Ăn miếng trả miếng nhau – Cuộc chiến truyền thông Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt

VietTimes -- Trong lúc đại dịch COVID-19 đang từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới, cuộc chiến truyền thông Trung - Mỹ lại leo thang. Đáp lại những hạn chế của Mỹ đối với các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay 18/3 đã tuyên bố thu hồi thẻ hoạt động báo chí của các phóng viên 3 cơ quan truyền thông Mỹ.
Bộ Ngoại giao  Trung Quốc sáng 18/3 đã tung ra những đòn trả đũa mạnh mẽ đối với truyền thông Mỹ (Ảnh: Đông Phương).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 18/3 đã tung ra những đòn trả đũa mạnh mẽ đối với truyền thông Mỹ (Ảnh: Đông Phương).

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 18/3 đã đăng một tuyên bố  của người phát ngôn về việc “Trung Quốc có biện pháp đáp trả Mỹ trong việc đàn áp các cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ”.

Người phát ngôn nói, những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã hạn chế một cách vô lý các hoạt động báo chí bình thường của các cơ quan truyền thông và nhân viên Trung Quốc tại Mỹ. Họ liên tục leo thang trong việc phân biệt đối xử và đàn áp chính trị truyền thông Trung Quốc; đặc biệt là vào tháng 12 năm 2018 Mỹ yêu cầu các cơ quan báo chí Trung Quốc tại đây phải được đăng ký là “đại diện nước ngoài”. Vào tháng 2/2020, 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ đã bị coi là “phái đoàn nước ngoài”, sau đó tiến hành hạn chế số lượng và một số lượng lớn phóng viên Trung Quốc bị Mỹ “trục xuất trá hình”. Khi đó, Trung Quốc đã lập tức đưa ra những tuyên bố phản đối Mỹ về hành động sai trái của họ, đồng thời nhấn mạnh họ có quyền đưa ra biện pháp đáp trả.

Thông báo các biện pháp trả đũa Mỹ trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Thông báo các biện pháp trả đũa Mỹ trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, từ hôm nay, 18/3 sẽ thực thi các biện pháp sau để trả đũa phía Mỹ:

Thứ nhất, đáp lại việc 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ bị liệt kê là “cơ quan ngoại giao”; theo nguyên tắc đối đẳng, Trung Quốc đã yêu cầu 5 phân xã tại Trung Quốc của các cơ quan truyền thông Mỹ bao gồm VOA, The New York Times, The Wall Street Journal, The Washington PostTIME  phải báo cáo với Trung Quốc bằng văn bản mọi thông tin về số nhân viên, tài chính, hoạt động kinh doanh và bất động sản ở Trung Quốc.

Thứ hai, để đáp lại việc Mỹ cắt giảm đáng kể, thực ra là trục xuất nhân viên của các cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ; Trung Quốc yêu cầu các phóng viên của 3 cơ quan The New York Times, The Wall Street JournalWashington Post hết hạn giấy phép hoạt động báo chí ở Trung Quốc vào cuối năm nay phải lập danh sách trình báo Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong vòng 4 ngày kể từ ngày hôm nay (18/3) và nộp lại thẻ báo chí trong vòng 10 ngày. Từ nay về sau, những người này không được phép tiếp tục hoạt động báo chí ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao.

Thứ ba, trước các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử của Mỹ trong việc thị thực, kiểm tra hành chính và gọi hỏi các nhà báo Trung Quốc; phía Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp tương ứng đối với các nhà báo Mỹ ở Trung Quốc.

Trước hành động trả đũa kiểu “ăn miếng trả miếng” này của phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao: “Tuyên bố của họ (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) ám chỉ rằng đây là kết quả của các hành động trước đây của chúng tôi tại Mỹ”. Mike Pompeo nói, 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc mà Mỹ nhắm đến trước đó không phải là các tổ chức truyền thông mà là các kênh tuyên truyền công khai của Trung Quốc. Các biện pháp của hai bên không thể đánh đồng nhau. Ông lấy làm tiếc về động thái hiện tại của Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở tự do báo chí trên thế giới. Mike Pompeo không đề cập tới những biện pháp gì Mỹ sẽ làm tới đây để đáp lại. Ông nói: “Đây là điều thật đáng tiếc. Chúng tôi vừa mới biết những thông tin này. Tôi hy vọng họ sẽ xem xét lại”.

