Ăn gì để “chiến đấu” với ung thư?

VietTimes – Chế độ ăn lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp cho cơ thể hoạt động ở trạng thái tốt nhất, tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật, nhất là đối với bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị. 
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân ung thư điều trị bệnh hiệu quả.
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân ung thư điều trị bệnh hiệu quả.

Khi người bệnh bước vào quá trình điều trị ung thư, việc duy trì mức năng lượng, khả năng chống chọi với các bệnh viêm nhiễm là vô cùng quan trọng. Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ ngăn ngừa sự phá hủy mô cơ thể do khối u cũng mà còn giúp phục hồi, tái tạo các mô mới cho cơ thể.

Dưới đây là 4 lời khuyên về chế độ ăn trong quá trình điều trị ung thư dành cho bạn:

1. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

 

Bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Thay vì ăn thịt hãy thử ăn các loại đậu, đậu Hà lan trong vài bữa mỗi tuần. Nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo, nhất là có nguồn gốc từ động vật. Chọn sữa và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng ít chất béo.

Bạn nên chế biến, nấu nướng thực phẩm phù hợp để giảm lượng chất béo trong bữa ăn.

Cố gắng giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp và duy trì các hoạt động thể chất. Bạn không cần quá lo lắng khi phát hiện thay đổi nhỏ về cân nặng trong quá trình điều trị.

Uống 2,5 cốc nước trái cây thuộc họ cam quýt, các loại rau có màu xanh đậm và vàng đậm mỗi ngày, sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe tự nhiên.

2. Nên bổ sung đồ ăn nhẹ

Salad
Salad

Trong suốt quá trình điều trị ung thư, cơ thể của bạn luôn cần bổ sung thêm lượng calo và protein để duy trì cân nặng cũng như hồi phục cơ thể nhanh chóng.

Nếu bạn bị giảm cân trong quá trình điều trị, mặc dù bữa ăn lành mạnh là cần thiết nhưng một số đồ ăn nhẹ có thể giúp đảm bảo sức khỏe và năng lượng cần thiết.

Dù đây là nguồn thực phẩm không hoàn toàn có lợi nhưng có thể được áp dụng trong một thời gian ngắn trước khi các tác dụng phụ do điều trị biến mất, bạn quay trở về với chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn có thể ăn uống bình thường và duy trì được cân nặng phù hợp thì không cần bổ sung bằng đồ ăn nhẹ.

Bạn nên mang theo những đồ ăn nhẹ giàu protein, dễ chế biến và sử dụng như: sữa chua, sữa và ngũ cốc, bánh Sandwich, một bát soup, phô mai, bánh quy,…Tránh các đồ ăn làm nặng thêm các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Ví dụ: nếu bạn bị tiêu chảy thì không nên ăn bỏng ngô và các loại rau củ quả sống. Khi bị đau họng, bạn cần tránh ăn các loại đồ khô, cứng, hoặc thực phẩm có tính axit.

3. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

 

Thay vì chỉ ăn ba bữa chính như trước đây, bạn hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ ( kèm đồ ăn nhẹ) trong ngày.

Bạn có thể ăn món ăn mà bạn thích bất cứ thời điểm nào trong ngày, ví dụ như bữa ăn sáng bạn có thể áp dụng cho bữa tối nếu như bạn cảm thấy thèm ăn nó.

Cứ vài giờ bạn có thể chủ động ăn, không cần phải đợi đến lúc đói.

Khi bạn cảm thấy đói nhất, hãy coi bữa ăn lúc ấy là bữa ăn chính, ăn được càng nhiều càng tốt.

Nên ăn các loại thức ăn giàu calo và protein như: Các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa các loại, kem có thể ăn kèm các món khác như: khoai tây, bánh mì, rau, trái cây, sinh tố, thịt, súp… ), trứng ( nên ăn trứng được nấu chín kỹ), thịt, cá, các loại đậu, quả và các loại hạt có thể ăn được. Thực phầm nhiều calo: bơ, các sản phẩm sữa, nước sốt trộn salad, một số đồ ngọt (mứt, mật ong, kẹo, kem…).

4. Thường xuyên hoạt động thể chất

 

Hoạt động thể chất có rất nhiều lợi ích bởi nó giúp duy trì sức mạnh, và khả năng chịu đựng của cơ xương. Không chỉ vậy, hoạt động thể chất thường xuyên còn giúp giảm trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi, buồn nôn, táo bón. Đặc biệt, tập thể dục hoặc đi bộ nhẹ nhàng trước bữa ăn sẽ giúp bạn tăng cảm giác ngon miệng.

Vì vậy, trong quá trình điều trị, nếu được, bạn có thể tập những bài tập nhẹ nhàng, 5-10 phút mỗi ngày, và khi bạn có thể cố gắng đạt mục tiêu 150 phút mỗi tuần.

Tuy nhiên, cần phải lắng nghe cơ thể của bạn, để có chế độ tập luyện hợp lý, nghỉ ngơi khi cần thiết.

(Theo American Cancer Society)