Áp đảo "thái tử" Samsung, chàng trai nghèo từ khu ổ chuột trở thành người giàu nhất Hàn Quốc!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ hai bàn tay trắng, nhà sáng lập Kakao trở thành người giàu nhất Hàn Quốc và mang đến sự thay đổi ngầm trong xã hội Hàn Quốc, nơi các chaebol nắm giữ toàn bộ huyết mạch kinh tế. 
Ông Kim Beom-su và thái tử Samsung Lee Jae-yong
Ông Kim Beom-su và thái tử Samsung Lee Jae-yong

Ông Lee Jae-yong, người thừa kế đế chế Samsung bị kết án hai năm rưỡi tù giam hồi đầu năm, đã thành công trong việc "vượt ngục" một lần nữa vào ngày 13/8 khi được tự do nhờ ân xá. Điều này cũng khiến thế giới một lần nữa chứng kiến ​​sức mạnh của các chaebol Hàn Quốc.

Nhưng sự thay đổi cũng đang diễn ra.

Khi ông Lee Jae-yong vẫn còn trong tù, ông Kim Beom-su, người sáng lập KakaoTalk và là cựu nhân viên cũ của Samsung, đã vươn lên thành người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản ròng 13 tỉ USD.

Ông Kim được xem là một ví dụ điển hình về sự đi lên của các doanh nhân công nghệ tự thân trong xếp hạng giàu ở Hàn Quốc, vượt qua thành viên của các gia tộc kiểm soát những tập đoàn khổng lồ lâu năm ở nước này.

Ở Hàn Quốc, nơi người nghèo luôn ở dưới đáy xã hội và điểm đến tốt nhất cho những người trẻ tuổi là làm việc cho giới siêu giàu (chaebol), một mầm cây lại có thể đâm rễ, đổi đời và đánh bại hậu duệ của các chaebol. Đây cũng là một mô hình thu nhỏ của nền kinh tế Hàn Quốc khi tạm biệt các chaebol truyền thống.

Xuất thân tầng đáy xã hội Hàn Quốc

Kim Beom-su có một khởi đầu tồi tệ. Ông Kim sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hàn Quốc vào năm 1966. Cha ông là công nhân trong nhà máy sản xuất bút và mẹ là nhân viên khách sạn. Là con út trong gia đình có năm người con, tuổi thơ của ông trải qua trong một căn phòng nhỏ với gia đình bảy người.

Trong những năm tháng của "Kỳ tích sông Hàn" (Miracle on the Han River), gia đình ông cũng như hàng chục triệu người dân dưới đáy Hàn Quốc không được hưởng lợi từ phát triển kinh tế mà còn đầy gian khổ. Nhiều năm sau, nỗi sợ đói nghèo vẫn là hình bóng không thể xóa nhòa trong trái tim ông.

Tuổi thơ nghèo khổ đã giúp ông Kim nhìn thấy sự bất công của thế giới, và ông cũng luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực.

Ở Hàn Quốc, đọc sách là con đường duy nhất để thay đổi số mệnh của người nghèo. Kim Beom-su khi còn là học sinh đã thể hiện một ý chí rất quyết tâm.

Năm 1986, ông Kim được nhận vào Đại học "Harvard" - Seoul của Hàn Quốc để theo học ngành kỹ thuật công nghiệp và trở thành sinh viên đại học đầu tiên trong gia đình.

Ở trường đại học, Kim Beom-su vừa làm việc để kiếm học phí vừa nghĩ về một câu hỏi: "Xu hướng phát triển trong tương lai là gì?"

Tình cờ, ông thấy một người bạn kết nối Internet qua máy tính. "Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Internet. Sau ba tháng nghiên cứu, tôi quyết định làm một cái gì đó liên quan đến nó".

Năm 1990, Kim Beom-su quyết định chuyển chuyên ngành của mình sang kỹ thuật thông tin điện tử và hoàn thành tất cả các khóa học của mình trong hai năm.

