Ấn Độ: Số ca nhiễm COVID-19 thực tế có thể lên tới nửa tỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ấn Độ đã báo cáo hơn 17,6 triệu ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại con số thực có thể cao hơn tới 30 lần.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai gây ra thảm kịch ở New Delhi và nhiều khu vực khác của Ấn Độ (Ảnh: VOA)
Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai gây ra thảm kịch ở New Delhi và nhiều khu vực khác của Ấn Độ (Ảnh: VOA)

Các nhân viên y tế và nhà khoa học ở Ấn Độ từ lâu đã cảnh báo rằng các trường hợp nhiễm COVID-19 và các trường hợp tử vong liên quan được báo cáo không đầy đủ vì một số lý do, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, lỗi của con người và tỷ lệ xét nghiệm thấp.

Công tác xét nghiệm nghiệm đã đẩy mạnh rất nhiều sau làn sóng dịch đầu tiên. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm thực sự của làn sóng thứ hai đang tàn phá Ấn Độ, có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những con số chính thức được tiết lộ.

Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách ở New Delhi, cho biết: “Mọi người đều biết rằng cả số ca nhiễm và số ca tử vong đều là những con số thấp nhất”.

Ông cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi ước tính rằng chỉ có 1 trong số khoảng 30 trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện bằng cách xét nghiệm, vì vậy các trường hợp được báo cáo là một đánh giá thấp nghiêm trọng về số ca nhiễm thực tế. Lần này, số liệu tử vong có lẽ là những đánh giá thấp nghiêm trọng, và chúng ta đang thấy nhiều trường hợp tử vong hơn ở thực tế nếu so với những gì đã được báo cáo chính thức".

Khi làn sóng đầu tiên bắt đầu giảm vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong thấp là một dấu hiệu cho thấy họ đã thành công trong việc xử lý ổ dịch và ủng hộ quyết định dỡ bỏ một số hạn chế. Theo một thông cáo báo chí vào tháng 8/2020, Thủ tướng Narendra Modi đã ca ngợi những con số thấp này nhằm thúc đẩy "niềm tin của người dân" và dự đoán rằng "toàn bộ đất nước sẽ chiến thắng trong trận chiến chống lại COVID-19".

Theo các mô hình dự đoán từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington, trận chiến đó vẫn đang tiếp diễn, số người chết hàng ngày của đất nước 1,4 tỉ dân dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa tháng 5 năm nay.

Các dự đoán chỉ ra số người chết có thể lên tới hơn 13.000 người/ngày - gấp hơn 4 lần số người chết hàng ngày hiện tại.

Nhà kinh tế học Laxminarayan nói: “Tôi không nghĩ có gia đình nào có thể thoát khỏi cái chết do COVID-19. Mỗi gia đình sẽ có ít nhất 1 người mất đi do COVID-19, đó là điều mà tôi có thể nghĩ đến".

Những ca nhiễm “âm thầm”

Một người đàn ông đứng giữa một lò hỏa táng tập thể các nạn nhân của COVID-19 ở New Delhi, ngày 26/4 (Ảnh: CNN)

Một người đàn ông đứng giữa một lò hỏa táng tập thể các nạn nhân của COVID-19 ở New Delhi, ngày 26/4 (Ảnh: CNN)

Năng lực xét nghiệm của Ấn Độ đã tăng lên đáng kể sau làn sóng dịch đầu tiên. Vào khoảng thời gian này năm ngoái, quốc gia này đã xét nghiệm ít hơn nửa triệu người mỗi ngày so với hiện tại.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng: "Họ đang thực hiện gần 2 triệu xét nghiệm mỗi ngày". Nhưng "điều đó vẫn chưa đủ vì tỷ lệ dương tính trung bình trên toàn quốc là khoảng 15% - ở một số thành phố như Delhi, con số này lên đến 30% hoặc cao hơn", bà cho biết hôm thứ Hai.

