Apple bí mật nghiên cứu kính AR 'kiêm' VR có độ phân giải cực lớn 16K

Sẽ ra sao nếu Táo Khuyết ra mắt một thiết bị có thể chạy cả ứng dụng VR lẫn AR có độ phân giải lên đến 8K...mỗi bên mắt kính? Hẳn rằng với lượng điểm ảnh khổng lồ đó chip xử lý sẽ phải cực kỳ mạnh và tất nhiên giá thành đi kèm cũng sẽ rất...Apple.

(ảnh minh họa)

Một báo cáo mới đây từ CNET khẳng định Apple đang gấp rút nghiên cứu và phát triển một thiết bị kính có thể chạy cả ứng dụng VR lẫn AR có khả năng ra mắt sớm nhất vào 2020.

Trang công nghệ đã xác nhận các thông tin trước đó cho rằng kính VR “kiêm” AR tuyệt mật của Apple có tên mã hiệu là T288 và sẽ chạy con chip được thiết kế riêng của Táo khuyết. Ngoài việc thiết bị hứa hẹn nhiều đột phá này có thể chạy các ứng dụng VR (thực tế ảo) lẫn AR (thực tế tăng cường), điều làm fan hâm mộ thích thú hơn cả lại là hiệu năng trên giấy tờ của T288. CNET khẳng định nếu đúng như tin đồn, hiệu năng thiết bị sẽ có thể đánh bay tất cả kính AR/VR hiện có mặt trên thị trường.

Như đã nói, kính T288 của Apple được dự đoán là sẽ hỗ trợ chạy cả ứng dụng VR lẫn AR. Ấn tượng hơn khi độ phân giải được đồn đoán sẽ lên tới 16K - tức một màn hình 8K mỗi bên mắt kính - một con số không tưởng đồng nghĩa với một lượng điểm ảnh khổng lồ mà kính sẽ phải hiển thị. Các thiết bị VR trên thị trường hiện tại vẫn còn đang “chật vật” để đạt đến độ phân giải 4K. Nếu nguồn tin lần này từ CNET là chính xác và nếu không có đột phá mới mẻ nào từ các đối thủ khác trên thị trường kính VR/AR (điều gần như sẽ không xảy ra), Apple sẽ có thể thay thế các người khổng lồ VR hiện nay là Oculus và HTC để vươn lên vị trí dẫn đầu.

Với một phép so sánh đơn giản, kính VR Oculus Rift và HTC Vive chỉ có độ phân giải 1080 x 1200 mỗi mắt, chớm đạt đến full HD. Bên cạnh đó một startup có tên Pimax đã gọi vốn thành công trên Kickstarter cho thiết bị trải nghiệm VR 8K đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên chưa sản xuất và bán ra bất kỳ sản phẩm nào, ngay cả những người tài trợ góp vốn cũng chưa biết “mặt mũi hình hài” chiếc kính ra làm sao. Tất nhiên rằng nếu Apple thành công trong việc tạo ra một chiếc kính VR/AR 8K, đồng nghĩa với việc Táo khuyết sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khó khăn đang hiện hữu trên các sản phẩm VR hiện tại, điển hình là hiệu ứng screen door effect (SDE - một hiệu ứng khi bạn nhìn thấy rõ từng điểm ảnh trên màn hình, tương tự khi bạn đưa thật sát mắt vào màn hình TV) và hiệu ứng bóng mờ chuyển động (motion blur).

Kính VR Oculus Rift

Một thiết bị Virtual Reality khác đến từ nhà sản xuất HTC - HTC Vive

Nhưng chưa dừng lại ở đó, bên cạnh độ phân giải siêu nét, kính T288 tuyệt mật của Apple còn là kính không dây. CNET đưa tin rằng Apple đang nghiên cứu sử dụng 60Hz WiGig - một giao thức không dây tốc độ siêu cao cho phép truyền một lượng lớn dữ liệu trong thời gian cực ngắn - tiếp tục một vấn đề nữa được Apple giải quyết. Bởi kính VR hiện tại có một nhược điểm rất lớn là yêu cầu cáp để kết nối tới một PC mạnh và hiển nhiên việc vừa trải nghiệm ứng dụng thực tế ảo vừa phải để ý rất nhiều dây cáp rối rắm xung quanh trong “thực tế thật” thật không mấy dễ chịu.

SoC độc quyền nêu trên của Apple, nhiều khả năng sẽ là một con chip do tự tay Apple thiết kế trên tiến trình 5 nanometer (iPhone X hiện tại đang sử dụng chip A11 được sản xuất trên tiến trình 10 nanometer). Apple đã đảm nhận phần việc tự thiết kế chip từ nhiều năm, kể từ khi ra mắt chiếc iPad đầu tiên với chip A4 từ 2010, và thậm chí các chip đang chạy thiết bị iOS như iPhone, Airpods, HomePods còn xuất hiện trên một số mẫu máy tính Mac. Cộng thêm với việc Apple công bố GPU (chip xử lý đồ họa) “cây nhà lá vườn” vào năm ngoái, việc “Táo cắn dở” muốn tự thiết kế chip 5nm riêng cho kính AR/VR của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng cũng cần phải nói thêm, mọi nỗ lực và đột phá công nghệ của Apple dù có tuyệt đỉnh tới đâu cũng sẽ không có nghĩa lý gì nếu người sử dụng không quan tâm đến sản phẩm. Công nghệ AR và VR đã có mặt trên thị trường được vài năm nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó đã có một vài ứng dụng ra đời được coi là “hit” như Pókemon Go trên nền tảng AR hay Audio Shield trên nền tảng VR, nhưng cả hai nền tảng đều chưa tỏ ra quá quan trọng đối với người dùng, hay nói cách khác, AR và VR chưa đem lại quá nhiều lợi ích thực tiễn cho khách hàng. Và nếu có điều gì Apple học được từ HomePod, thì đó chính là chưa chắc người tiêu dùng đã quan tâm đến công nghệ đắt tiền, nếu như trên thị trường tồn tại những sản phẩm khác thay thế có chức năng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Suy cho cùng, logo quả táo khuyết cũng không thể giúp Apple định giá sản phẩm cao ngất ngưởng mãi được.

Đó là chưa kể đến nhiều hoài nghi tới từ giới phân tích công nghệ cho rằng chưa chắc Apple sẽ tung ra một sản phẩm hỗ trợ VR. Nói vậy là bỏi CEO đương thời Tim Cook đã không ít lần bày tỏ thái độ không đồng ý với công nghệ này. Ông cho rằng AR tốt hơn VR nhiều bởi AR không đem lại một trải nghiệm quá đơn lập, nói cách khác, trải nghiệm đến từ công nghệ thực tế ảo VR chỉ cho phép một người trải nghiệm trong thế giới riêng của mình (ngay cả khi họ có thể tham gia cùng những người khác). Còn giám đốc thiết kế Jony Ive lại cho biết mình không hào hứng lắm với việc bê nguyên một “cái máy tính” đặt lên mặt khách hàng.

Không có gì nghi ngờ nữa, Apple chắc chắn đang đổ dồn một số tiền không ít cho nghiên cứu và phát triển một thiết bị AR/VR nào đó, nhưng chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta rõ được thực hư câu chuyện. Còn hiện tại, người tiêu dùng hãy cứ tiếp tục tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ từ kính Oculus Rift hay Samsung Gear VR.

Samsung Gear VR được lắp thêm Samsung Galaxy S8 làm màn hình

Theo ICT News