Ấn Độ và Pakistan lại ở bên bờ vực xung đột vũ trang

VietTimes -- Ngày 27.2, Pakistan đã tuyên bố đóng cửa không phận sau khi các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ đã bắn hạ 1 chiếc F-16 của Pakistan để trả đũa việc 2 máy bay của họ bị nước láng giềng này bắn rơi. Quan hệ giữa hai quốc gia vốn đã luôn căng thẳng này hiện đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc xung đột mới khiến quốc tế lo ngại.
Quân đội hai nước Ấn Độ và Pakistan đã đụng độ sau vụ 45 binh sĩ Ấn Độ bị chết trong vụ đánh bom liều chết do lực lượng khủng bố thân Pakistan tiến hành.
Quân đội hai nước Ấn Độ và Pakistan đã đụng độ sau vụ 45 binh sĩ Ấn Độ bị chết trong vụ đánh bom liều chết do lực lượng khủng bố thân Pakistan tiến hành.

Hai bên đụng độ từ một vụ đánh bom liều chết

Nguyên nhân của tình trạng căng thẳng lần này bắt đầu từ việc hôm 14.2, lực lượng khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) được cho là Pakistan tài trợ đã tiến hành một vụ đánh bom tự sát tại vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 45 binh sĩ bị chết. Ngày 26.2, Ấn Độ đã cho 12 chiếc Mirage – 2000 oanh tạc các trại huấn luyện của JeM nằm trên phần lãnh thổ Kashmir thuộc về Pakistan. Sau đó Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã ủy quyền cho quân đội nước này “kiên quyết giáng trả toàn diện mọi hành động xâm lược của nước láng giềng Ấn Độ”, dẫn đến các vụ đấu súng qua lại trên biên giới.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết, Ấn Độ quyết định sử dụng không quân oanh kích dựa trên việc Pakistan không có hành động chống các nhóm khủng bố, cũng như có nguồn tin đáng tin cậy cho biết JeM đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công mới tại Ấn Độ. Đến ngày 27/2, quân đội Pakistan tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu Mirage của Ấn Độ và bắt giữ hai phi công trong các cuộc không kích từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Tuy nhiên, Ấn Độ chỉ xác nhận họ mất 1 máy bay và 1 phi công mất tích. Tờ The Times of India ngày 27.2 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Ấn Độ Raveesh Kumar nói, phía Pakistan đã phản ứng lại việc không quân Ấn Độ oanh kích trại huấn luyện quân khủng bố trên lãnh thổ Pakistan bằng cách tấn công các cơ sở của Ấn Độ, nhưng Ấn Độ đã “đánh bại hành động của Pakistan”. Ông Kumar cũng thừa nhận 1 máy bay của không quân Ấn Độ đã mất tích cùng viên phi công, nhưng từ chối trả lời việc có phải người phi công này đã bị Pakistan bắt giữ hay không?

Hiện trường vụ đánh bom liều chết do lực lượng khủng bố JeM tiến hành khiến 45 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng
Hiện trường vụ đánh bom liều chết do lực lượng khủng bố JeM tiến hành khiến 45 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng

Ông Kumar nói, không quân Ấn Độ đã bắn hạ 1 chiếc F-16 của Pakistan, nhưng chiếc máy bay này đã rơi bên phía lãnh thổ Pakistan. Trong khi đó ông Asif Ghafoor, người phát ngôn của quân đội Pakistan nói: 2 máy bay của không quân Ấn Độ đã bị bắn hạ trong hành động của quân đội Pakistanhôm 27.2. 1 chiếc rơi xuống phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát, chiếc còn lại rơi bên phía lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Ông cho biết, lực lượng Pakistan đã bắt được 2 phi công Ấn Độ, trong đó có 1 người bị thương phải đưa vào bệnh viện quân đội Pakistan cứu chữa. Chiều ngày 27.2, Pakistan đã quyết định đóng cửa vùng trời nước này, cấm mọi chuyến bay dân dụng cho đến khi có thông báo mới, khiến hàng trăm chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế bị ảnh hưởng.

Reuters ngày 27.2 đưa tin, Bộ Ngoại giao  Ấn Độ đã ra tuyên bố yêu cầu phía Pakistan đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân viên quân sự  nước này và mong người phi công sớm được trở về với gia đình.

