Ung thư không phải là “án tử”:

Bài 1: Nam bác sĩ bị khối u di căn toàn thân được chữa khỏi hoàn toàn

VietTimes - Ung thư không còn là dấu chấm hết'' khi 70% bệnh nhân sẽ được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đây là thông điệp mà VietTimes gửi đến bạn đọc trong loạt bài về căn bệnh hiểm nghèo này, để nếu chẳng may mắc ung thư, hãy lạc quan để vững vàng vượt qua!

Tiễn 2 bệnh nhân tiền liệt tuyến điều trị bằng cấy phóng xạ ra viện
Tiễn 2 bệnh nhân tiền liệt tuyến điều trị bằng cấy phóng xạ ra viện

LTS:  Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) vừa công bố những con số đáng giật mình: Năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mắc ung thư, 114.871 người tử vong và hiện đang có trên 300.000 người mắc. Để chiến đấu với căn bệnh đang khiến nhiều người khiếp sợ này, Việt Nam không chỉ cập nhật các công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư của thế giới, mà còn có nhiều công trình khoa học ứng dụng vào thực tiễn.

Cuộc tái sinh kỳ diệu

Bác sĩ Nguyễn Q. H. (Viện Tim mạch Việt Nam) bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Khối u di căn lên não, phổi, gan, hạch, cột sống, xương sườn... Không ai nghĩ rằng ông sẽ qua khỏi, vậy mà như một phép màu ...

GS. Mai Trọng Khoa- nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu kể với tôi rằng, những bệnh nhân ung thư đã di căn giai đoạn muộn như thế, việc điều trị rất khó khăn, cơ hội thành công thấp và thời gian sống thêm ngắn. Vì vậy, thường chỉ được điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng và chờ đợi tình huống xấu nhất xảy ra...

Nhưng GS. Mai Trọng Khoa và các bác sĩ BV Bạch Mai đã không vội buông tay. Họ mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật mới nghiên cứu và ứng dụng vào việc chẩn đoán, điều trị cho đồng nghiệp: Chụp PET/CT để vừa chẩn đoán, vừa mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, rồi xạ phẫu bằng dao gamma quay, điều trị toàn thân bằng hóa chất, thuốc điều trị đích.

Bên cạnh đó, với sự hợp tác, tuân thủ điều trị nghiêm túc của bệnh nhân, cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt khoa học, sau đó, bác sĩ H. hoàn toàn khỏe mạnh, còn đủ sức khỏe để đi đến nhiều tỉnh ở biên giới phía Bắc làm từ thiện.

GS. TS Mai Trọng Khoa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ung thư được điều trị bằng cấy hạt phóng xạ
GS. TS Mai Trọng Khoa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ung thư được điều trị bằng cấy hạt phóng xạ

Trường hợp vượt qua bạo bệnh của bệnh nhân H. thực sự là một kỳ tích trong y học Việt Nam. Bởi đây là kết quả của việc ứng dụng những thành quả từ cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự nghiên cứu trong suốt 2 thập kỷ. Với giá trị đặc biệt to lớn trong góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam, cụm công trình này đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

 Hiện, Việt Nam là một trong ít nước ứng dụng thành công các kỹ thuật hiện đại có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Bứt phá trong chẩn đoán

GS. Mai Trọng Khoa chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở nước ta, trong đó yếu tố rất quan trọng là chẩn đoán và điều trị. Hầu hết bệnh nhân ung thư đến BV khi đã ở giai đoạn muộn, nên hiệu quả điều trị thấp, chi phí điều trị cao, tỷ lệ tái phát và tử vong cũng cao so với các nước.

Với những nghiên cứu khoa học, từ hơn 10 năm trước, GS. Khoa đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật chụp PET/CT để chẩn đoán một số bệnh ung thư, tim mạch, thần kinh.

Theo GS. Mai Trọng Khoa, PET/CT được ứng dụng để chẩn đoán u nguyên phát, di căn, tái phát, đánh giá giai đoạn, giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh và đánh giá đáp ứng sau điều trị... Đến nay đã có hơn 14.500 bệnh nhân ung thư ung thư phổi, hạ họng thanh quản, ung thư não di căn, thực quản, vú, đại trực tràng, dạ dày, Non Hodgkin lymphoma, Hodgkin… và 30 bệnh nhân sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer, đã được chụp PET/CT.

Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, PET/CT được ứng dụng để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư với các kỹ thuật xạ trị 3D, IMRT… Hiện đã có hơn 1.500 bệnh nhân ung thư (phổi, đầu mặt cổ, thực quản, trực tràng...) được ứng dụng thành công kỹ thuật PET/CT mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị.

 Chuẩn bị một ca chụp PETCT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị
Chuẩn bị một ca chụp PETCT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị

GS. Khoa còn cho biết, BV Bạch Mai đã đưa kỹ thuật SPECT vào chẩn đoán ung thư và các bệnh nội tiết, gan, thận, não, phổi, tim mạch. Tính đến 6/2019, đã có hơn 72.366 bệnh nhân ung thư và một số bệnh khác được sử dụng kỹ thuật chụp SPECT để chẩn đoán và theo dõi, đánh giá sau điều trị 24.000 trường hợp.

