Ba nguyên nhân khiến ông Donald Trump quyết “chơi” Trung Quốc trong cuộc chiến mậu dịch đến cùng

VietTimes -- Sau khi vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung lần thứ 11 kết thúc hôm 10.5, tuy cả hai bên đều bày tỏ sẽ sớm gặp lại nhau, nhưng cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy vòng 12 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào thời gian nào. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuần trước có nhắc đến việc “sẽ sang thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây”, nhưng phía Trung Quốc đã lập tức phủ nhận. Trong các ngày từ 17 đến 21.5, Tổng thống Donald Trump nhiều lần phát biểu giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc chiến trả đũa thuế quan đối với kinh tế Mỹ, thậm chí nói ông rất “vui vẻ đánh cuộc chiến tranh thương mại này”; cho rằng sự trả đũa của Trung Quốc có thể khiến người Mỹ tiêu thêm một số tiền, nhưng dù như thế thì việc tăng thuế cũng rất đáng.
Donald Trump đã thay đổi sách lược, không vội đạt được với Trung Quốc một hiệp nghị mậu dịch như  trước đây
Donald Trump đã thay đổi sách lược, không vội đạt được với Trung Quốc một hiệp nghị mậu dịch như trước đây

Tiến hành cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc có vẻ đã trở thành thủ đoạn tất yếu để giành điểm về chính trị của ông Trump, thậm chí được ông coi là ván bài quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Từ việc cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 đến việc giờ đây gia tăng việc đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và đưa Công ty Huawei vào danh sách đen “Entity List”, ông Trump tựa hồ thể hiện không cần vội đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc. Điều này đối nghịch hẳn với việc hồi đầu năm ông luôn bày tỏ “sẽ nhanh chóng đạt được một hiệp nghị”.

Ông Clete Willems, nguyên Cố vấn mậu dịch của Nhà Trắng từng tham gia các cuộc đàm phán mậu dịch với Trung Quốc hôm 21.5 khi trao đổi với The Wall Street Journal đã cho rằng Mỹ, Trung sẽ đạt được một hiệp nghị, nhưng sẽ không nhanh chóng; nếu lãnh đạo hai nước muốn đạt được một hiệp nghị trong thời gian diễn ra Hội nghị lãnh đạo G20 họp tại Tokyo vào tháng 6 tới có lẽ là quá sớm. Ông Clete Willems còn kêu gọi các nhà lãnh đạo giới kinh doanh hãy nêu ra các vấn đề họ gặp phải ở Trung Quốc, từ đó gây thành sức ép về mặt chính trị buộc Trung Quốc phải ký một bản hiệp nghị.

Ông Clete Willems kêu gọi các nhà lãnh đạo giới kinh doanh hãy gây sức ép về mặt chính trị buộc Trung Quốc phải ký một bản hiệp nghị.
Ông Clete Willems kêu gọi các nhà lãnh đạo giới kinh doanh hãy gây sức ép về mặt chính trị buộc Trung Quốc phải ký một bản hiệp nghị.

Nói như thế tức là trong nửa đầu năm nay Mỹ và Trung Quốc căn bản sẽ không thể đạt được thỏa thuận chung. Hai bên sớm nhất là cuối năm mới có thể khởi động lại cuộc đàm phán. Trước đây cũng đã có quan chức chính phủ Mỹ nói với trang báo mạng Axios: ít nhất trước cuối năm nay không có khả năng đạt được một hiệp nghị mậu dịch .

Vậy thì, rốt cuộc điều gì đã khiến ông Donald Trump thay đổi sách lược, không vội đạt được với Trung Quốc một hiệp nghị mậu dịch như  trước đây, thậm chí nói thẳng chỉ muốn đạt được một hiệp nghị có lợi cho Mỹ khi trả lời kênh FoxNews hôm 19.5?

Trang tin Đa Chiều hôm 21.5 đã đăng bài cho rằng có ba nguyên nhân:

Thứ nhất, xuất phát từ việc phán đoán về hiện trạng và xu thế nền kinh tế dựa trên những thông tin có tính dẫn dắt sai lầm; trong thời gian ngắn có vẻ ông Trump không lường hết được ảnh hưởng và phương hại mà cuộc chiến mậu dịch gây ra đối với toàn bộ nền kinh tế.

Nhìn từ tình hình trước mắt, logic cơ bản để ông Trump tăng thuế trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc là “kinh tế Mỹ đang đi tới phồn vinh, kinh tế Trung Quốc đang bị thiệt hại nặng nề”; hoặc kinh tế cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều bị tổn thất, nhưng Trung Quốc bị thiệt hại lớn hơn. Có ý kiến phân tích tính toán, thiệt hại trực tiếp đối với Mỹ hiện nay là tốc độ tăng trưởng GDP bị giảm từ 0,1 đến 0,2%; còn phía Trung Quốc thì bị giảm từ 0,3 đến 0,6%. Với việc số danh mục hàng hóa bị đánh thuế và mức thuế gia tăng thì thiệt hại của hai bên cũng có thể đều tăng.