"Điều đó có nghĩa là có rất nhiều người ngoài kia bị nhiễm bệnh nhưng chưa được phát hiện do sự hạn chế của khả năng kiểm tra ... chỉ sau này chúng tôi mới biết số người thực sự bị nhiễm là bao nhiêu" – bà Swaminathan nói thêm.

Bhramar Mukherjee, Giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan, cho biết có một vài lý do dẫn đến việc xét nghiệm thiếu. Rõ ràng nhất là những bệnh nhân không có triệu chứng - còn được gọi là "nhiễm bệnh âm thầm" - đơn giản là họ không bao giờ biết mình bị nhiễm, và vì vậy không bao giờ đi xét nghiệm.

Ngoài ra, việc các thành phố và tiểu bang khác nhau có các cấu trúc báo cáo trường hợp khác nhau cùng với việc kiểm tra có thể khó tiếp cận hơn ở các vùng nông thôn, nơi những cư dân nghèo không có đủ thời gian nghỉ làm để đến các trung tâm xét nghiệm COVID, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét nghiệm không đủ.

Cựu Tổng thống Ấn Độ Mukherjee cho biết: “Tất cả các quốc gia ở một mức độ nào đó đều phải đối mặt với vấn đề phân loại chính xác các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, nhưng tôi nghĩ ở Ấn Độ, vấn đề này khá nghiêm trọng”.

Tuy nhiên trên thực tế, các cuộc khảo sát huyết thanh học, kiểm tra các kháng thể trong hệ thống miễn dịch có thể cho biết số người đã tiếp xúc với virus, cũng như cung cấp cho các nhà khoa học một thước đo tốt hơn về số người có thể bị nhiễm.

Nhà di truyền học Swaminatan của WHO cho biết, các cuộc khảo sát quốc gia trước đây cho thấy số người như vậy "cao hơn ít nhất 20- 30 lần so với những gì đã được báo cáo".

Khi áp dụng cho các số liệu được báo cáo mới nhất vào ngày 25/4, ước tính đó có thể nâng tổng số trường hợp của Ấn Độ lên hơn 529 triệu ca.

Số ca nhiễm, ca tử vong chưa chính xác

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Ấn Độ vẫn chưa thống kê chưa chính xác các ca tử vong.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Mumbai, ngày 22/4 (Ảnh: CNN)

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Mumbai, ngày 22/4 (Ảnh: CNN)

Cơ sở hạ tầng y tế công hiếu thốn của đất nước này dẫn đến tình trạng ngay cả trong thời gian bình thường, chỉ có 86% trường hợp tử vong trên toàn quốc được báo cáo trong hệ thống của chính phủ. Theo chuyên gia y tế cộng đồng, Tiến sĩ Hemant Shewade, chỉ có 22% trong số tất cả các trường hợp tử vong đã báo cáo được bác sĩ chứng nhận nguyên nhân tử vong chính thức.

Phần lớn người dân ở Ấn Độ chết tại nhà hoặc những nơi khác, không phải ở bệnh viện, vì vậy các bác sĩ thường không có mặt để chỉ định nguyên nhân tử vong - một vấn đề chỉ mới được đi sâu vào đợt thứ hai, khi các bệnh viện hết chỗ. Bệnh nhân COVID-19 hiện đang chết dần tại nhà, trong xe cấp cứu, hoặc trong phòng chờ và các phòng khám quá tải bên ngoài bệnh viện.

Cũng có những vấn đề về hậu cần, như thiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc do lỗi của con người. Và những vấn đề này thậm chí còn rõ nét hơn ở các vùng nông thôn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tin học Quốc gia về Dịch bệnh, một cơ quan thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) do chính phủ điều hành, cho biết trong một báo cáo đăng tải trên tạp chí Lancet năm 2020 rằng rất khó để đảm bảo từng quốc gia tuân thủ các hướng dẫn để nắm bắt tất cả những ca tử vong được xác nhận và nghi ngờ do COVID-19 gây ra.

