Ẩn số Sabeco trước thềm thoái vốn của Bộ Công thương

VietTimes – Đợt đấu giá thoái vốn tại Sabeco (HOSE: SAB) tới đây mang nhiều ý nghĩa không chỉ cho thị trường, mà còn liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sabeco)
Ảnh minh họa (Nguồn: Sabeco)

Kỳ vọng gì ở “Bom tấn” Sabeco

Càng gần thời điểm diễn ra phiên đấu giá lúc 14h30 ngày 18/12, trên thị trường càng có nhiều quan điểm trái chiều về cổ phiếu của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco – HOSE: SAB) vì những tác động nó lên bối cảnh thị trường chung và kinh tế vĩ mô.

Kể từ khi lên sàn, thị giá của cổ phiếu SAB luôn được nhà đầu tư chú ý vì giao dịch của cổ phiếu này có tác động rất lớn đến các chỉ số quan trọng của Thị trường chứng khoán Việt Nam là chỉ số VN-Index và VN30-Index (đây là 2 chỉ số quan trọng để đánh giá thành tựu tăng trưởng của danh mục đầu tư so với thị trường và dùng để làm tài sản cơ sở cho sản phẩm chứng khoán phái sinh - Hợp đồng tương lai). Đã có nhiều phiên giao dịch, nhờ cổ phiếu SAB mà chỉ số VN-Index tăng mạnh, bất chấp đa số các cổ phiếu trên sàn chìm trong sắc đỏ hoặc tham chiếu, nhờ giá trị vốn hóa “khủng” mà cổ phiếu này đang có.

Một số chuyên gia cho biết nếu kết quả đấu giá cổ phần SAB thành công, đây sẽ là cú huých tâm lý đủ lớn để VN-Index có thể đạt mốc 1.000 điểm trong năm nay. 

Ẩn số Sabeco trước thềm thoái vốn của Bộ Công thương ảnh 1Diễn biến cổ phiếu Sabeco và chỉ số VN-Index trong vòng 1 năm qua tính đến ngày 8/12/2017 (Nguồn: CTCK VN-Direct)

Bên cạnh đó, lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội là hơn 22.709 tỷ đồng, mới chỉ đạt 37,84% kế hoạch.

Nếu tính cả phần nguồn thu dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương thì vẫn chưa đủ.

Có thể thấy, sau phiên đấu giá không mấy thành công tại Becamex và Vinaconex, số tiền mang về từ đợt đấu giá Sabeco (ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng) cũng sẽ được kỳ vọng giúp Chính phủ hoàn thành kế hoạch đề ra bởi Quốc hội, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước trong dài hạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương (BCT), ông Đỗ Thắng Hải, thì BCT có thể thu về 9 tỷ USD từ bán hết vốn ở Sabeco, nhưng đây cũng chỉ là trong trường hợp bán được hết vốn theo đúng kế hoạch mà BCT đã đề ra.

Xét trên tình hình thị trường hiện tại, kết quả phiên đấu giá cổ phiếu SAB sẽ có tác động lớn đến chỉ số, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường và gián tiếp tác động đến thị giá của các cổ phiếu các doanh nghiệp mà Nhà nước đang triển khai thoái vốn trên thị trường chứng khoán cuối năm nay.

Thực tế, với mức giá khởi điểm đã công bố là 320.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E (một l oại chỉ số định giá đơn giản) đạt gần 50 lần (49,67) - cao hơn nhiều so với P/E của các hãng bia nổi tiếng trên thế giới và khu vực, sẽ là mức giá “phi lý” theo định giá thông thường và đối với nhiều nhà đầu tư.

Nhưng nếu nhìn vào kết quả của nhiều phiên chào bán cổ phiếu Nhà nước trong năm nay, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang "ưu ái" hơn cho các cổ phiếu ngành đồ uống, tiêu dùng (như Vinamilk) vốn được hưởng lợi từ thị trường 90 triệu dân, có tầng lớp trung lưu tăng nhanh và văn hóa uống bia thực sự khác biệt với phần còn lại khiến thị trường bia Việt Nam liên tục tăng trưởng (trong bối cảnh ngành bia thế giới đang trong tình trạng bão hòa và có dấu hiệu sụt giảm). 

Danh sách ứng viên ngoại tiềm năng

Các buổi Roadshow được BCT tổ chức tại Singapre và Anh đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia, đã có một số tên tuổi lớn lên tiếng bày tỏ sự quan tâm, tuy nhiên vẫn còn đó các nhà đầu tư “kín tiếng” vẫn có thể làm nên bất ngờ cho thị trường như trong thương vụ của Vinamilk gần đây.

