Anh điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc cảnh báo "nguy hiểm"

VietTimes -- Anh tuyên bố điều tàu sân bay đến Biển Đông tuần tra là để làm giảm khó khăn chiến lược trong nước, muốn duy trì vai trò ảnh hưởng trên biển, tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với Australia...
Hội nghị "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước Anh - Australia. Ảnh: Ifeng.
Hội nghị "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước Anh - Australia. Ảnh: Ifeng.

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã tổ chức hội đàm 2 ngày, đã thảo luận hành động hải quân liên hợp của hai bên ở Thái Bình Dương. Theo đó, Anh có kế hoạch cử tàu sân bay mới nhất HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương, tiến hành tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông, phô trương hiện diện sức mạnh ở khu vực này.
Theo tờ Sydney Morning Herald, hải quân Australia được mời tháp tùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh để triển khai hành động ở Biển Đông. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Anh Mark Sedwill cho biết  do quy mô biên đội hộ tống của Anh đã bị giảm đi, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cần sự ủng hộ của quân đội bạn khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc chê bai rằng Australia hộ tống tàu sân bay Anh có khả năng hoàn toàn không phải là biểu hiện của “tình hữu nghị Anh - Australia” trong cấp cao chính phủ hai nước, mà là hành động bất đắc dĩ dựa trên hiện trạng tồi tệ của hải quân Anh.
Tài liệu cho thấy, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết kế ra tàu sân bay, từng sở hữu nhiều loại tàu sân bay như lớp Illustrious, lớp Colossus, lớp Centaur, có vị thế không thể coi thường trong lịch sử phát triển tàu sân bay thế giới.
Nhưng sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, do các nguyên nhân như co cụm chiến lược và sức mạnh quốc gia suy giảm, tàu sân bay Anh hoặc là cho nghỉ hưu, tháo dỡ, hoặc bán chuyển nhượng, số lượng bị cắt giảm, thậm chí từng rơi vào tình cảnh không có tàu sân bay. Mãi đến ngày 7/12/2017, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tổ chức lễ biên chế, Anh mới quay trở lại câu lạc bộ tàu sân bay.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh. Ảnh: People.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh. Ảnh: People.

Hiện nay, hải quân Anh hầu như lại rơi vào tình cảnh không có tàu chiến sử dụng. Theo báo chí Anh, Anh vốn có kế hoạch sẽ tổ chức một biên đội tấn công tàu sân bay trong đó có tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, nhưng hiện thực là 6 tàu khu trục Type 45, những tàu chủ lực của hải quân Anh thường xuyên phải bảo trì do sự cố động cơ, số lần điều động trong năm rất ít.
Cuối tháng 11/2017, toàn bộ 6 tàu khu trục Type 45 không thể hoạt động đã làm cho hải quân Anh mất hết thể diện. Trong khi đó, tàu hộ vệ Type 26 còn đang chế tạo, dự tính phải đến sau năm 2020 mới biên chế cho hải quân Anh. Điều này buộc hải quân Anh phải dựa vào sự ủng hộ của Australia khi điều tàu sân bay HMS Elizabeth đến Biển Đông.
Có quan điểm cho rằng hải quân Anh có sức mạnh hạn chế như vậy mà quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương thì chỉ có tính hình tượng, lực bất tòng tâm. Như vậy, Anh rốt cuộc tại sao lại coi trọng hành động ở Biển Đông như vậy? Anh có tính toán lợi ích chiến lược gì ở Biển Đông?
Đối với vấn đề này, nhà nghiên cứu Hồ Chí Dũng, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Viện khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng Anh gần đây gặp nhiều khó khăn về vấn đề Brexit, đề xuất hy vọng mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông là để chuyển hướng sự chú ý của người dân Anh, tranh thủ thời gian làm dịu khó khăn chiến lược ở trong nước.
Theo Hồ Chí Dũng, một nguyên nhân khác là bá chủ trên biển cũ vẫn muốn quay về với huy hoàng của mình. Anh luôn muốn duy trì uy thế trước đây, cho rằng toàn bộ khu vực Thái Bình Dương phải thuộc phạm vi ảnh hưởng và lãnh địa của Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson luôn muốn can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Ảnh: People.
 Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson luôn muốn can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Ảnh: People.

