Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới: Khó nhất là lòng dân!

VietTimes -- GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - đã chia sẻ như vậy trong buổi sinh hoạt chuyên đề  “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?” của CLB Café Số. “Khó nhất là lòng dân! Nếu có sự đồng thuận xã hội chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công” - ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (ảnh: Đăng Khoa)
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (ảnh: Đăng Khoa)

Có thể nói Giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực có nhiều biến động nhất. Bắt đầu từ năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông tổng thể).

Chương trình này có thật sự mới? Lại thay đổi sách giáo khoa? Các môn học sẽ được thiết kế như thế nào?... Đó là những vấn đề không chỉ thu hút sự quan tâm, lo lắng của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh mà còn “gây bão” dư luận.

Tất cả những vấn đề này đang được GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề lần 2 tháng 9/2018 của CLB Café Số, với chủ đề: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?”.

Xem trực tiếp tại đây:

Phần I: Chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới

Phần II: Thảo luận, đặt câu hỏi

(Ấn F5 để cập nhật thông tin mới nhất)

...

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình giáo dục phổ thông mới có 3 điểm mới cơ bản so với chương trình hiện hành. Cụ thể:

Thứ nhất là về phương pháp xây dựng chương trình, chúng tôi áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược” và Đánh giá tác động của chính sách.

Thứ hai, chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới.

Thứ ba, chương trình được xây dựng lần này có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo quy định từ Nghị quyết của Quốc hội, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

"Định hướng chung của chương trình đổi mới lần này chuyển nền giáo dục nặng về tri thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Những phương pháp chính được áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bao gồm: Vận dụng phương pháp “sơ đồ ngược” và Vận dụng phương pháp đánh giá tác động của chính sách", GS. Thuyết nhấn mạnh.

...

5 phẩm chất và 10 năng lực của Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Các phẩm chất được xác định dựa trên căn cứ thực tiễn các nước phát triển và chỉ đạo của Đảng về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Cụ thể, GS Thuyết cho biết các căn cứ xác định phẩm chất bao gồm: Nghị quyết số 5/TW khóa VIII (1998); Nghị quyết số 33/TW khóa XI (2014) và Năm điều Bác Hồ dạy học sinh.

Trong đó, Nghị quyết số 5 đề ra 5 nhóm phẩm chất, ban soạn thảo chương trình đã tìm ra 10 phẩm chất cụ thể (từ ngữ) và loại bỏ các phẩm chất có tính tương đồng, trùng nhau nên chỉ còn 5 từ: Yêu nước - Nhân ái - Chăm chỉ - Trung thực - Trách nhiệm.

Về năng lực phát triển cho học sinh, Chương trình mới được thiết kế sao cho môn học nào cũng phải phát huy được năng lực sáng tạo, hợp tác và tự chủ.

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.
 Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.

Đi sâu về vấn đề này, GS Thuyết cho biết chương trình mới sẽ phát triển năng lực cho học sinh dựa trên Dạy học phân hóa, Dạy học tích hợp, và Dạy học thông qua hoạt động.

+ Dạy học phân hóa dựa trên quan điểm mỗi người có tố chất khác nhau, không nên áp dụng quy chuẩn chung cho tất cả các em.

+ Dạy học tích hợp: năng lực phát triển dựa trên tổng hợp các nguồn lực

+ Dạy học thông qua hoạt đông: dựa trên các hoạt động để phát triển năng lực cho học sinh.

...

GS. Nguyễn Minh Thuyết nói gì về Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại?

(ảnh: Đăng Khoa)
 (ảnh: Đăng Khoa)

GS Thuyết chia sẻ rằng ông “tôn trọng sự khác biệt của chương trình giáo dục”, khi được hỏi về chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

“Miễn là sự khác biệt không vi phạm pháp luật, đạo đức” – ông Thuyết nói rõ.

Trước đó, góp mặt trong chuyên mục Góc nhìn thẳng của Vietnamnet ngày hôm qua, ông Nguyễn Minh Thuyết cũng đã trả lời thẳng thắn về những đồn đoán cho rằng có lợi ích nhóm trong làn sóng tấn công chương trình Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, thậm chí có ý kiến ám chỉ ông và nhóm biên soạn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục đại trà.

“Tôi phải nói thật như thế này, tôi rất bận. Và nhất là từ khi nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên cho chương trình Giáo dục phổ thông mới, tôi không có thời gian để làm việc gì” – GS. Thuyết nói.

