Đồng thời, tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, thoát nước, vứt rác xuống sông mương hồ là nguyên nhân khiến Hà Nội vẫn tồn tại khoảng 16 điểm úng ngập trong mùa mưa năm nay.
Trong số 16 điểm úng ngập, có 5 điểm là những khu vực địa hình trũng, những “rốn nước” của nội đô gồm ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; Lê Duẩn; Nguyễn Khuyến; Đường Thành-Bát Đàn; Cao Bá Quát vẫn bị úng ngập kể cả sau khi dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, cho đến thời điểm này hệ thống thoát nước của Hà Nội mới đầu tư cơ bản được khu vực lưu vực sông Tô Lịch còn các khu vực khác mới được đầu tư cải tạo cục bộ chưa khớp nối các khu vực này với nhau. Do đó, vào mùa mưa, kể cả khu vực sông Tô Lịch, sau khi dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 hoàn thành vẫn còn xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ.
Để đối phó với mùa mưa sắp tới, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản để giảm thiểu tình trạng ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cụ thể, trong tình huống 1 khi mưa vừa trên 50mm trong 2 giờ, Công ty sẽ huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, kiểm tra địa bàn, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khả năng thoát nước... Đồng thời, thường xuyên thông tắc, bơm hút nước, tăng nhanh thời gian thoát nước tại khu vực cục bộ có địa hình trũng.
Tình huống 2 với trận mưa to (từ 50-100 mm/2giờ), Công ty huy động lực lượng ứng trực theo phương án và lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên các họng thu nước mặt như ghi thu, hàm ếch…
Vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi nước tại đập Thanh Liệt bắt đầu chảy vào khu vực nội đô thì đóng đập). Vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ. Đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng như Thụy Khuê; Phạm Văn Đồng; Núi Trúc; Trường Chinh, Phan Bội Châu…
Sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập tại các khu vực úng ngập cục bộ có địa hình trũng, trọng điểm. Phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông.
Với tình huống 3 là dự báo mưa rất to (trên 100 mm/2giờ), cùng với các biện pháp được thực hiện trong tình huống 2, khi có mưa rất to trên địa bàn huy động 100% cán bộ công nhân viên ứng trực, thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên miệng ghi thu, hàm ếch…, kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, đóng cọc căng dây cảnh báo khu vực xảy ra úng ngập đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ động kiểm soát mực nước tại các cửa xả ra sông Nhuệ bằng các biện pháp khác nhau. Đồng thời phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành.
Cùng với đó, đơn vị sẽ vận hành tối đa Trạm bơm Yên Sở để hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông; các trạm bơm khác vận hành 100% công suất để tiêu nước nước nội thành ra sông Hồng và sông Nhuệ... Đóng cống Cầu Đìa trên sông Đăm (kênh T1 hệ thống thủy nông Đan Hoài), cống Cầu Sa trên sông Cầu Ngà (kênh T2 hệ thống thủy nông Đan Hoài) để ngăn nước vùng đồng huyện Đan Phượng và vùng đồng phía bắc huyện Hoài Đức chảy về sông Nhuệ.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo vận hành trạm bơm Yên Lệnh hỗ trợ tiêu sông Nhuệ; vận hành tối đa các trạm bơm nông nghiệp rút nước sông Nhuệ ra sông Đáy và sông Hồng; phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, phường (đặc biệt tại các khu vực trũng) để dự kiến số lượng dân, vị trí di dời tạm thời dân ra khỏi vùng ngập lụt.
Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đóng vai trò quan trọng giải quyết úng ngập cho địa bàn Hà Nội đang giai đoạn về đích.
Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, với mục tiêu giảm úng ngập cho lưu vực sông Tô Lịch với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với các sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày, dự án Thoát nước đang trên đường về đích, dự kiến các công trình cải tạo sông, mương, hồ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6 năm nay, kịp đưa vào phục vụ thoát nước mùa mưa tới.
Sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ giải quyết được thêm 8 điểm úng ngập trên địa bàn. Ngoài ra, công ty Thoát nước và quận Cầu Giấy cũng đề xuất thành phố đầu tư kinh phí xóa thêm 3 điểm úng ngập nữa. Đối với các điểm “rốn nước” công ty sẽ đặt bơm cưỡng bức để khắc phục khi có mưa.
Theo VietNamPlus