An ninh mạng: Tác động ra sao đến ngành kinh tế kỹ thuật số?

Việc ban hành một bộ luật về an ninh mạng là cần thiết, nhằm ngăn chặn các vấn đề về tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố qua mạng, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của kinh tế Internet. Nhưng nếu không tính kỹ rất có thể sẽ thành rào cản đối với ngành kinh tế kỹ thuật số.
Dự thảo Luật An ninh mạng cần có tính sáng tạo. Ảnh: PV
Dự thảo Luật An ninh mạng cần có tính sáng tạo. Ảnh: PV

Vẫn còn chồng chéo

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo mới đây đã được trình trước Quốc hội. Tuy nhiên, khi dự thảo này được công bố, có nhiều ý kiến cho rằng nếu được thông qua dự thảo Luật này vẫn còn chồng chéo với các luật và văn bản pháp luật khác: Phạm vi của Dự thảo Luật An ninh mạng (Dự thảo Luật) rộng, do đó có thể dẫn tới chồng chéo với các luật và văn bản pháp luật như Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, và Nghị định 72.

Theo tìm hiểu, Dự thảo Luật An ninh mạng (ANM) và Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) có một số nội dung trùng nhau về nội hàm, dù câu chữ có thể khác nhau nhưng nội hàm đều hướng tới bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, dẫn đến việc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng là trùng nhau nhưng các quy định quản lý, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan là khác nhau do điều chỉnh bởi 2 luật khác nhau.

Hệ thống thông tin được chia làm 5 cấp theo tính chất quan trọng và mức độ tổn thất khi bị phá hoại. Trong đó hệ thống thông tin quan trọng về an ninh mạng đang được điều chỉnh tại dự thảo thuộc cấp độ 5.

Từ sự phân cấp này sẽ áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật tương ứng nhằm bảo vệ hệ thống thông tin phù hợp theo cấp độ. Luật ATTTM cũng chủ yếu quy định các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, nội dung quản lý và điều phối ứng cứu và sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan đơn vị trong mạng lưới ứng cứu chủ yếu áp dụng cho hệ thống từ cấp 3 trở lên, như vậy có thể nói, không thể song song có 2 luật.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế kỹ thuật số

Trong dự thảo luật được công bố, có những quy định khiến nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp lo lắng xuất hiện rào cản với nền kinh tế kỹ thuật số là việc yêu cầu doanh nghiệp phải lưu trữ thông tin của người sử dụng cũng như yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông (như những dịch vụ xuyên biên giới của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo Mail, Uber, Grab, YouTube, Twitter), internet phải đặt máy chủ ở Việt Nam.

Theo một số chuyên gia trách nhiệm mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện có thể cản trở tính sáng tạo, đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ Internet và có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.

Đối với yêu cầu đặt cơ quan đại diện, quy định này chưa rõ là cơ quan đại diện ở mức độ nào. Theo Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, thì chỉ cần có đầu mối liên lạc ở Việt Nam để có thể trao đổi theo thời gian thực (điểm c khoản 1 Điều 4).

Việc yêu cầu phải có đại diện pháp lý là hạn chế quyền kinh doanh và không khả thi vì các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà không cần có đại diện tại địa phương, nhất là trong kỷ nguyên số. Đồng thời sẽ hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ và dịch vụ dựa trên việc truyền tải dữ liệu quốc tế của người dùng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị tác động lớn hơn do có ít nguồn lực hơn trong việc tuân thủ về yêu cầu lưu trữ dữ liệu. 

Theo Lao động
https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/an-ninh-mang-tac-dong-ra-sao-den-nganh-kinh-te-ky-thuat-so-577462.ldo