BV Bạch Mai cũng ứng dụng CT 128 dãy để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và đã có 6.000 bệnh nhân ung thư đã được sử dụng CT 128 dãy để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư.

Hàng loạt phương pháp điều trị hiện đại

Hàng loạt biện pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất được các bác  sĩ ở BV Bạch Mai ứng dụng thành công.

Trước hết phải kể đến kỹ thuật chụp PET/CT mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị với kỹ thuật 3D và IMRT cho hơn 1.500 bệnh nhân ung thư (phổi, đầu mặt cổ, thực quản, trực tràng…) có hiệu quả điều trị cao, an toàn, giảm rõ rệt biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

BV Bạch Mai đã trở thành BV đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật hiện đại xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh về sọ não.

GS. Mai Trọng Khoa cho biết, đến nay, đã có gần 6.000 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não đã được điều bằng dao gamma quay. Kết quả c ho thấy tỉ lệ tái phát thấp, ít biến chứng, an toàn và không có trường hợp nào tử vong trong quá trình xạ phẫu.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật hiện đại tại BV Bạch Mai
Điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật hiện đại tại BV Bạch Mai

Kết quả sau hơn 10 năm điều trị đã chứng minh đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, chính xác, an toàn, hiệu quả, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, đặc biệt thích hợp với các khối u sâu trong não, ở vị trí khó hoặc không thể phẫu thuật được như vùng thân não, hoặc khối u đã mổ nhưng tái phát, với các bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi. Kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay đã góp phần giải quyết được những tổn thương ác tính ở sọ não, di căn vào não mà trước đây, hầu như bệnh nhân đều tử vong.

GS. Mai Trọng Khoa và các đồng nghiệp còn mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới trong sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị ung thư và một số bệnh khác. Đến nay, các bác sĩ đã điều trị cho hơn 90 bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và ung thư di căn vào gan bằng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc và điều trị cho 8 bệnh ung thư tuyến tiền liệt bằng kỹ thuật cấy hạt phóng xạ. 

Kỹ thuật xạ trị trong chọn và cấy hạt phóng xạ ở BV Bạch Mai cũng lần đầu tiên được ứng dụng thành công tại Việt Nam cho hiệu quả điều trị cao, an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Theo GS. Mai Trọng Khoa, điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ giúp kiểm soát được bệnh mà không phải mổ, khi diệt được tế bào ác tính, bảo vệ được tế bào lành, không ảnh hưởng đến đời sống sinh lý của người bệnh.

“Đây là sự kỳ diệu so với trước, khi người bị ung thư tuyến tiền liệt thường phải mổ, hay dùng các phương pháp xạ trị nên chức năng sinh lý của đa số bệnh nhân không đảm bảo”- GS. Khoa chia sẻ.

BV Bạch Mai còn ứng dụng thành công điều trị đích bệnh ung thư bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ cho bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin đã tái phát dai dẳng. Hiện BV đã hoàn chỉnh quy trình quy trình để đưa vào điều trị rộng rãi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa, bệnh bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc ; điều trị ung thư di căn xương, bệnh đa hồng cầu nguyên phát bằng iốt phóng xạ.

Đến tháng 6-2019, BV Bạch Mai đã có hơn 90.000 mẫu xét nghiệm được định lượng bằng phương pháp định lượng miễn dịch phóng xạ với độ chính xác cao; hơn 3.600 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và hơn 2.500 bệnh nhân bệnh bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc (Basedow) được điều trị thành công và hàng nghìn bệnh nhân đã được chữa khỏi bằng các đồng vị phóng xạ; hơn 1.000 bệnh nhân ung thư di căn xương đã được điều trị giảm đau bằng P-32 với hiệu quả cao, an toàn, kinh tế.

BV Bạch Mai đã trở thành nơi dẫn đầu cả nước về phát hiện sớm u tuyến giáp bằng thuốc phóng xạ, giúp cho việc chẩn đoán chính xác, kịp thời các trường hợp tái phát, di căn, cũng như đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư mà các phương pháp điều trị trước đó “bó tay”. Từ đó, các bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân, làm tăng rõ rệt tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Hiện có gần 20 BV trong cả nước được BV Bạch Mai chuyển giao công nghệ nên số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị thành công đã tăng đáng kể.

 Thành công của hàng loạt kỹ thuật điều trị ung thư ở Bệnh viện Bạch Mai đã giúp cho nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi ngay tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài. Nhiều bệnh nhân đến đây khi không còn phương pháp nào điều trị hiệu quả, đã được duy trì cuộc sống. Nhiều trường hợp được phát hiên sớm chỉ cần điều trị một lần là xong.

Với những kỹ thuật này, bệnh nhân được tiếp cận điều trị nhiều hơn vì không phải chi trả cao, chất lượng lại đảm bảo. Một lần xạ phẫu bằng dao gramma ở Mỹ là 25.000 USD, nhưng ở BV Bạch Mai chỉ 2.000 USD và được BHYT thanh toán một phần. Một lần chụp PET/CT ở Việt Nam rẻ rất hơn nhiều lần ở nước ngoài. Vì thế, nhiều bệnh nhân người nước ngoài bị mắc bệnh ung thư đã tìm đến BV Bạch Mai để điều trị.