Lần theo dấu vết tội phạm:

Bài 2: Bóc gỡ đường dây “tín dụng đen” với những vòi bạch tuộc khủng như thế nào?

VietTimes -- Đường dây “tín dụng đen” hoạt động trên cả 63 tỉnh, thành của cả nước với hơn 150 nhân viên đã trở thành nỗi kinh hoàng của không ít người dân với những gói “lãi đứng” lên tới 365%/năm và các gói 41, 50 ngày với lãi suất từ 180% đến hơn 200%. Khi bị hại không trả được nợ, lập tức sẽ bị các đối tượng tổ chức xiết nợ với nhiều chiêu trò hết sức chuyên nghiệp.
Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa đấu tranh với đối tượng Nguyễn Đức Thành.
Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa đấu tranh với đối tượng Nguyễn Đức Thành.

Hành trình bóc gỡ đường dây “tín dụng đen”

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã cùng CBCS không quản ngày đêm, nghiên cứu tài liệu, chứng cứ với yêu cầu đặt ra là làm thế nào để chứng minh được hành vi phạm tội của các đối tượng, bóc gỡ toàn bộ băng nhóm tội phạm này?

Sau 4 tháng điều tra, mặc dù các đối tượng đã tiêu hủy tài liệu (ngay sau khi bị hại Nguyễn Văn Minh chết), che giấu hành vi nhưng Công an Thanh Hóa đã cùng Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị chức năng làm rõ được hành vi, bắt giữ 7 đối tượng; truy nã 2 đối tượng và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để bắt  giữ các đối tượng liên quan.

“Ông trùm” cầm đầu đường dây tội phạm trên – Nguyễn Đức Thành, 30 tuổi, trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh, thật sự ít ai có thể hiểu được vì sao một đối tượng có hồ sơ khá “sạch”, chưa tiền án, tiền sự lại có thể trở thành một “ông trùm” trong thế giới ngầm có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Thành quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương, từng tốt nghiệp Đại học Luật nên rất am hiểu pháp luật và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

Thành vốn có một thời gian sống ở Hải Phòng nên quen biết với Nguyễn Cao Thắng, 34 tuổi, ở Kiến An, Hải Phòng và nhiều đối tượng có máu mặt ở đất Cảng. Sau đó, Nguyễn Đức Thành vào TP Hồ Chí Minh làm ăn, gặp lại Nguyễn Cao Thắng nên bàn nhau góp vốn.

Theo đó, chúng mở công ty tài chính Nam Long. Thực chất đây là công ty “ma”, không đăng ký kinh doanh, có trụ tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh do Nguyễn Đức Thành làm giám đốc. Công ty này có 26 chi nhánh ở 23 tỉnh, thành nhưng các chi nhánh đều được mở dưới danh nghĩa Công ty CP Đầu tư xây dựng Thành Nam. 

Theo thỏa thuận, ban đầu, Thắng và Thành mỗi đối tượng góp 1 tỷ đồng để cho vay nặng lãi lấy tiền chia nhau. Nguyễn Đức Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi.

Công ty tài chính Nam Long hoạt động từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2017 thì tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh, Thành yêu cầu Thắng chuyển thêm 1 tỷ đồng nữa để góp vốn, đồng thời giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong làm kế toán, quản lý chi tiêu. 

Theo đó, với vai trò là kế toán, Trần Hồng Phong có trách nhiệm mở tài khoản để cung cấp cho khách hàng, giữ số điện thoại “hotline” để khách hàng liên hệ trả nợ; trực tiếp rút tiền giao cho Thành và Thắng đồng thời theo dõi quản lý hợp đồng vay của khách hàng, quá trình nộp tiền của khách, gọi điện thoại nhắc đòi nợ.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, mô hình cấu trúc công ty rất bài bản, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến giám đốc, đến hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng. 

Đối tượng cầm đầu đều có bằng đại học và học đúng chuyên ngành nên phương thức thủ đoạn, tần suất quản trị hệ thống tín dụng đen trên cả nước rất bài bản. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng đây là tổ chức tín dụng đoàng hoàng nên đăng ký vay.

Các đối tượng tại cơ quan công an.
Các đối tượng tại cơ quan công an. 

