Australia bàn với Mỹ tìm kế chặn Trung Quốc

VietTimes -- Trong chuyến thăm Mỹ, xu thế trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ trở thành trọng điểm hội đàm giữa Thủ tướng Australia và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng bầu dục Nhà Trắng.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thăm Mỹ. Ảnh: The Australian.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thăm Mỹ. Ảnh: The Australian.

Hãng tin AP Mỹ ngày 21/2 cho biết ngày 21/2 Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bắt đầu lên đường đến Mỹ, tháp tùng ông là một đoàn đại biểu chính phủ và doanh nhân có quy mô lớn nhất thăm Mỹ từ trước đến nay.

Khi tổ chức hội đàm ở Nhà Trắng vào ngày 23/2 giữa ông Donald Trump và ông Malcolm Turnbull, vấn đề lập trường phản đối gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP trước đây hay CPTPP hiện nay) của ông Donald Trump mềm mỏng hơn sẽ trở thành chủ đề thảo luận.

Australia là một trong những nước thành viên ký kết hiệp định thương mại này. Australia cũng đã ký kết quan hệ đối tác thương mại tự do song phương với Mỹ.

Một chủ đề khác sẽ là rủi ro an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kim Beazley, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Đại sứ Australia tại Mỹ nhận định, ông Malcolm Turnbull sẽ tìm cách nắm được quan điểm rõ ràng của ông Donald Trump về xu hướng phát triển của cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Ông Kim Beazley nói với hãng tin ABC Australia: "Thông thường, khi Thủ tướng Australia hội đàm với Tổng thống Mỹ, họ sẽ bàn thảo rộng rãi về các vấn đề toàn cầu, bao gồm các cam kết chung của chúng tôi, phương hướng của chúng tôi ở Iraq...".

Ông Kim Beazley, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Đại sứ Australia tại Mỹ. Ảnh: Australian Institute of International Affairs.
Ông Kim Beazley, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Đại sứ Australia tại Mỹ. Ảnh: Australian Institute of International Affairs.

Kim Beazley nói: "Khó khăn của ông Malcolm Turnbull là hiện không có ai có thể hoàn toàn xác định Tổng thống Mỹ đương nhiệm xử lý bất cứ vấn đề nào nói trên như thế nào".

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Steve Ciobo cho biết Australia cử đoàn đại biểu chính phủ và doanh nhân thăm Mỹ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho thấy quan hệ song phương rất mạnh mẽ.

Mỹ là đối tác an ninh quan trọng nhất của Australia, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Australia tìm cách tránh ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

Nhưng tuyên bố chính sách ngoại giao gần đây của Australia và báo cáo chiến lược quốc phòng Mỹ công bố gần đây đều coi Trung Quốc và Nga là mối đe dọa tiềm tàng của an ninh toàn cầu.

Ông Donald Trump và Malcolm Turnbull đều đã bác bỏ sự nghi ngờ dưới đây: đó là cuộc điện đàm ngắn ngủi lần đầu tiến giữa họ với tư cách là lãnh đạo quốc gia vào năm 2017 đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai người. Trong điện đàm, ông Donald Trump miễn cưỡng đồng ý thực hiện thỏa thuận bố trí 1.250 người tị nạn đạt được thời kỳ Barack Obama.

Ông Malcolm Turnbull hiện 63 tuổi, là đối tác cũ của công ty Goldman Sachs. Ông cho rằng bản thân có rất nhiều điểm chug với ông Donald Trump. Họ đều là thương nhân thành công và bước vào chính trường khá muộn.

Số liệu của chính phủ Australia cho biết kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Australia năm 2017 đạt 52 tỷ USD và đang tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, Mỹ được hưởng xuất siêu thương mại.

Mỹ và Australia đang củng cố quan hệ đồng minh. Ảnh: Betonpolitics.
Mỹ và Australia đang củng cố quan hệ đồng minh. Ảnh: Betonpolitics.

Ngoài ra, theo tờ Sydney Morning Herald Australia ngày 20/2, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Phòng bầu dục Nhà Trắng ngày 23/2, xu thế trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc sẽ trở thành trọng điểm của cuộc hội đàm giữa hai bên.