Dẫn lại lời của tác giả bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, rằng nó đã được đưa vào dạy tại hàng nghìn trường rồi, một nửa số học sinh cả nước học rồi, ông Thuyết đặt vấn đề: “Thế thì không có cái lý do gì mà những người là tác giả của sách giáo khoa hiện hành, người ta phản đối cả. Còn nếu nói về những người làm chương trình mới thì quyển sách ấy nó cũng không liên quan gì đến chương trình mới cả, vậy tại sao người ta phải ngăn cản”.

“Nếu là một người lớn khi nói một điều gì thì phải suy nghĩ chín chắn và phải có chứng cứ. Còn nếu mà mình tưởng tượng ra như thế thì… Nhà văn viết sách hoang tưởng thì có lẽ hay. Nhưng mà một người lớn mà nói như thế thì tôi sợ là chính mình lại hạ thấp nhân cách của mình”, GS. Thuyết nói thẳng.

...

Tổng chi phí đổi mới nội dung SGK và 180 mét đường Xã Đàn

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, tổng chi phí đổi mới nội dung sách giáo khoa chỉ là 144 tỷ đồng.

"Bằng kinh phí làm 180 mét đường Xã Đàn" - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể so sánh một cách trực quan.

...

Khó nhất là lòng dân!

(ảnh: Đăng Khoa)
(ảnh: Đăng Khoa) 

Trao đổi với các nhà báo và một số phụ huynh tham dự buổi sinh hoạt, GS. Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra ngạc nhiên về sự phân vân của một số ý kiến được nêu trong phiên thảo luận gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông cũng chia sẻ về nỗi lo ngại rằng sự phân tán ý kiến có thể khiến cho việc đưa chương trình vào triển khai có thể bị chậm hơn.

Tại sao Quốc hội ban hành rồi mà đến giờ vẫn còn phân vân về nó (?!)”, ông Thuyết đặt một câu hỏi tu từ.

Vị Giáo sư từng có hai khóa tham gia Đại biểu Quốc hội (khóa XI, XII) nói thêm: “Tất nhiên có nhiều bộ sách giáo khoa có nhiều ý kiến phức tạp, nhưng không nên lo sợ các vấn đề phức tạp ấy!”.

Cũng liên quan tới các khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Khó nhất là lòng dân! Nếu có sự đồng thuận xã hội chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công”.

Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng liệt kê một số khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên, do cách quản lý đã khiến những người thầy/cô co lại và thụ động. “Chương trình mới sẽ giao quyền tự chủ cho giáo viên để giải quyết vấn đề này”, ông Thuyết nói.

...

"Thường các địa phương báo cáo lên độ chính xác cũng không cao"

Khi được đặt câu hỏi về sự chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để đáp ứng cho chương trình mới, GS Thuyết cho biết : "Trong 2 năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương rà soát về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất và báo cáo với Bộ để có kế hoạch về đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thường các địa phương báo cáo lên độ chính xác cũng không cao. Vì các lý do đó, Bộ cũng giao một số cơ quan chức năng xem xét lại các dữ liệu trên.”

Về công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, Bộ Giáo dục cũng sẽ tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả 3 cấp, đảm bảo giáo viên không chỉ biết về sách giáo khoa mà còn về chương trình mới thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp giáo viên tiếp cận được tài liệu gốc. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng giao cho 8 trường đào tạo trọng điểm chuẩn bị chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ chờ chương trình được ban hành sẽ tiến hành triển khai thực hiện.

Về cơ sở vật chất, lộ trình triển khai chương trình mới sẽ được áp dụng từng cấp, tạo điều kiện để các địa phương có đủ thời gian đổi mới về cơ sở vật chất.

Khi được hỏi về việc các biện pháp quản lý có đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh trong việc soạn thảo, lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy hay không (!?), GS Thuyết trích dẫn nội dung trong Nghị quyết 88 đã được Quốc hội ban hành và cho biết việc áp dụng lựa chọn bộ SGK nào sẽ dựa trên ý kiến ý kiến tập thể của giáo viên, phụ huynh học sinh của nhà trường, không phải do Sở Giáo dục quyết định.

“Năm học sau, nếu như các vị phụ huynh nhận thấy bộ SGK có nội dung hay hơn, thì có thể lựa chọn sử dụng bộ SGK đó!” – GS Thuyết bổ sung.

GS Thuyết cho rằng quá trình quản lý nếu thực hiện đúng sẽ tạo ra sự cạnh tranh và sẽ giúp nâng cao chất lượng biên soạn SGK khi chương trình mới được triển khai./.