Bắc Kinh chào đón Google trở lại “khi và chỉ khi” công ty tuân thủ luật pháp

VietTimes -- Google đang uốn mình để lách qua khe cửa hẹp vào Đại lục, nhưng phía sau cánh cửa gã khổng lồ tìm kiếm sẽ phải sẵn sàng đối mặt với sức mạnh của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Google quay lại Đại lục

Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết Google luôn được chào đón trở lại Trung Quốc, nhưng chỉ khi công ty tuân thủ luật pháp. Trùng hợp thay, thời điểm vừa qua cũng rộ lên tin đồn về Dragonfly, dự án của gã khổng lồ công nghệ Mỹ phát triển  bộ công cụ tìm kiếm và cho phép Bắc Kinh kiểm duyệt.

Cuối tháng 7, The Intercept đã đăng tải thông tin rằng Alphabet – công ty mẹ của Google đang lên kế hoạch triển khai bộ công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc và sẽ chặn một số trang web và cụm từ nhất định. Hành động này hoàn toàn trái với quyết định của Google vào năm 2010, khi rời bỏ thị trường Trung Quốc bởi lý do kiểm duyệt. Nó gây ra hoang mang cho người ủng hộ quyền riêng tư vì sẽ chặn những nội dung trực tuyến mà Bắc Kinh cho là không phù hợp.

Nhân dân Nhật báo nhận định: ‘Bất kể sự rút lui (năm 2010), hay liệu Google có giành lại được quyền truy cập vào Đại lục hay không, thì Google sẽ phải trở thành một thương hiệu chính trị. Đây chắc chắn là bi kịch của công ty đa quốc gia nổi tiếng này”.

“Quyết định rời khỏi thị trường Trung Quốc là sai lầm lớn của Google, khiến công ty bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển ở Đại lục”. Nhân dân Nhật báo cho biết Google “được chào đón quay lại Đại lục, nhưng điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ các yêu cầu của pháp luật”.

Chính sách kiểm duyệt được coi như “Vạn Lý Trường Thành” do Bắc Kinh xây dựng nên. Người dân Trung Quốc không thể truy cập Google, Facebook hay bất kỳ trang web nào không được lòng chính phủ.

Tờ Nhân dân Nhật Báo đã cố gắng biện minh cho lập trường cực đoan của Bắc Kinh về kiểm duyệt nội dung trực tuyến: “Không có quốc gia nào cho phép môi trường Internet tràn ngập các nội dung khiêu dâm, bạo lực, thông điệp lật đổ, chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa khủng bố”.

Theo CNBC, Google cũng từ chối bình luận về bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo. Tuy nhiên, phát ngôn viên của công ty cho biết sẽ cung cấp một số ứng dụng ở Trung Quốc và đầu tư đáng kể vào một số công ty ở Đại lục như JD.com. Công ty cho rằng không có trách nhiệm để trả lời câu hỏi dựa trên “suy đoán về kế hoạch tương lai”.

… Nhưng chưa phải là mối lo của Baidu

CEO Baidu "dằn mặt" Google trên WeChat. Ảnh: SCMP
 CEO Baidu "dằn mặt" Google trên WeChat. Ảnh: SCMP

CEO của Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Trung Quốc hiện nay, đã phản hồi thông tin về sản phẩm cạnh tranh từ Google. Ông Robin Li cho rằng Google sẽ phải sẵn sàng để đối mặt với sức mạnh của các công ty Trung Quốc.

Đăng tải trên WeChat, ông cảnh báo: “Trong những năm qua, môi trường công nghiệp và quy mô phát triển của chúng tôi đã trải qua những sự thay đổi lớn lao trên thế giới. Các công ty công nghệ Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong việc khám phá các vấn đề mới và phục vụ những nhu cầu mới. Thế giới đang sao chép từ Trung Quốc. Công ty quốc tế muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc phải dám chắc về sức mạnh của bản thân, cũng như nghĩ về điều này”.

Theo CEO Baidu, Google đã có lợi thế khi tung ra công cụ tìm kiếm trước Baidu. Tuy nhiên, khi Google rút lui vào năm 2010 thì thị phần đã giảm sút rõ rệt. Ông Li tuyên bố Baidu sẽ đánh bại gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ nhờ sự “đổi mới về công nghệ và sản phẩm”. Và “nếu Google trở lại vào thời điểm này, chúng tôi chắc chắn có thể giành chiến thắng một lần nữa”.

CNBC cũng cho biết phía Google từ chối phản hồi về bình luận của CEO Baidu, Robin Li.