Ấn Độ đưa vào hoạt động robot cảnh sát giao thông

Lần đầu tiên tại Ấn Độ một robot đã được đưa ra đường để làm nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là phân luồng giao thông.
Robot cảnh sát giao thông của Ấn Độ
Robot cảnh sát giao thông của Ấn Độ

Ý tưởng về Robocop hay robot cảnh sát không phải là mới khi hồi giữa tháng 5 vừa qua Dubai đã chính thức cho phép robot tuần tra trên đường phố. Dự kiến tới năm 2030 thì 25% lực lượng cảnh sát Dubai sẽ là robot.

Tại Ấn Độ, việc vi phạm luật giao thông cũng như kẹt xe là vấn đề phổ biến khiến việc đưa vào vận hành robot cảnh sát giao thông để điều tiết lưu thông là rất cần thiết. Robot cảnh sát này cao 4,2m được đặt trên bục cao 2m ngay giao lộ tại đường MR 9, thành phố Indore, bang Madhya Pradesh.

Kể từ khi được chính thức đưa vào sử dụng, người dân trong khu vực đã có nhiều phản ứng khác nhau về robot cảnh sát giao thông này.

"Chuyện này rất là tốt. Nó (robot) sẽ không có lỗi khi phân làn giao thông, ngoài ra nó còn đưa ra lời thách thức đối với bất cứ ai vi phạm luật giao thông", một cựu Tổng thanh tra Cảnh sát cho India Times biết. 

Dù vậy, giá thành của con robot lên tới 1,5 triệu Rs (khoảng 525 triệu đồng) đang là tâm điểm chỉ trích trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng phía cảnh sát cho biết giá thành của con robot trên thực tế đã là rất rẻ. 

Tổng Thanh tra Cảnh sát Thành phố Indore Vipin Maheshwari muốn có những robot phục vụ trong lực lượng của ông ngay khi ông vừa nhậm chức. Ngay sau đó phía cảnh sát đã liên hệ với các công ty công nghệ để giúp chế tạo mẫu robot cảnh sát giao thông theo ý họ nhưng nhận được báo giá quá cao.

Cảnh sát Indore quyết định thay vì giao cho các công ty thì nhờ các viện nghiên cứu khoa học và đại học trong thành phố chế tạo robot. Người đứng đầu dự án này cho biết các sinh viên đã được chia thành nhiều nhóm, tạo ra các phần khác nhau của con robot mà không được biết việc mình đang làm do tính bảo mật của dự án này.

Dù khá "hoành tráng" nhưng robot cảnh sát của Ấn Độ vẫn còn nhiều trục trặc từ khi chính thức vận hành đến nay. Chưa kể vì hiếu kỳ, rất nhiều lái xe đã dừng xe ngay tại vòng xoay để ngắm con robot dẫn đến việc tắc đường hơn trước.

"Đây là một thử nghiệm thành công và robot sẽ tiếp tục ở đó quản lý lưu lượng xe lưu thông mỗi ngày. Chúng tôi có kế hoạch đưa những robot này tới làm việc tại tất cả các giao lộ khác ở Indore", Hari Narayan Chari, Phó Tổng Thanh tra Cảnh sát (DIG) thành phố Indore cho biết.

Robot cảnh sát giao thông của Ấn Độ có thể xoay 360 độ và tạo các tín hiệu tay tương tự như cách cảnh sát giao thông bình thường điều khiển giao thông. Sở cảnh sát Indore nói rằng họ muốn sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời để làm nguồn năng lượng cho robot cảnh sát mới trong tương lai.

Theo Một thế giới
http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cong-nghe-cuoc-song-c-104/an-do-dua-vao-hoat-dong-robot-canh-sat-giao-thong-65789.html