Giống như một chiến sĩ sắp ra trận, khi bước ra khỏi khuôn viên trường, ông đã khoác lên mình bộ áo giáp dù tay không.

Giống như tất cả những người trẻ tuổi Hàn Quốc, công việc đầu tiên của Kim Beom-soo là làm việc tại Samsung. Trong 5 năm làm việc trong nhóm dịch vụ CNTT của Samsung, ông nổi tiếng là người làm việc chăm chỉ và kiếm được khoản tiền không nhỏ.

Năm 1997, làn gió Internet thổi từ Thung lũng Silicon sang Đông Á, Hàn Quốc chính thức bước vào kỷ nguyên Internet. Kim Beom-su lạc quan về sự phát triển lớn mạnh của trò chơi trực tuyến, đã đến lúc ông từ chối ở lại với mức lương cao và rời Samsung để bắt đầu kinh doanh riêng.

Sau khi kết thúc sự nghiệp làm thuê, Kim Beom-su đã sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mở một quán cà phê Internet và bắt tay vào hành trình khởi nghiệp.

Ông đã cho khách hàng dùng thử miễn phí trò chơi trực tuyến Hangame của riêng mình. Trò chơi mới này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những người Hàn Quốc mới làm quen với Internet. Chỉ trong vòng 3 tháng, số lượng người chơi game đã vượt mốc 1 triệu người, gây chấn động tại Hàn Quốc.

Các chaebol cũng đánh hơi thấy cơ hội, tìm đến Kim Beom-su để chia "miếng bánh" nhưng ông dứt khoát từ chối. Khi việc mở rộng kinh doanh của Hangame đang cần vốn gấp, ông nghĩ đến đồng nghiệp cũ của mình tại Samsung, Lee Hae-jin, người có xuất thân bình thường như ông Kim.

Lee Hae-jin cũng là một nhân vật nổi bật. Trang web tìm kiếm Naver do ông thành lập từng trấn áp Google và Yahoo, đồng thời trở thành bá chủ độc chiếm thị trường tìm kiếm Hàn Quốc.

Lee Hae-jin và Kim Beom-su là cặp đôi IT superstar ở Hàn Quốc
Lee Hae-jin và Kim Beom-su là cặp đôi IT superstar ở Hàn Quốc

Cả hai gặp nhau tại một quán ăn ở đường phố ở Seoul để uống và nói chuyện, sau vài chén rượu, họ đã mở lòng và quyết định cùng nhau chiến đấu với cả thế giới.

Năm 2001, Naver và Hangame hợp nhất thành lập một công ty mới, NHN. Trong 6 năm tiếp theo, cả hai diễn ra suôn sẻ, dứt khoát và bất khả chiến bại. Họ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tìm kiếm, chơi game và e-mail, đồng thời chiếm vị trí hàng đầu trên Internet Hàn Quốc.

Sức mạnh như chẻ tre trước làn gió mới của thời đại

Ảnh: Zhihu
Ảnh: Zhihu

Năm 2007, khi Kim Beom-su đưa đơn từ chức cho Lee Jae-jin và quyết định rời bỏ đế chế Internet do ông tạo ra, Lee Hae-jin, người được thuyết phục gia nhập NHN, đã vô cùng ngạc nhiên.

"Ở công ty không thoải mái sao?"

"Đó là bởi vì nó quá thoải mái nên tôi không có cảm giác chiến đấu trên chiến trường", Kim Beom-su nói.

Lúc đó công ty NHN mới sáp nhập đã có vị thế ổn định trong ngành, Kim Beom-su không yên vị một chỗ nên đã chuyển đến Thung lũng Silicon của Mỹ với vị thế và hào quang của NHN, đồng thời đầu tư vào một số dự án ở Thung lũng Silicon, nhưng không mấy cải thiện.

Trong thời kỳ sự nghiệp đi xuống, ông ấy đã làm việc được 10 năm, và bắt đầu dành cho mình một kỳ nghỉ, vừa trồng hoa, trồng cỏ, vừa dắt chó đi dạo, đồng thời quan sát những thay đổi của thế giới bên ngoài và tìm kiếm cơ hội.