Việc The Wall Street Journal gọi Trung Quốc là "người bệnh châu Á" đã dấy lên cuộc chiến truyền thông giữa hai nước Mỹ - Trung (Ảnh: Đa Chiều).
Việc The Wall Street Journal gọi Trung Quốc là "người bệnh châu Á" đã dấy lên cuộc chiến truyền thông giữa hai nước Mỹ - Trung (Ảnh: Đa Chiều).

Ba cơ quan truyền thông của Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ trước hành động này của Trung Quốc. The Washington Post tuyên bố rằng trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn ra chưa từng có, thông tin đáng tin cậy về quốc tế ứng phó dịch bệnh là rất quan trọng, quyết định của chính phủ Trung Quốc là rất đáng tiếc. The New York Times chỉ ra rằng cách làm của phía Trung Quốc là một sai lầm lớn và hy vọng rằng hai chính phủ Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng làm dịu tranh chấp. The Wall Street Journal chỉ trích Trung Quốc trong lúc khủng hoảng lại có hành động chưa từng có đánh vào tự do báo chí.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ là Tân Hoa xã, Đài Truyền hình Hoàn cầu phát qua internet (CGTN), China Daily, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc CRINhân dân Nhật báo phải cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên tại Mỹ từ tổng số 160 hiện tại xuống còn 100 người.

Liên quan đến các biện pháp trả đũa Mỹ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ.

Thời báo Hoàn cầu cho rằng phản ứng của Trung Quốc lần này đã cho thấy sự tự tin và thẳng thắn, trực tiếp hơn so với trong quá khứ. “Điều này cho thấy quan hệ Trung – Mỹ đã bước sang một giai đoạn mới: Trung Quốc sẽ không còn chịu thua thiệt nữa. Nếu Mỹ chấp nhận đi cùng đường, điều đó tốt; nhưng nếu Mỹ cản trở, Trung Quốc chắc chắn sẽ giáng trả”.

Ngoại trương Mỹ Mike Pompeo: không thế đánh đồng biện pháp đối với báo chí của Mỹ với Trung Quốc (Ảnh: AP).
Ngoại trương Mỹ Mike Pompeo: không thế đánh đồng biện pháp đối với báo chí của Mỹ với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Nhân dân Nhật báo bình luận, tâm lý sai lầm của Mỹ về việc tạo ra mâu thuẫn đang gây nguy hiểm không chỉ cho lợi ích của Trung Quốc và Mỹ, mà cả lợi ích chung của các nước trên thế giới. Ở giai đoạn này, cả Trung Quốc và Mỹ cần quản lý hiệu quả các bất đồng, phải giữ càng nhiều kênh liên lạc càng tốt và không nên chặn các kênh hiện có bằng các hành động có chủ ý, tạo thêm gánh nặng chính trị cho mối quan hệ chung giữa hai bên. Phía Mỹ nên thay đổi lập trường trục xuất trá hình các phóng viên Trung Quốc, gây thêm căng thẳng, sửa chữa sai lầm và đưa ra các lựa chọn có trách nhiệm để đảm bảo sự ổn định trong quan hệ Trung – Mỹ.

Tân Hoa xã cho rằng, việc chính phủ Mỹ đàn áp truyền thông Trung Quốc không những không giải quyết được vấn đề của chính họ, mà còn gửi tín hiệu bất tín tới giới truyền thông toàn cầu, bao gồm cả các đối tác Mỹ, là tự chuốc lấy sự hổ thẹn. Những gì Mỹ nên làm là ngay lập tức thực hiện các bước sửa chữa các hành vi sai trái như dán nhãn phân biệt đối xử trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc, hạn chế số lượng nhà báo Trung Quốc và thiết lập các rào cản thị thực cho các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ...