, chi phí lại rẻ hơn nhiều nước và cơ chế hoạt động của BV tốt, nhưng số bệnh nhân người nước ngoài đến BV Việt Đức còn khiêm tốn so với tiềm năng của nơi này.

Thay đổi tư duy để “hút” bệnh nhân giàu có

Trao đổi với VietTimes, GS. Trần Bình Giang cho biết, nhiều người nước ngoài làm ở các Văn phòng đại diện hay khách du lịch gặp tai nạn, thường yêu cầu S.O.S quốc tế chuyển sang nước khác, có khi chỉ là các nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, trong khi Việt Nam hoàn toàn điều trị được.

Vì thế, để thu hút người nước ngoài đến khám và điều trị, như chủ trương “Dây rút ngược” của Bộ Y tế, GS. Trần Bình Giang cho biết BV sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh để nhiều người biết đến.

GS. Trần Bình Giang mổ nội soi cắt dạ dày giảm béo cho bệnh nhân người Đức
GS. Trần Bình Giang mổ nội soi cắt dạ dày giảm béo cho bệnh nhân người Đức

Giám đốc BV Việt Đức cho biết, thời gian tới, BV sẽ chủ động kết hợp với các công ty bảo hiểm giới thiệu bệnh nhân nước ngoài điều trị tại BV. BV cũng kết hợp với các BV tư có cơ sở vật chất tốt nhưng vắng bệnh nhân, để giảm tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu cao của người bệnh. Tại cơ sở 2 BV Việt Đức ở Hà Nam sẽ xây dựng Khoa Quốc tế có 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời, phát triển hệ thống điều trị theo yêu cầu với việc tận dụng đội ngũ chuyên gia, những người có trình độ, được đào tạo bài bản ở các nước có nền y học hiện đại và tiếp tục trang bị thêm các máy móc hiện đại hơn nữa. BV cũng sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

“ Chúng tôi đặc biệt quan tâm phát triển BV Việt Đức thành một cơ sở điều trị theo yêu cầu tầm cỡ quốc tế, thu hút bệnh nhân nước ngoài lẫn bệnh nhân Việt Nam thường đi chữa trị tại nước ngoài, ở lại điều trị bệnh” – GS. Trần Bình Giang cho biết.

Mỗi năm người bệnh Việt Nam chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Vì thế, Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện đề án "Dây rút ngược", để thu hút người bệnh nước ngoài đến Việt Nam; chăm sóc y tế cho nửa triệu người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và giữ chân người bệnh giàu có điều trị trong nước, không để “chảy máu ngoại tệ”.

Hiện mỗi năm có khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh và gần 60.000 người điều trị nội trú. Nha khoa, điều trị hiếm muộn, thẩm mỹ... là những thế mạnh mà Việt Nam có thể thu hút bệnh nhân quốc tế.