Năm 2007, iPhone ra mắt.

"Thứ nằm gọn trong lòng bàn tay" này khiến ông mê mẩn. "Có vẻ như thời cơ đã đến". Ông có linh cảm rằng chiếc điện thoại di động sắp mở ra một thời đại thay đổi lớn.

Vào thời điểm đó, iPhone vẫn chưa được bán ở Hàn Quốc. Kim Beom-su đã mang theo iPhone và iPod mua từ Mỹ và cùng gia đình chuyển về Hàn Quốc. Đầu tiên, ông chia tay NHN hoàn toàn, sau đó thiết lập Kakao để phát triển phần mềm giao tiếp kiểu Hàn Quốc dựa trên WhatsApp. Phần mềm Kakaotalk trở thành một ứng dụng xã hội cho chính người Hàn Quốc.

Vào thời điểm đó ở Hàn Quốc, mỗi hộ gia đình phải trả tiền cho các tin nhắn văn bản trên điện thoại di động và để sử dụng WhatsApp cũng phải trả một khoản phí hàng năm là 99 USD. Vào tháng 3/2010, ngay khi ứng dụng trò chuyện miễn phí Kakaotalk ra mắt, nó đã ngay lập tức đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng Hàn Quốc.

Ảnh: Zhihu
Ảnh: Zhihu

Vào tháng 9 cùng năm, số lượng người dùng Kakaotalk đã vượt quá 1 triệu người; vào tháng 12, con số này đã vượt quá 5 triệu người; vào đầu năm 2011, con số này đã vượt quá 10 triệu người. Vào tháng 11/ 2011, Kakaotalk đã tạo ra các nhãn dán biểu tượng cảm xúc đầu tiên trên thế giới, mở ra một xu hướng mới.

Kể từ đó, Kim Beom-su tiếp tục phát triển Kakaotalk với tốc độ đáng kinh ngạc. Vào năm 2013, khi Tencent WeChat chỉ nâng cấp 9 phiên bản, số lượng phiên bản cập nhật Kakaotalk trong cùng khoảng thời gian đã lên tới 19 và các dịch vụ mở rộng liên tiếp được tung ra, với nhiều chức năng như trò chơi và bắt taxi.

Kakaotalk giống như một kỵ binh hạng nhẹ, đưa ra những quyết định dứt khoát và tấn công nhanh chóng, không ai nhìn thấy thanh kiếm máu trong vỏ bọc của nó, bỏ lại phía sau những đối thủ khổng lồ và cồng kềnh, quyết định chậm chạp.

Dựa vào sự đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là sự tích hợp liên tục với cuộc sống và công việc của mọi người, Kakaotalk đã nhanh chóng phủ sóng tất cả các khía cạnh về thực phẩm, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại của người dân Hàn Quốc, trở thành một điều kỳ diệu mới của Internet Hàn Quốc.

Vào tháng 4/2012, Kakao lâm vào tình trạng thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng. Ma Huateng (Pony Ma), người sáng lập ra WeChat và định nghĩa lại mạng xã hội Trung Quốc, đã có cuộc trò chuyện với với Kim Beom-su. Sau đó, Tencent rót 65 triệu USD vào Kakao và trở thành cổ đông thứ hai sau ông Kim.

Ngày nay, 3/4 dân số hơn 50 triệu người của Hàn Quốc sử dụng Kakaotalk thường xuyên, với thời gian lưu trung bình hơn nửa giờ mỗi ngày và ảnh hưởng của ứng dụng này ngang bằng với Wechat tại Trung Quốc.

Mười trò chơi hàng đầu trong App Store của Hàn Quốc từng bị Kakao Games chiếm giữ trong một thời gian dài.

Năm 2014, Kakao hợp nhất với Daum, cổng thông tin lớn thứ hai của Hàn Quốc, để thành lập Daum Kakao và cập bến KOSDAQ ở Hàn Quốc.

Kim Beom-su, 48 tuổi, đã trở thành tỉ phú chỉ sau một đêm.