Tính đến ngày 25/4, Ấn Độ đã báo cáo gần 198.000 ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, ông Mukherjee ước tính số ca tử vong của Covid có thể được báo cáo thấp hơn với hệ số từ 2 đến 5 - có nghĩa là số người chết thực sự có thể lên tới gần 990.000.

Các chuyên gia cho biêt, số lượng các đám tang tập thể, hỏa táng và thi thể chồng chất đã làm dấy lên nghi ngờ về những cái chết được báo cáo chính thức ở nhiều thành phố trong vài tuần qua. Sự khác biệt một phần có thể là do bệnh nhân chết trước khi họ được xét nghiệm hoặc có các yếu tố không phải Covid được liệt kê là nguyên nhân tử vong của họ.

Cựu Tổng thống Mukherjee cho biết: “Thách thức thực sự với việc tổng hợp những ca tử vong do Covid là vì nguyên nhân cái chết thường được gán cho một bệnh kèm theo như bệnh thận hoặc bệnh tim,” ông Mukherjee nói.

Max Rodenbeck, Giám đốc Văn phòng Nam Á của The Economist, cho biết: “Ở Delhi, ít nhất 3.000 người đã đến dự đám tang trong tuần trước. "Có một lò hỏa táng ở Delhi, đó là một khu đất lớn trong công viên, và hiện đang xây dựng 100 giàn hỏa táng mới ... Đây, một lần nữa, ở thành phố lớn nhất Ấn Độ được chú ý nhiều nhất. Những gì xảy ra bên ngoài Delhi thật kinh khủng".

COVID-19 lây lan khắp các bang

Một người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang đào mộ để chôn cất người chết do COVID-19 ở Gauhati, ngày 25/4 (Ảnh: CNN)

Một người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang đào mộ để chôn cất người chết do COVID-19 ở Gauhati, ngày 25/4 (Ảnh: CNN)

Mukherjee từ Đại học Michigan cho biết, việc báo cáo thiếu có thể là một phần lý do tại sao Ấn Độ phần lớn mất cảnh giác trước làn sóng thứ hai. "Nếu chúng tôi có dữ liệu chính xác hơn về các trường hợp nhiễm, cũng như các ca tử vong, thì tất nhiên, chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn nhiều và cũng dự đoán nhu cầu về nguồn lực chăm sóc sức khỏe”; ông nói.

Đợt bùng dịch thứ hai bắt đầu vào giữa tháng 3, đã tấn công mạnh vào thủ đô New Delhi cũng như bang phía Tây Maharashtra. Vùng lãnh thổ Delhi đã bị phong tỏa vào ngày 19/4, dự kiến lệnh phong tỏa sẽ được kéo dài cho đến ngày 3/5.

Tuy nhiên, số ca nhiễm đang gia tăng ở các bang khác khiến một số nhà chức trách phải áp đặt các hạn chế mới trong nỗ lực tránh thảm họa đã xảy ra ở thủ đô.

Bang phía Nam Karnataka sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm 9 giờ tối trong 2 tuần tới bắt đầu từ 27/4, chỉ các dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ sáng.

Bang phía Bắc Punjab cũng đã công bố các biện pháp tương tự từ ngày 26/4, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa vào cuối tuần. "Hãy kêu gọi tất cả mọi người ở nhà và chỉ bước ra ngoài nếu thực sự cần thiết", Thủ hiến bang viết trên Twitter.

Trong khi đó, các bang và chính quyền địa phương đang tuyệt vọng chờ đợi viện trợ từ chính quyền trung ương và nước ngoài. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Pakistan là một trong số những quốc gia đã tham gia hỗ trợ và gửi các thiết bị y tế cần thiết bao gồm máy thở và oxy.

Theo Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, những chuyến hàng viện trợ đầu tiên từ Vương quốc Anh đã đến Ấn Độ vào hôm 27/4. "Không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn"; ông viết trên Twitter, với hình ảnh viện trợ đang đến.