Apple, Facebook gay gắt với chính sách nhập cư của Trump

Apple, Google, Tesla và nhiều tên tuổi khác từ Silicon Valley đã phản ứng lại chính sách nhập cư của Trump, lo ngại những ảnh hưởng của nó đến giới công nghệ Mỹ.
Tim Cook là một trong những CEO công nghệ đầu tiên phản đối chính sách nhập cư của Trump. Ảnh: Business Insider.
Tim Cook là một trong những CEO công nghệ đầu tiên phản đối chính sách nhập cư của Trump. Ảnh: Business Insider.

The Verge dẫn lời bức thư CEO Tim Cook gửi đến nhân viên Apple, theo đó ông "quan ngại" về chính sách hạn chế nhập cư từ 7 nước của ông Trump, đó là "chính sách mà chúng ta (Apple) không ủng hộ".

Trong cùng tin nhắn, Tim Cook cho rằng đã có người lao động chịu ảnh hưởng bởi lệnh này, và Apple sẽ hỗ trợ nhân lực, chính sách cũng như đội bảo an để hỗ trợ họ. Ông cũng cho biết công ty đang đệ trình phản đối của mình lên phía Nhà Trắng.

Cook cho biết ông đã nghe nhiều phản ứng lo lắng từ nhân viên, và cùng chia sẻ điều đó. Thông điệp này đến ngay sau khi Tim Cook gặp các lãnh đạo Nhà Trắng tại Washington với tư cách một phần của Diễn đàn Chiến lược và Chính sách của Trump.

Gay gắt hơn, The Huffington Post phản đối chính sách này bằng bức ảnh Steve Jobs và câu "Đây là con trai của một người nhập cư", cho rằng sẽ nước Mỹ sẽ mất đi những thiên tài, những tập đoàn lớn nếu chính sách này có hiệu lực. Bố đẻ của Steve Jobs là người Syria.

Hình ảnh trên Twitter của Huffington Post.
Hình ảnh trên Twitter của Huffington Post.

Không chỉ Apple, Google cũng đang có các động thái tương tự. Sergey Brin, đồng sáng lập và CEO của Alphabet đã xuống đường biểu tình tại Sân bay Quốc tế San Francisco cùng những người phản đối khác. Trả lời The Verge, Brin nói rằng ông tham gia "với tư cách cá nhân" và không muốn bình luận. Ông nói với Forbes rằng: "Tôi ở đây vì tôi là dân nhập cư".

CEO Google là Sundar Pichai viết trong email nội bộ: "Chúng tôi rất thất vọng về ảnh hưởng của chính sách này, chúng tôi sẽ luôn thể hiện công khai quan điểm của mình về vấn đề nhập cư và sẽ tiếp tục làm điều đó".

Mark Zuckerberg cũng không giấu nỗi bức xúc trước chính sách của Trump trong một status trên trang cá nhân. Mark cho biết anh “phản đối” ý định xây bức tường của Trump tại biên giới Mexico, cũng như các lệnh nhập cư.

Anh viết: “Ông bà tôi đến từ Đức, Áo và Ba Lan. Cha mẹ vợ tôi Priscilla là dân nhập cư từ Trung Quốc và Việt Nam. Nước Mỹ là quốc gia của người nhập cư, và chúng ta nên tự hào vì điều đó. Như nhiều người, tôi rất quan ngại về hệ quả của lệnh cấm nhập cư do ông Trump ký gần đây”.

Mark cho rằng cần tỉnh táo trong việc cấm cửa chỉ những thành phần nhập cư nguy hiểm, từ đó đảm bảo an ninh xã hội hơn. Anh cũng cho rằng việc “cào bằng” dân nhập cư sẽ ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ.

“Chúng ta cần giữ đất nước an toàn, và cần cấm cửa đúng người. Quá lạm dụng quyền lực chỉ khiến nhân dân bất an hơn, chúng ta cần mở cửa cho người nhập cư, cũng như những ai cần giúp đỡ. Đó mới là chúng ta, là nước Mỹ. Nếu chính sách này có mặt vài thập kỷ trước, gia đình Priscilla sẽ không ở đây vào lúc này”.

CEO Tesla là Elon Musk cũng đồng hành với giới công nghệ. Trong một "cơn bão tweet" trên trang cá nhân, Elon cho rằng lệnh này "không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của đất nước" và "nhiều người (bị ảnh hưởng) không đáng bị trục xuất".

Nhiều người chỉ trích Elon Musk vì những lời lẽ có phần mềm mỏng. Hôm qua (28/1), ông đã đồng ý tham gia Chiến lược quản lý việc làm của Trump, ông cũng thuộc hội đồng cố vấn kinh tế của Trump.

Nhiều công ty công nghệ lớn đã bàn luận về chiến lược hạn chế nhập cư của Trump vào thứ bảy (28/1) với nhiều sắc thái. Gay gắt nhất, CEO Netflix Reed Hastings đã gọi chính sách này là "phi Mỹ" (un-American). Biểu tình, phản đối đã diễn ra trên diện rộng, tòa án Liên bang đã ra lệnh tạm ngưng hiệu lực của chính sách.

Ngày 28/1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh mới, yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo.

Ông cho hay động thái mới này sẽ bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố. Theo đó, chính sách có ảnh hưởng đến những người có hộ chiếu đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria, hoặc thậm chí cả những người có thẻ xanh vào Mỹ

Theo Zing