Trong những năm tiếp theo, Kim Beom-su bắt đầu một loạt hoạt động gọi vốn và các dự án được ấp ủ trong những năm đầu đã được thực hiện một cách độc lập.

Mảng kinh doanh trò chơi đã được tách ra và niêm yết, và giá trị thị trường hiện tại đã tăng lên 6 nghìn tỉ won, tương đương 5,16 tỉ USD.

Năm 2017, Kakao cũng đạt được hợp tác chiến lược với Ant Group và nhận đầu tư 200 triệu USD để thành lập Kakao Pay, đơn vị kinh doanh thanh toán di động. Ant Group nắm giữ 45% cổ phần của công ty. Hai bên sẽ cùng phát triển mảng thị trường thanh toán di động Hàn Quốc.

Trong cùng thời gian đó, Kakao đã thành lập nền tảng giao dịch tiền điện tử Upbit, nền tảng này nhanh chóng vươn lên dẫn đầu và thành lập công ty blockchain Ground X vào năm 2018 để triển khai hệ sinh thái thanh toán trực tuyến tiền điện tử với đầy đủ các sản phẩm của Kakao.

Kakao Bank
Kakao Bank

Vào ngày 6/8 năm nay, Kakao Bank, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cũng đã được niêm yết độc lập và giá trị thị trường đạt 32 nghìn tỉ won, tương đương khoảng 27.18 tỉ USD.

Vào thời điểm Kakao Bank niêm yết, tổng giá trị thị trường của Kakao đã vượt quá 60 nghìn tỉ won (50.95 tỉ USD). Các nhà môi giới Hàn Quốc nhìn chung cũng dự đoán rằng lợi nhuận hoạt động của Kakao trong năm nay sẽ đạt 784,5 tỉ won, tăng 72% so với năm ngoái.

Và đây không phải là tất cả của Kakao.

Hiện tại, Kakao Pay, công ty đang hợp tác với Ant Group, cũng đã lên kế hoạch niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Công ty giải trí Kakao Entertainment và nhà cung cấp dịch vụ taxi Kakao Mobility của tập đoàn cũng có kế hoạch ra mắt công chúng vào năm tới.

Kẻ phá bĩnh giới chaebol

Vào ngày 13/8, ông Lee Jae-yong, người đứng đầu mới của đế chế Samsung, đã chính thức được tạm tha và lấy lại tự do một lần nữa. Tổng thống Moon Jae-in, người đã đưa ông vào tù, đã bị "đả kích" về mặt chính trị và cá nhân.

Hơn 10 năm trước, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã có hành động quyết liệt với chủ tịch Samsung lúc bấy giờ là ông Lee Kun-hee. Nhưng cuối cùng, ông Lee Kun-hee gần như bình an vô sự, còn ông Roh Moo-hyun thì bị phản đòn sau khi Tổng thống mới lúc bấy giờ Lee Myung-bak nhậm chức. Ông Roh đã tự tử sau khi vướng phải nghi án tham nhũng có liên quan tới gia đình ông.

Ông Roh Moo-hyun, người bị bức đến chết, cũng chính là người thầy cố vấn cuộc đời của ông Moon Jae-in trong hơn 30 năm, và ông Lee Kun-hee, người suýt bị tống vào tù bởi ông Roh Moo-hyun, chính là người cha quá cố của Lee Jae-yong.

Năm 2012, ba năm sau cái chết của ông Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in trở lại chính trường. Năm 2017, cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phanh phui vụ bê bối chính trị gây chấn động cả Hàn Quốc. Năm 2020, cựu tổng thống Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù vì nhận tiền hối lộ từ và lập quỹ đầu tư mờ ám. Cả hai đều có liên quan đến Samsung Electronics.

Kể từ đó, ông Moon Jae-in quyết tâm giành công bằng cho người dân và phá vỡ thế độc quyền của các chaebol, đồng thời ra tay trừng trị "thái tử" Samsung Lee Jae-yong.

