Apple chuyển sang “chơi” với BOE của Trung Quốc trong chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Samsung

VietTimes -- Apple sẽ sử dụng màn hình do BOE của Trung Quốc sản xuất cho các dòng iPhone 2020 thay vì Samsung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc về màn hình hiển thị của công ty Hàn Quốc.
Một màn hình gập siêu mỏng do BOE sản xuất. Ảnh: Nikkei Asian Review
Một màn hình gập siêu mỏng do BOE sản xuất. Ảnh: Nikkei Asian Review

"Người khổng lồ" công nghệ Mỹ đang nỗ lực tìm nguồn cung màn hình thay thế với mục tiêu cắt giảm chi phí cũng như sự phụ thuộc vào Samsung của Hàn Quốc. Một lần nữa, "Táo Khuyết" dường như không thể hết “duyên nợ” với Trung Quốc khi hãng lựa chọn nhà cung cấp màn hình BOE, một công ty đến từ Trung Quốc.

Nhà sản xuất iPhone đang tích cực thử nghiệm màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ và OLED của BOE, theo tờ Nikkei Asian Review đưa tin. Đây cũng là lần đầu tiên Apple thử nghiệm sử dụng công nghệ màn hình của Trung Quốc. Nhà sản xuất iPhone đang cân nhắc có nên lựa chon BOE trở thành nhà cung cấp màn hình duy nhất của hãng hay không.

BOE là công ty Trung Quốc mới nổi trong ngành công nghiệp sản xuất màn hình, một trong những chuỗi cung ứng của điện thoại thông minh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe nhất thị trường hiện nay. BOE cũng được phía chính phủ Bắc Kinh đứng sau hỗ trợ khá nhiều trong nỗ lực đưa nước này trở thành một cường quốc công nghệ trên thế giới.

Thị trường màn hình OLED được dự đoán sẽ mở rộng một cách nhanh chóng trong tương lai gần, tăng từ 25,5 tỷ USD lên 30 tỷ USD trong năm nay, theo công ty phân tích thị trường công nghệ IDTechEx Research.

Những màn hình tiên tiến này sử dụng một dòng điện đi qua tấm nền mỏng của vật liệu hữu cơ được sử dụng để tạo ra ánh sáng, do đó, chúng tiêu thụ ít năng lượng hơn. Công nghệ này không chỉ cho phép độ tương phản và màu sắc tốt hơn mà còn giúp khả năng tạo ra được những tấm nền mỏng hơn hay màn hình có thể gập lại.

Các nhà sản xuất màn hình của Mỹ và Nhật Bản đều không thể đáp ứng được yêu cầu của Apple cho công nghệ màn hình OLED chất lượng cao. Apple hiện đang sử dụng màn hình OLED do “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc Samsung sản xuất. Samsung chiếm tới 90% thị phần màn hình thông minh cao cấp trên toàn cầu.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Sự gia nhập của BOE với tư cách là nhà cung cấp OLED có thể đe dọa vị thế của Samsung và giúp Apple đẩy mạnh khả năng cạnh tranh về mặt giá cả với Samsung. BOE đã bắt đầu sản xuất màn hình OLED kể từ cuối năm 2017, chính hãng này đã cung cấp màn hình điện thoại thông minh cho Mate X của Huawei, đối thủ của Galaxy Fold (do Samsung sản xuất).


Tuy nhiên, BOE dễ bị tổn thương nếu xảy ra các cuộc tấn công từ phía Mỹ vì nó phục thuộc vào các công ty của Hoa Kỳ về việc sản xuất vật liệu và thiết bị quan trọng để làm được ra màn hình.

Bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ để kiểm soát nguồn cung cho BOE - như Washington đã làm với Huawei - cũng có khả năng ảnh hưởng đến nhà sản xuất màn hình hàng đầu của Trung Quốc một cách nghiêm trọng.

Apple hiện đang thử nghiệm màn hình OLED do BOE sản xuất, công ty có dây chuyền sản xuất tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. BOE có kế hoạch xây dựng một nhà máy khác cũng ở Tứ Xuyên chỉ để phục vụ Apple nếu công ty Mỹ đặt hàng màn hình hiển thị.

Theo các thông tin rò rỉ, Apple có khả năng sẽ sản xuất tới hai chiếc iPhone được trang bị màn hình OLED vào năm 2020. Hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết có BOE có khả năng sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình OLED mới của Apple. 

Màn hình OLED là thành phần đắt nhất trong iPhone, có giá 110 USD, tương đương gần 30% tổng giá thành làm ra một chiếc iPhone X. Theo phân tích của HIS Markit, màn hình OLED do BOE sản xuất có thể rẻ hơn 20% so với các sản phẩm của Samsung.

Chi phí để trang bị màn hình OLED đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn. So với dây chuyền màn hình sản xuất tinh thể lỏng, một nhà máy sản xuất tấm nền OLED có thể đắt gấp đôi, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD.

Samsung đã thống trị thị trường màn hình OLED kể từ khi tấm nền này được trang bị cho điện thoại thông minh của hãng vào năm 2009. LG, nhà cung cấp cũ của Apple đã phải chịu tổn thất lớn trong hoạt động kinh doanh của mình vì không đủ sức cạnh tranh với Samsung về mảng này. Do đó, LG không sẵn sàng để đầu tư thêm và Samsung là lựa chọn duy nhất của Apple. Hầu hết các nhà cung cấp Đài Loan và Nhật Bản đã ngừng đầu tư vào màn hình OLED.

“Sự thay đổi chính sách của Apple mang lại cho BOE một cơ hội tốt để thâm nhập vào thị trường. Không quá bất ngờ nếu Apple lựa chọn mua OLED từ BOE”, Eric Chiou, nhà phân tích của công ty nghiên cứu WitsView cho biết.

BOE được thành lập vào năm 1993 với tư cách là nhà cung cấp thiết bị công nghệ cho hệ thống quân sự và quốc phòng Trung Quốc. BOE đã mất vài năm để cải thiện chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các khách hàng mua tấm nền LCD ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Thêm vào đó, công ty cũng nhận được sự trợ cấp từ phía chính phủ. Theo nghiên cứu của Nikkei Asian Review, BOE đã nhận được hơn 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 283 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) tiền trợ cấp từ phía chính phủ vào năm ngoái.

Nhờ sự hỗ trợ từ phía chính phủ, BOE đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ đáng gờm đối với các nhà cung cấp châu Á trong 10 năm qua. Doanh thu của công ty cũng tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008, đạt 97,1 tỷ NDT vào năm 2018. Hiện tại, nó là nhà cung cấp chính cho nhiều công ty công nghệ hàng đầu bao gồm thương hiệu TV Trung Quốc Hisense, Lenovo Group , HP và Dell. Với những con số ấn tượng, BOE trở thành nhà cung cấp màn hình LCD lớn nhất thế giới.

Từ năm 2017, BOE đã bắt đầu cung cấp màn hình LCD cho MacBook và iPad của Apple, cạnh tranh gay gắt với Samsung, LG, Japan Display, Sharp và AU Optronics của Đài Loan.

Theo Nikkei Asian Review