Gần đây ông Donald Trump không còn nói đến việc muốn sớm được gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nữa
Gần đây ông Donald Trump không còn nói đến việc muốn sớm được gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nữa

Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra do hãng Reuters công bố hôm 17.5 thì cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung đã khiến kinh tế Mỹ gia tăng nguy cơ lâm vào suy thoái. Kết quả điều tra qua văn bản của Reuters đối với các nhà kinh tế học cho thấy, 40% người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ xảy ra suy thoái sau 2 năm nữa; vào tháng trước số người có ý kiến này là 35%; hơn 25% số người được hỏi cho rằng, trong 2 năm tới khả năng Mỹ xảy ra suy thoái là trên 50%.

Thứ hai, nâng cấp chiến tranh thương mại, kiên trì cứng rắn với Trung Quốc trong đàm phán có lợi cho việc xây dựng hình ảnh bản thân trước cử tri là nhà lãnh đạo không thỏa hiệp.

Ngày 20.5, ông Donald Trump đã về bang Pennsylvania dự đại hội lựa chọn người ra ứng cử vào hạ nghị viện của Đảng Cộng hòa và tranh cử cho bản thân ông. Pennsylvania là bang then chốt vốn là vùng căn cứ của Đảng Dân chủ quay sang ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, vị trí của bang này không hề thua kém các bang Ohio và Michigan mà ông đã giành chiến thắng. Năm 2016, trong thời gian tranh cử, ông Trump từng đến bang Pennsylvania nói về phương án đối phó với mậu dịch không công bằng của Trung Quốc tại một cuộc mít tinh chính trị và cam kết sẽ thông qua quy định của Điều 301 Luật Mậu dịch Mỹ để tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trở thành mục tiêu công kích của ông Trump do quan hệ và các phát biểu thân Trung Quốc
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trở thành mục tiêu công kích của ông Trump do quan hệ và các phát biểu thân Trung Quốc

Theo cách nói của các nhà lãnh đạo địa phương của Đảng Cộng hòa, các nghị sĩ Cộng hòa và các nhà phân tích chính trị, sở dĩ ông Donald Trump lần này đến bang Pennsylvania, nguyên nhân chủ yếu là do bang này bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số hãng chế tạo, nông dân và người tiêu dùng đều cảm thấy bị thiệt hại do Trung Quốc phản đòn thuế quan. Tại cuộc mít tinh, ông Trump tiếp tục chĩa mũi dùi vào đối thủ thuộc Đảng Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden, phê phán Biden là một ứng viên thân Trung Quốc. Thậm chí, ông Trump còn nói với các cử tri: Trung Quốc đang đợi người như Biden lên nắm chính quyền. Do đó, đem buộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với vấn đề quan hệ Biden - Trung Quốc cũng là một sách lược tranh cử của Donald Trump và ê kip của ông.

Thứ ba, phái bảo thủ cực đoan Mỹ không muốn hòa giải với Trung Quốc, Quốc hội bài xích và phản đối hiệp nghị khiến Donald Trump phải thể hiện không vội đạt được hiệp nghị với Trung Quốc.

Khi Donald Trump đàm phán một hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc, Quốc hội rất sợ ông bán rẻ lợi ích của Mỹ. Trước vòng đàm phán hôm 10.5 ở Washington, các báo lớn như The Washington Post đều bày tỏ phản đối việc đạt được hiệp nghị với Trung Quốc. Nhiều nghị sỹ Dân chủ đứng ra nghi ngờ việc ông Trump vội vã ký thỏa thuận hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc rất có thể bán rẻ lợi ích của Mỹ. Trong tình hình đó, thái độ của ông Trump với Trung Quốc dĩ nhiên chuyển biến. Ông Trump đưa Huawei vào danh sách đen khác nào buộc mình vào cuộc chiến mậu dịch. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của phái bảo thủ cực đoan ở Mỹ.

Tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020 hiện trở thành mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của ông Donald Trump
Tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020 hiện trở thành mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của ông Donald Trump

Đa Chiều cho rằng, với ba nguyên nhân nói trên, nhiệm vụ chính trị chủ yếu nhất trong thời gian ngắn của Donald Trump là tái cử. Cũng tức là, cuộc chiến tranh thương mại đánh bao lâu, đánh thế nào, ông Trump cũng phải căn cứ tình hình kinh tế trong nước, nhất là dân ý trong nước để điều chỉnh. Về lâu dài mà xét, nếu thiệt hại của kinh tế Mỹ do chiến tranh thương mại ngày càng rõ rệt, ông Trump không thể không xem xét đến nguy cơ các bang then chốt như Pennsylvania và Michigan chuyển từ “đỏ sang xanh” (tức quay sang ủng hộ Đảng Dân chủ) do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đến lúc đó, nếu ông Trump tiếp tục đánh chiến tranh thương mại, cự tuyệt thỏa hiệp thì sẽ chỉ gây nguy hại đến khả năng tái đắc cử của bản thân ông.