Nhưng hiện tại, ông Lee Myung-bak và bà Park Geun-hye vẫn đang ở trong tù, nhưng ông Lee Jae-yong lại được tự do.

Kể từ khi ông Park Chung-hee tiến hành một cuộc đảo chính quân sự để thay thế Rhee Seung-man làm tổng thống vào năm 1961, Hàn Quốc đạt được những bước tiến kinh tế đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, của cải lại tập trung vào giới chaebol và chính trị bị thao túng bởi các chaebol. Các chính trị gia thay đổi liên tục, nhưng các chaebol ngồi vững như núi, và thậm chí "bạn có thể không có Tổng thống, nhưng bạn không thể không có Samsung".

Việc ông Lee Jae-yong được ân xá một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của các chaebol Hàn Quốc.

Ảnh: Zhihu
Ảnh: Zhihu

Trong bối cảnh đó, sự nổi lên của những doanh nhân xuất thân tầm thường như ông Kim Beom-su có thể được coi là một cột mốc quan trọng trong xã hội Hàn Quốc. Ngay cả ở đất nước mà số phận được định đoạt bởi xuất thân và bị độc quyền bởi những người khổng lồ, vẫn có những người có thể bắt đầu từ hai bàn tay trắng và sử dụng sức mạnh của chính mình để thay đổi hướng đi của thủy triều.

Kim Beom-su như một tia sáng xuyên qua đêm đen, khiến người Hàn Quốc tin rằng giới hạn của số mệnh không còn là chỉ làm việc cho một tập đoàn, tri thức có thể thay đổi vận mệnh, và thường dân cũng có thể làm nên lịch sử.

Điều đáng mừng hơn nữa là ông Kim Beom-su cũng đã gặp phải sự đàn áp và săn đuổi của những gã khổng lồ, nhưng cuối cùng ông đã phản công và đột phá.

Khi Kakaotalk vừa thành công, hai ông chủ cũ là Samsung và NHN đã tung ra những phần mềm tương tự để tranh giành thị trường. Sau khi Kakao Pay gia nhập thị trường thanh toán, Samsung cũng tiếp tục đầu tư mạnh vào việc tung ra Samsung Pay. Nhưng giờ đây, Kakao Pay đã vượt qua Samsung Pay và trở thành công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến lớn nhất ở Hàn Quốc.

Theo ước tính của ngành chứng khoán Hàn Quốc, khi kế hoạch niêm yết của Kakao được hoàn thành đầy đủ, giá trị thị trường của Kakao sẽ đạt gần 150 nghìn tỉ won, trở thành công ty lớn thứ 5 sau Samsung, SK, LG và Hyundai Motor.

Cùng lúc với sự trỗi dậy của ông Kim Beom-su, một thế hệ doanh nhân mới tự thân lập nghiệp như ông Seo Jung-Ji, đồng sáng lập công ty dược phẩm khổng lồ Celltrion, HyukBin Kwon của công ty trò chơi trực tuyến Smilegate, Kim Jung-Ju, người sáng lập công ty trò chơi trực tuyến Nexon và Kim Bom Suk, người sáng lập công ty thương mại điện tử Coupang cũng đã vượt qua phạm vi ảnh hưởng của tập đoàn truyền thống và trở thành những người mới nổi trong giới kinh tế Hàn Quốc với sự trợ giúp của làn sóng kinh tế mới.

Miễn là có ánh sáng, bóng tối cuối cùng sẽ bị xuyên thủng.

Ngay khi thế hệ doanh nhân mới này trở thành biểu tượng tinh thần của thế hệ thanh niên Hàn Quốc, người kế nhiệm Samsung Lee Jae-yong bước ra khỏi nhà tù giữa cuộc thập tự chinh, gia đình Lotte Group trở nên bất hòa vì cuộc chiến tranh giành giật, người thừa kế SK và người thừa kế tập đoàn Hyundai gặp bê bối lạm dụng ma túy,...xu hướng thay đổi của thủy triều dường như rõ ràng hơn bao giờ hết.

Theo Zhihu