“Lãi đứng, lãi góp” và những kiểu xiết nợ dã man

Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công ty tài chính Nam Long được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, huấn luyện nhân viên bằng hình thức cầm tay chỉ việc theo hướng "người đi trước hướng dẫn người đi sau”, tập huấn bằng các giáo án thẩm định, giáo trình xử lý nợ, sổ sách ghi chép phân loại khách hàng… 

"Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế nhân viên của công ty thường xuyên sử dụng cách thức đe dọa bạo lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng bạo lực như gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần thiết” – Thượng tá Lê Khắc Minh nhấn mạnh.

Để điều hành hoạt động vay nợ trôi chảy, các đối tượng cầm đầu đã lập quy trình đòi nợ - xử lý các “con nợ” cũng như đối phó với cơ quan Công an. Chúng đề ra các bước thẩm định năng lực tài chính và thu nợ chặt chẽ không kém bất cứ một ngân hàng nào. Theo đó, nhân viên thẩm định phải phân tích tình hình tài chính của khách theo tiêu chí thước đo tiền mặt bằng tổng quỹ tiền mặt cộng với tài sản hiện có phải lớn hơn tổng số nợ phải thường xuyên thanh toán.

Theo quy định thì nếu khách hàng vay “lãi đứng” tức là từ 10 đến 15 hoặc 30 ngày trả lãi 1 lần thì sẽ phải trả số lãi 1%/ngày (tức 365%/năm) hoặc lãi từ 7.000 đến 15.000đ/ngày/triệu (từ 180% đến hơn 200%/năm). Ví dụ, khách hàng vay 10 triệu thì 10 ngày phải trả thành 11 triệu; vay 100 triệu 10 ngày phải trả 110 triệu. Nếu quá hạn khách không trả được thì các đối tượng tự chuyển sang gói lãi kỳ hạn 41 ngày với số lãi “nhẹ nhàng” hơn là khoảng hơn 200%/năm. 

Theo cách tính của chúng thì khách vay 100 triệu, sau 41 ngày sẽ phải trả 123 triệu.  Số tiền cả gốc và lãi trên, khi đến kỳ khách hàng phải tự chuyển khoản vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu đến kỳ nhưng khách hàng không trả được, lập tức, Thành và Thắng chỉ đạo cho đội xử lý nợ xấu đến để đòi.

Đội “xử lý nợ xấu” trên sẽ gọi điện cho khách hàng đe dọa, sau đó có từ 2 đến 4 đối tượng sẽ đến nhà khách hàng đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép. Nếu tất cả những việc trên vẫn không đòi được, chúng tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng đe dọa sẽ hành hung. Trước sự hung hãn, côn đồ của các đối tượng, đa số khách hàng đều phải bằng mọi cách trả nợ cho chúng. 

Trong số những người bị xiết nợ, đáng thương nhất phải kể đến trường hợp bà Nguyễn Thị X ở Trấn Yên, Yên Bái. Bà X làm trang trại, có hàng chục con dê, lợn sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng vì thiếu vốn, không đủ tiền mua cám nên đã vay của công ty Nam Long 70 triệu đồng với gói “lãi góp” 41 ngày. 

Bà X đã trả 20 triệu đồng, đến hạn, bà X chưa có tiền trả, các đối tượng đi 2 xe ôtô đến bắt tất cả gia súc, gia cầm nhà bà X gồm 21 con dê, hơn 30 con lợn với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Sau khi “tịch thu” toàn bộ tài sản của bà X, các đối tượng tuyên bố bà vẫn còn nợ chúng 5 triệu đồng nữa.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định, công ty trên có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xác định có trên 200 bị hại chuyển vào với tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định bước đầu có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong số đó hiện còn 85 bị hại vay tiền. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 61 bị hại ở 15 khu vực (trong đó có 3 trường hợp vay từ năm 2017), cơ quan chức năng xác định được các bị hại đã vay của đối tượng hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền “cắt phế” tức là phí cho vay.

(Theo CAND)

http://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/Bai-2-Boc-go-duong-day-tin-dung-den-voi-nhung-voi-bach-tuoc-khung-nhu-the-nao-522461/