Ngày 27.2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã xuống thang khi lên tiếng bày tỏ đề nghị Ấn Độ tham gia đàm phán và tỏ ý, “hai quốc gia đều có vũ khí hạt nhân, nếu cục diện bắt đầu leo thang từ đây thì sẽ đi đến đâu?”. Ông nói: “Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ không nằm trong sự kiểm soát của tôi hoặc ông Narenda Modi; nếu Ấn Độ muốn tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về chủ nghĩa khủng bố thì chúng tôi đều sẵn sàng. Lý trí cần chiến thắng, chúng ta cần ngồi lại với nhau để đàm phán”.

Trước những diễn biến trên, ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đặc biệt quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi New Delhi và Islamabad giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao. Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cũng đã kêu gọi hai bên kiềm chế và nói Kremli đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình thế.

Quân đội hai bên Ấn Độ và Pakistan đã được đặt trong tình trạng báo động chiến tranh
Quân đội hai bên Ấn Độ và Pakistan đã được đặt trong tình trạng báo động chiến tranh

 Theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 27.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã nói tại cuộc họp báo, tuyên bố lập trường của Trung Quốc trước việc không quân Ấn Độ đánh bom lãnh thổ Pakistan. Ông nói, Ấn Độ và Pakistan đều là các quốc gia quan trọng ở Nam Á, hai bên có quan hệ tốt đẹp sẽ có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Trung Quốc mong muốn hai bên kiềm chế, hành động có lợi chi việc giữ gìn ổn định khu vực và cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà cho biết Anh hiện duy trì liên lạc thường xuyên với cả Ấn Độ và Pakistan, đồng thời hối thúc hai bên đối thoại và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Bà cũng khẳng định Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, bao gồm việc thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tìm cách hạ nhiệt tình hình căng thẳng giữa hai nước.

Nguy cơ đối đầu giữa vũ khí Nga và Trung Quốc

Đài truyền hình RT của Nga hôm 26 đưa tin: sau khi không quân Ấn Độ không kích vào lãnh thổ Pakistan sáng sớm hôm đó, hai nước Ấn Độ - Pakistan đã đứng bên bờ vực xung đột trong khi có sự chênh lệch lớn cả về lực lượng quân sự và sức mạnh kinh tế.

RT nói, tuy hai nước về ngoại giao  được đặt ngang nhau, song Ấn Độ chiếm ưu thế lớn cả về số dân lẫn kinh tế. Năm 2018, ngân sách quân sự của Ấn Độ là 58 tỷ USD trong khi Pakistan chỉ 11 tỷ USD; vì vậy nếu xảy ra xung đột, quân đội Pakistan nhiều lắm cũng chỉ áp dụng sách lược phản công.

Dân chúng Ấn Độ ở biên giới bỏ nhà cửa đi sơ tán do chiến sự xảy ra
Dân chúng Ấn Độ ở biên giới bỏ nhà cửa đi sơ tán do chiến sự xảy ra

Về quân sự, Ấn Độ có 1,2 triệu quân thường trực, Pakistan chỉ có 56 vạn; nếu xảy ra xung đột thì sự chênh lệch lên tới 5 lần. Ấn Độ có 3.500 xe tăng, nhiều hơn Pakistan 1000 chiếc; xe tăng của Ấn Độ phần lớn là T-90 hiện đại của Nga, còn tăng của Pakistan đại đa số là của Trung Quốc.

Ấn Độ có hơn 800 máy bay chiến đấu, mặc dù phần lớn là MIG-21 và MIG-27 được Liên Xô sản xuất từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng có 200 chiếc SU-30 mua từ Nga; Pakistan có 425 chiếc, nhưng phần lớn là các loại cũ của Pháp, Mỹ và Trung Quốc.

Mặt khác, để khắc phục thế yếu về quân sự,Pakistan đã đầu tư rất nhiều tiền để tạo ra lực lượng hạt nhân. Năm 1998, hai bên đều đã tiến hành các vụ thử nghiệm. Hiện Pakistan có khoảng 140 đến 150 đầu đạn hạt nhân, Ấn Độ thì ít hơn khoảng 10 đầu đạn. Tuy Pakistan chiếm chút ưu thế về số lượng đầu đạn hạt nhân, nhưng tầm bắn của các tên lửa mang thì không thể sánh được Ấn Độ.