Ấn Độ “sẵn sàng cho hai cuộc chiến” với Trung Quốc và Pakistan

VietTimes -- Ấn Độ kiên trì chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc và Pakistan, muốn mua sắm xe tăng hạng nhẹ dùng để tác chiến ở khu vực cao nguyên đối phó Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat (trái). Ảnh: AFP.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat (trái). Ảnh: AFP.

Kiên trì chuẩn bị cho “2 cuộc chiến tranh”

Tờ Đại kỷ nguyên dẫn lời Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat ngày 6/9 phát biểu tại “Trung tâm nghiên cứu tác chiến mặt đất” (The Centre for Land Warfare Studies) cho biết Ấn Độ cần làm tốt chuẩn bị cho 2 cuộc chiến tranh tiềm tàng (đối phó với Trung Quốc và Pakistan). Bởi vì, Trung Quốc đang lên gân, mặt khác hy vọng hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan là xa vời.

Tướng Bipin Rawat khẳng định Trung Quốc bắt đầu khoe cơ bắp, thông qua chiến lược “cắt xúc xích”, dùng phương thức “tiệm tiến” để chiếm lãnh thổ Ấn Độ, thách thức giới hạn của Ấn Độ.

Đề cập đến đối đầu Doklam giữa Trung - Ấn ở Doklam vừa qua, tướng Bipin Rawat cho rằng tình hình biên giới miền bắc có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời gian và không gian, nhưng cũng có thể dần dần xảy ra xung đột lớn hơn, thậm chí chiến tranh toàn diện. Pakistan có thể lợi dụng tình hình này để chiếm lợi thế (và tấn công Ấn Độ).

Năm 1962, Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh. Trong khi đó, từ năm 1947 đến nay, Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh, trong đó có 2 cuộc chiến xảy ra ở khu vực Kashmir. Ba nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tướng Bipin Rawat cho rằng khả năng răn đe tin cậy hoàn toàn không loại trừ được mối đe dọa chiến tranh. “Vũ khí hạt nhân là vũ khí răn đe”, nhưng nếu vũ khí hạt nhân có thể ngăn chặn chiến tranh, thì sẽ làm cho các nước không dám phát động chiến tranh. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế của Ấn Độ, điều này có thể không phải là sự thực.

Tướng Bipin Rawat tái khẳng định, Ấn Độ phải làm tốt chuẩn bị, lục quân cần duy trì khả năng tấn công các mối đe dọa từ bên ngoài.

Xe tăng T-90S của Lục quân Ấn Độ.
Xe tăng T-90S của Lục quân Ấn Độ.

Ấn Độ muốn mua xe tăng hạng nhẹ mới

Báo chí Mỹ gần đây dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay lục quân Ấn Độ đã có kế hoạch mua sắm một lô xe tăng hạng nhẹ mới. Đây là một trong những biện pháp đáp trả Trung Quốc thử xe tăng hạng nhẹ tự chế mới ở khu vực cao nguyên vào tháng 7/2017. Đó cũng là một trong những biện pháp dự phòng trước khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc ở khu vực biên giới - cao nguyên.

Được biết, xe tăng hạng nhẹ tự chế của Trung Quốc có thể trang bị một khẩu pháo 105 mm và động cơ 1.000 mã lực.

Hiện nay lục quân Ấn Độ chủ yếu trang bị 3 loại xe tăng chiến đấu lần lượt là T-72, T-90 do Nga chế tạo và xe tăng Arjun tự chế.

Do 3 loại xe tăng này đều dùng để tác chiến ở khu vực sa mạc tiếp giáp với Pakistan, trọng lượng đầy đủ khi chiến đấu của chúng trên 50 tấn, đều không thích hợp với tác chiến ở cao nguyên, miền núi.

Lục quân Ấn Độ cho biết họ cần một loại xe tăng hạng nhẹ kiểu mới, có thể thông qua vận chuyển đường không, triển khai ở khu vực cao nguyên đông bắc. Một quan chức lục quân Ấn Độ nói: "Thứ tự nhu cầu tác chiến đối với loại xe tăng này là có thể triển khai nhanh chóng, khả năng bảo vệ và hỏa lực cơ động".

Các tính năng cụ thể hơn gồm có trọng lượng đầy đủ khi chiến đấu của loại xe tăng hạng nhẹ này giữ ở mức 22 tấn, có thể tác chiến ở khu vực cao nguyên cao 3.000 m so với mặt nước biển.

Về nhu cầu hỏa lực, pháo chính của loại xe tăng này phải có tầm bắn đạt 2.000 m và gây thiệt hại được cho xe tăng chiến đấu và xe bọc thép trang bị thiết giáp hạng nặng và phức hợp của quân địch, đồng thời phải phóng được đạn chống giáp và tên lửa.

Một chuẩn tướng nghỉ hưu Ấn Độ cho biết: "So với xe tăng cải tiến T-72, loại xe tăng hạng nhẹ có thể tác chiến ở khu vực cao nguyên là một sự lựa chọn tốt hơn của lục quân Ấn Độ".

Vừa qua, đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Doklam đã kéo dài gần 10 tuần (73 ngày), là đối đầu chiến lược dài nhất trong vài chục năm qua giữa hai nước. Chỉ đến khi chuẩn bị diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2017, hai bên mới đạt được thỏa thuận rút quân, thực chất là Trung Quốc không muốn hội nghị này bị đổ vỡ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: fmprc.gov.cn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: fmprc.gov.cn

Trung Quốc muốn “chung sống hòa bình”?

Đối với những phát biểu cứng rắn “chuẩn bị cho 2 cuộc chiến tranh tiềm tàng” của tướng Bipin Rawat, ngày 7/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết phát biểu này không biết có được cho phép hay không, là lập trường của cá nhân hay đại diện cho Chính phủ Ấn Độ.

Theo Cảnh Sảng, Trung Quốc và Ấn Độ là láng giềng quan trọng, cũng là hai nước phát triển và mới nổi lớn nhất. Một mối quan hệ lành mạnh, ổn định phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, cũng là mong muốn chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Cảnh Sảng cho biết khi gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Hạ Môn vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần coi nhau là cơ hội phát triển, mong muốn Ấn Độ nhìn nhận đúng đắn sự phát triển của Trung Quốc. Cần cho thế giới thấy rằng chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng là lựa chọn đúng đắn duy nhất của hai nước. Hai bên cần tôn trọng nhau, cầu đồng tồn dị, bảo vệ tốt hòa bình, an ninh khu vực biên giới.

Cảnh Sảng yêu cầu quan chức quân đội Ấn Độ nhìn rõ trào lưu lịch sử, làm nhiều việc có lợi và nói nhiều lời có lợi cho phát triển quan hệ Trung - Ấn.

Được biết, tại Trung Quốc vừa qua, ông Narendra và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng duy trì hòa bình là điều kiện tiên quyết của phát triển quan hệ Trung - Ấn, nhất trí xây dựng quan hệ “hướng tới tương lai” giữa hai nước.