Đầu tiên phải kể đến các hãng bia nước ngoài đang có nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Sapporo, Heineken Việt Nam, AB Inbev đang không ngừng đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất.

Chẳng hạn, Sapporo Việt Nam đã tăng công suất thiết kế từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm. Heineken Việt Nam đang tiến hành nâng cấp nhà máy bia ở Quảng Nam lên 120 triệu lít/năm từ công suất hiện tại 25 triệu lít/năm. AB InBev đã khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm vào tháng 5 năm 2015.

Heineken Việt Nam (Heineken) hiện đang chiếm tới 25% thị phần, chỉ đứng ngay sau Sabeco (Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam) và sở hữu 5% vốn tại Sabeco (theo Reuters), được coi là ứng cử viên tiềm năng nếu doanh nghiệp này muốn nhanh chóng gián tiếp sở hữu thêm 23 nhà máy có công suất lên tới 1,4 tỷ lít bia của Sabeco.

Đại diện của AB InBev, nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, cũng bày tỏ mong muốn gắn bó và làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Sabeco cũng đáp ứng được một số tiêu chí của nhà đầu tư tiềm năng là hãng bia Nhật Bản là Asahi, vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Akyoushi Koji cho biết các mục tiêu được hãng này quan tâm đáp ứng được bốn tiêu chí chính: lợi nhuận cao, giá trị thương hiệu mạnh mẽ, hiệu quả sản xuất và công nghệ pha chế tiên tiến và hoạt động quản trị hàng đầu. Tuy nhiên, ông Koji cũng đánh giá “định giá của Sabeco là quá cao” nên hãng này cũng có thể sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Một số cái tên tiềm năng được tờ Reuters nhắc đến như: Kirin Holdings, Carlsberg và Thai Beverage (một trong những công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi).

Nhắc đến tên của tỷ phú Thái Lan, ông Charoen, nhà đầu tư cũng đang trông chờ vào hành động của tập đoàn Fraser & Neave (F&N) khi tập đoàn này đã nhiều lần bày tỏ đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam; thể hiện qua sự kiên trì đầu tư vào Vinamilk.

Ẩn số Sabeco trước thềm thoái vốn của Bộ Công thương ảnh 2Buổi Giới thiệu Đợt chào bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco (Nguồn: Bộ Công thương)

Tuy nhiên, vẫn còn một số cái tên tiềm năng có thể tham gia mà không báo trước.

Tiêu biểu là trường hợp của “cá mập” Jardine Matheson, khi Tập đoàn này thông qua một số công ty trong cùng “hệ sinh thái” để đầu tư vào Vinamilk có trị giá hơn 1 tỷ USD trong một thời gian ngắn đã gây nhiều bất ngờ cho thị trường.

Đáng chú ý, tập đoàn này cũng là ông trùm trong ngành F&B tại Việt Nam khi cũng có những khoản đầu tư tại KFC, Starbucks, Pizza Hut. Cổ phần Sabeco có thể là mục tiêu tiếp theo nhằm giúp tập đoàn này hoàn thiện “hệ sinh thái” và chuỗi sản phẩm cung ứng tại Việt Nam.

Tập đoàn này cũng đang sở hữu 23,55 % cổ phần tại CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) và nắm giữ 25% cổ phần của CTCP ô tô Trường Hải (THACO). 

Trước khi biết kết quả phiên đấu giá diễn ra ngày 18/12/2017, chưa thể nói trước được điều gì, nhưng nếu nhìn vào các yếu tố cơ bản tại Sabeco và vị thế, chiến lược phát triển của các nhà đầu tư lớn tại nước ngoài thì vẫn còn cơ sở để tạo nên điều bất ngờ cho thị trường.

Một số thông tin cập nhật về việc chào bán cổ phần nhà nước tại Sabeco

Đối tượng tham gia: Tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco;

Số lượng cổ phần mỗi Nhà đầu tư được đăng ký mua tối đa là: 343.662.587 cổ phần (bằng chữ: Ba trăm bốn mươi ba triệu, sáu trăm sáu mươi hai ngàn, năm trăm tám mươi bảy cổ phần) của Nhà nước tại Sabeco (tương ứng 53,59% vốn điều lệ của Sabeco);

Tỷ lệ số cổ phần Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ của SABECO.

Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, Nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 07 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước khi Nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với SABECO đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần SABECO có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật cạnh tranh.