Áp dụng giá điện bậc thang nhưng tại sao lại theo cơ số tiến mà không phải là lùi?

VietTimes – Biểu giá điện bậc thang đã được áp dụng tại Việt Nam từ nhiều năm nay, song vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặc biệt là khi bước vào mùa nắng nóng.

Như VietTimes từng đề cập, tại buổi Tọa đàm "Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao" do CLB Cafe số tổ chức hôm 14/5, ông Nguyễn Quốc Dũng (Trưởng ban Kinh doanh của EVN) cho biết gần như tất cả các nước đều áp dụng biểu giá điện bậc thang. Trong đó, có cả những nước giàu như Mỹ, Nhật cho đến các nước nghèo.

Theo lãnh đạo EVN, hầu hết các nước đều quy định giá điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang với cơ số tiến càng mua nhiều càng đắt. Mục đích nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và có mức giá thấp ở nấc thang đầu tiên nhằm phục vụ cho người có thu nhập thấp đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Điều này cũng phù hợp với cách áp dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang ở Việt Nam hiện nay và đây cũng là cách tính giá điện văn minh. Nếu tiếp tục hướng tới mục tiêu là tiết kiệm điện và hỗ trợ người nghèo thì nên tiếp tục áp dụng giá điện bậc thang.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN tại buổi tọa đàm (Ảnh: HB)
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN tại buổi tọa đàm (Ảnh: HB)

Quan điểm của lãnh đạo EVN đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó có không ít ý kiến đóng góp, phản biện, cho rằng vẫn có những nước áp dụng biểu giá điện bậc thang theo cơ số lùi thay vì theo cơ số tiến như tại Việt Nam.

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết việc quy định giá bậc thang theo cơ số lùi, càng mua nhiều giá càng rẻ chỉ thực hiện trong trường hợp cung lớn hơn cầu, cần khuyến khích tiêu dùng và người sản xuất có điều kiện hạ chi phí sản xuất khi sản lượng tăng lên.

“Nếu áp dụng theo cơ số lùi, thì giá bán ở nấc thang đầu tiên tối thiểu phải đảm bảo thu được đủ chi phí sản xuất và có lãi. Mặt khác số bậc thang trong biểu giá điện không nước nào giống nước nào” – ông Dũng cho biết thêm.

Biểu giá điện sinh hoạt tại Việt Nam (Nguồn: EVN)
Biểu giá điện sinh hoạt tại Việt Nam (Nguồn: EVN)

Thế giới tính giá điện bậc thang thế nào?

Theo tìm hiểu của VietTimes, các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực đều áp dụng biểu giá điện bậc thang theo cơ số lũy tiến.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020, biểu giá điện sinh hoạt mới của Công ty Điện lực Hồng Kông (The Hong Kong Electric Company) áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt bắt đầu có hiệu lực, với 7 bậc.

Trong đó, giá điện sẽ ở mức 60,4 cents/kWh cho 150kWh đầu tiên. Mức giá điện ở bậc thứ 5 (tương ứng mức tiêu thụ từ 701kWh trở đi) sẽ cao gấp đôi bậc 1. Ngoài tiền điện, hàng tháng, các hộ gia đình còn phải trả thêm phí nhiên liệu sản xuất mỗi kWh. Mức hóa đơn tiền điện tối thiểu khách hàng phải chi trả khoảng 16,1 đô la Hồng Kông.

Biểu giá điện của Công ty Điện lực Hồng Kông (Nguồn: hkelectric)
Biểu giá điện của Công ty Điện lực Hồng Kông  (Nguồn: hkelectric)

Còn tại Thái Lan, biểu giá điện có hiệu lực từ ngày 30/11/2018 cho thấy, quốc gia này lấy lượng điện tiêu thụ 150kWh làm mốc. Việc phân loại sẽ dựa trên lượng điện tiêu thụ trong 3 tháng liên tiếp.

Cụ thể, đối với những khách hàng được phân loại tiêu thụ dưới 150 kWh/tháng, sẽ có 7 bậc thang tính giá điện. Còn đối với các khách hàng tiêu thụ trên 150 kWh/tháng, sẽ có 3 bậc thang. Những khách hàng tiêu thụ dưới 150 kWh/tháng sẽ chịu mức phí 8,19 baht (tương đương 0,24 USD/tháng).

Biểu giá điện tại Thái Lan
Biểu giá điện tại Thái Lan

Tại Hàn Quốc, biểu giá điện của Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc được chia theo điện áp thấp và điện áp cao. Trong đó, các hộ sẽ phải trả phí cấp điện và phí điện năng, với 3 bậc (từ 1-200 kWh đầu tiên; từ 201 – 400 kWh; trên 400 kWh).

Biểu giá điện tại Hàn Quốc (Nguồn: Kepco)
Biểu giá điện tại Hàn Quốc (Nguồn: Kepco)

Trong đó, phí điện năng bậc 3 (tiêu thụ trên 400 kWh) cao gấp 2,2 lần so với bậc 1, ở mức 208,6 won/kWh. Còn phí cấp điện bậc 3 là 7.300 won/hộ, cao gấp 8 lần so với bậc 1./.