Apple quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone 14 từ Trung Quốc sang Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty Apple đã công bố kế hoạch sản xuất iPhone 14, mẫu điện thoại mới nhất tại Ấn Độ. Động thái này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc Apple tìm cách đa dạng hóa chuỗi sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Trong năm nay, khoảng 5% điện thoại Iphone 14 sẽ "Made in India" (Ảnh: Indian Express).
Trong năm nay, khoảng 5% điện thoại Iphone 14 sẽ "Made in India" (Ảnh: Indian Express).

Dự kiến trong năm nay 5% sản lượng iPhone 14 ​​sẽ được chuyển sang Ấn Độ, sớm hơn nhiều so với dự kiến ​​của các nhà phân tích.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư JP Morgan cho rằng tới năm 2025 sẽ có khoảng 1/4 tổng số iPhone của Apple có thể được sản xuất tại Ấn Độ. Được biết, kể từ năm 2017 Apple đã sản xuất điện thoại iPhone ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.

Hiện nay căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington không có dấu hiệu lắng dịu, trong bối cảnh đó, quyết định sản xuất các mẫu điện thoại hàng đầu của Apple tại Ấn Độ là rất đáng chú ý.

Dưới chính sách chống dịch "Zero Covid" nghiêm ngặt của Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được phân tán để "giảm bớt rủi ro", điều này rất có ý nghĩa.

Cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh trong việc phòng chống dịch đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và gián đoạn chuỗi cung ứng với quy mô lớn. Do đó, các công ty toàn cầu ngày càng áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một” - có thể hiểu là chiến lược “lốp xe dự phòng”, tức là sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc.

Ông Oscar De Bok, giám đốc điều hành kinh doanh chuỗi cung ứng của công ty logistic DHL, nói các công ty không còn muốn ngồi chờ chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách và không muốn bỏ trứng vào một giỏ khi có các nhu cầu mua hàng.

Ấn Độ đang có lợi thế thị trường rộng lớn và nhân công giá rẻ (Ảnh: Yahoo).

Ấn Độ đang có lợi thế thị trường rộng lớn và nhân công giá rẻ (Ảnh: Yahoo).

Ông De Bok nói: "Họ muốn đảm bảo rằng họ có hai hoặc ba lựa chọn khác nhau" và cho biết thêm rằng xu hướng "tìm nguồn cung ứng toàn diện" này đã khiến các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico được hưởng lợi rõ rệt.

Tại thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ, De Bok đã công bố khoản đầu tư 500 triệu euro để tăng gấp đôi năng lực kho bãi và số lượng nhân viên của DHL trong 5 năm tới.

Ông nói, một phần động lực đằng sau kế hoạch này là sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như sản xuất và điện tử. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cung cấp các khoản trợ cấp tài chính cho các công ty muốn biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất của họ.

Là một phần của kế hoạch khuyến khích gắn liền với sản xuất, tập đoàn khai thác mỏ Vedanta Resources cũng đang có kế hoạch đầu tư gần 20 tỷ USD để hợp tác với tập đoàn sản xuất điện tử Foxconn của Đài Loan xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Ấn Độ.

Ông Anil Agarwal, Chủ tịch của công ty khai thác mỏ Vedanta, cho biết vào tháng trước rằng thế giới đang tìm cách áp dụng chiến lược "Trung Quốc cộng một" và "Ấn Độ rõ ràng đang ở vào vị trí có lợi".

Là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, Ấn Độ đã phải vật lộn để biến mình trở thành một trung tâm sản xuất và thương mại hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Ấn Độ có một thị trường nội địa rộng lớn và nhiều lao động giá rẻ.

Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-7%/năm và lạm phát thấp hơn nhiều nơi khác trên thế giới, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn hoạt động khá tốt trong năm nay.

Xuất khẩu của Ấn Độ đã luôn dừng ở mức khoảng 300 tỷ USD trong gần một thập kỷ qua, nhưng gần đây đã vượt mốc lớn 400 tỷ USD.

Ngoài hỗ trợ tài chính, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại song phương nhằm đưa Ấn Độ hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thay đổi hình ảnh nổi tiếng khó tính của đất nước này khi là đối tượng đàm phán.

Cộng đồng doanh nghiệp đã hoan nghênh các động thái này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tự do hóa thương mại của Ấn Độ luôn “tiến được một bước thì lùi ba bước”.

Ấn Độ đã gấp rút ký hiệp định thương mại tự do để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm thuế; đồng thời đã xuất hiện những lời kêu gọi yêu cầu tự lực cánh sinh, ít nhất 3.000 sản phẩm tăng thuế, trong đó nhiều sản phẩm đóng vai trò then chốt trong quá trình sản xuất.