Là một lực lượng trên biển thông thường được tôn trọng, Anh có thể duy trì “trật tự dựa trên quy tắc” thông qua các con đường như hành động khẳng định “tự do hàng hải”, hiện diện một cách thích hợp và thường xuyên, tăng cường xây dựng năng lực ở khu vực Biển Đông.
Nhưng theo trang tin QQ Trung Quốc, có một số vấn đề đáng chú ý: Trước hết, do số lượng tàu chiến và quân số của hải quân Anh đã giảm mạnh, hải quân Anh tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương liệu có thực sự khả thi hay không? Thứ hai, triển khai một lực lượng hải quân có quy mô khá lớn ở khu vực này có thực sự có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực? Anh làm như vậy có đáng hay không?
Nhà nghiên cứu Hồ Chí Dũng chỉ ra: “Có thể nhìn thấy, Anh vẫn muốn tiếp tục phát huy vai trò nước lớn trong các vấn đề quốc tế”. Nhưng theo báo Australia, xét tới thực lực của Trung Quốc ngày càng tăng cường, việc hải quân Anh tiến hành tuần tra ở Biển Đông, một vùng biển xa xôi, là điều rất nguy hiểm.
Nhà nghiên cứu Lưu Hiểu Bác, Viện nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc cho rằng ở góc độ hiện thực, sự quan tâm của Anh đối với Biển Đông có nguồn gốc từ nhu cầu của quan hệ Mỹ - Anh. Nhưng, nói rằng Anh phối hợp với “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ thì là điều phần nào có tính mơ hồ.
Anh đang gặp khó khăn về Brexit, ngay việc đưa ra một chiến lược với EU còn khó, huống chi là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Về căn bản, lợi ích của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là thứ yếu đối với Anh, vì vậy không có nhiều khả năng Anh phát huy vai trò trung tâm.
Lưu Hiểu Bác cho rằng Anh theo đuổi một trật tự khu vực “cân bằng” và “quy tắc”, nhưng hành động cụ thể của Anh có thể đi được bao xa thì còn chưa rõ.
Chẳng hạn, tháng 6/2018, máy bay chiến đấu F-35 trang bị cho tàu sân bay đã từ Mỹ bay về Anh, nếu Anh lại điều biên đội tàu sân bay đến châu Á tuần tra thì sẽ gặp khó khăn về tài chính. Dù sao một lần tuần tra cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền, nội bộ chính phủ Anh sẽ xảy ra rất nhiều tranh cãi.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh. Ảnh: Ifeng.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh. Ảnh: Ifeng.

Nhà nghiên cứu Đinh Đạc, Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng Anh không có lợi ích chiến lược cấp bách ở khu vực Biển Đông, nhưng trên cơ sở cường quốc trên biển truyền thống và truyền thống thương mại trên biển của họ, họ bày tỏ quan tâm nhất định đến tự do hàng hải cũng không có gì ngạc nhiên.
Về thực chất, điểm xuất phát cho sự “tương tác” giữa Anh và Australia ở Biển Đông cũng không phải là vấn đề Biển Đông, mà là xuất phát từ sự cân nhắc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh song phương, nhưng cần tìm một vấn đề hoặc lý do cụ thể - vấn đề thích hợp nhất ở khu vực chính là Biển Đông.
Nhìn vào thông tin trên báo chí, việc xây dựng, phát triển hải quân hiện nay của Anh và Australia đều tồn tại vấn đề nhất định. Tàu sân bay Anh đến Biển Đông tuần tra lôi kéo thêm tàu chiến Australia phối hợp, đây là ý tưởng nhưng sẽ gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực tế.
Bởi vì, nếu hoạt động tuần tra thách thức yêu sách chủ quyền và quyền lợi biển vô lý, phi pháp (yêu sách “đường chín đoạn”, đường chữ U) của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chặn.
Nhà nghiên cứu Đinh Đạc khẳng định rằng tình hình Biển Đông hiện nay có xu hướng ổn định, các nước ngoài khu vực tìm cách tiếp tục làm nóng vấn đề Biển Đông sẽ không được lòng người. Đinh Đạc còn nghĩ rằng điều này cũng sẽ không được các nước xung quanh Biển Đông “phản ứng tích cực”.
Trên thực tế, các nước xung quanh Biển Đông và cộng đồng quốc tế đang thực sự hết sức lo ngại trước các hành động quân sự hóa phi pháp gia tăng trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian gần đây, chẳng hạn như triển khai phi pháp các hệ thống tên lửa (YJ-12B, HQ-9B), máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, radar…, tiến hành tập trận thực chiến thường xuyên của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông.