Bác bỏ khái niệm “Hộ chiếu miễn dịch” với COVID-19

VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện diện của kháng thể đối với SARS-CoV-2 sẽ bảo vệ cơ thể không bị nhiễm lại COVID-19 lần thứ hai và bác bỏ khái niệm “Hộ chiếu miễn dịch”.
WHO lên tiếng cảnh báo, phủ nhận "Hộ chiếu miễn dịch" với COVID-19 (Ảnh: TTKDYTQT)
WHO lên tiếng cảnh báo, phủ nhận "Hộ chiếu miễn dịch" với COVID-19 (Ảnh: TTKDYTQT)

Đã có một số nước cho rằng việc phát hiện ai có kháng thể đối với SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch COVID-19, thì người đó sẽ được cấp “hộ chiếu miễn dịch” (“immunity passport”) hoặc “giấy chứng nhận không có rủi ro” (“risk-free certificate”) để làm căn cứ cho phép đi du lịch hoặc quay trở lại làm việc vì họ đã được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm.

Tuy nhiên, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa quan điểm chính thức về vấn đề này qua chuyên đề “Immunity passports” in the context of COVID-19” (Scientific brief, 24 April 2020, WHO) - Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Theo đó, sự phát triển khả năng miễn dịch đối với mầm bệnh thông qua nhiễm trùng tự nhiên là một quá trình gồm nhiều bước thường diễn ra trong 1-2 tuần. Khi cơ thể bị virus tấn công, ngay lập tức cơ thể sẽ phản ứng lại một cách bẩm sinh nhưng không đặc hiệu bằng các đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào tua làm chậm tiến trình tấn công của virus và thậm chí có thể ngăn chặn các triệu chứng.

Các phản ứng không đặc hiệu này thường được theo sau bởi phản ứng thích nghi, khi đó cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể có khả năng gắn kết đặc biệt với virus. Những kháng thể này là các protein miễn dịch, được gọi là immunoglobulin. Khi đó, cơ thể tạo ra các tế bào T có khả năng nhận biết và loại bỏ các tế bào khác bị nhiễm virus. Quá trình này được gọi là miễn dịch tế bào.

Phản ứng thích nghi này của cơ thể có thể loại bỏ virus khỏi cơ thể và nếu phản ứng đủ mạnh, có thể ngăn chặn tiến triển thành bệnh hoặc tái nhiễm bởi cùng một loại virus. Sự hiện diện của các kháng thể trong máu của quá trình này có thể đo đạc được.

WHO đang tiếp tục đánh giá các bằng chứng khoa học về đáp ứng của cơ thể tạo ra kháng thể khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy người bị nhiễm COVID-19 trong giai đoạn hồi phục đều có sự hiện diện của kháng thể đối với virus này.

Tuy nhiên, một số người có mức độ kháng thể trung hòa rất thấp, gợi ý rằng miễn dịch tế bào đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hồi phục. Tính đến ngày 24/4/2020, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá liệu sự hiện diện của kháng thể đối với SARS-CoV-2 sẽ giúp cơ thể miễn dịch cho những lần nhiễm tiếp theo với cùng virus này.

Các xét nghiệm phát hiện kháng thể SARS-CoV-2 ở người, bao gồm cả xét nghiệm chẩn đoán nhanh, cần được đánh giá và xác nhận thêm về độ chính xác và độ tin cậy của chúng.

Các xét nghiệm chẩn đoán theo cơ chế miễn dịch nếu không chính xác có thể phân loại sai theo 02 cách: thứ nhất, xét nghiệm có thể “dán nhãn” giả cho những người bị nhiễm được cho là âm tính; và thứ hai, những người không bị nhiễm được “dán nhãn” giả là dương tính.

Cả hai lỗi này đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Kiểm dịch quốc tế cho người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM (Ảnh: TTKDYTQT)
Kiểm dịch quốc tế cho người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM (Ảnh: TTKDYTQT) 


Hiện nay, đã có nhiều nước đang cho làm xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2 ở những nhóm người đặc biệt như công nhân, những người tiếp xúc gần với ca mắc, hoặc những hộ gia đình.

Các xét nghiệm này cũng cần phân biệt chính xác cơ thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2 hay 1 trong 6 loại Coronavirus đã biết (4 loại gây ra cảm lạnh thông thường và lưu hành rộng rãi, 2 loại còn lại là virus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Những người bị nhiễm bất kỳ một trong những virus này đều có thể tạo ra các kháng thể phản ứng chéo với các kháng thể được tạo ra do nhiễm SARS-CoV-2.

WHO ủng hộ cho những nghiên cứu này vì chúng giúp biết được mức độ lan rộng và các yếu tố nguy cơ của nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Những công trình nghiên cứu này đóng góp thêm dữ liệu về tỉ lệ người dân đã có kháng thể COVID-19 nhưng không cung cấp dữ liệu để xác nhận những người này đã có miễn dịch đối với những lần nhiễm thứ hai. 

Ở tại thời điểm hiện nay, thời điểm vẫn còn đại dịch COVID-19, WHO khẳng định chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả của miễn dịch qua trung gian của kháng thể, do đó không có cơ sở để đảm bảo tính chính xác của “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “giấy chứng nhận không có rủi ro”.

Theo WHO, những người cho rằng đã miễn nhiễm với COVID-19 vì đã nhận được kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính sẽ là những người sẽ bỏ qua những lời khuyên về sức khỏe cộng đồng, và chính việc sử dụng các “chứng nhận” như vậy sẽ làm tăng rủi ro của việc lây truyền mầm bệnh.