Ấn Độ đưa ảnh lính Trung Quốc sử dụng vũ khí thời trung cổ; học giả Trung Quốc hô hào chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang đổ lỗi cho nhau về vụ nổ súng ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở phía nam Hồ Pangong hôm 7/9, các phương tiện truyền thông Ấn Độ hôm thứ Ba (9/8) đã đăng tải hình ảnh lính PLA đang tiếp cận vị trí của quân đội Ấn Độ với các vũ khí trong đó có súng, gậy sắt, trường đao...
Hình ảnh lính PLA mang súng và gậy gộc, giáo, trường đao kéo đến vị trí của lính biên phòng Ấn Độ hôm 7/9 (Ảnh: Đa Chiều).
Hình ảnh lính PLA mang súng và gậy gộc, giáo, trường đao kéo đến vị trí của lính biên phòng Ấn Độ hôm 7/9 (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 10/9 đưa tin, tờ Times of India tối thứ Ba (8/9) dẫn các nguồn tin chính phủ đưa tin rằng khoảng 50-60 binh sĩ PLA vào tối thứ Hai (7/9) đã có ý đồ tiếp cận các trận địa của quân đội Ấn Độ gần Hồ Pangong ở phía đông Ladakh, nhưng quân đội Ấn Độ đã đáp trả bằng một cách cứng rắn và bên kia (PLA) cuối cùng đã phải rút lui. Báo cáo nói rằng lính PLA được trang bị súng, côn, gậy dài, giáo mác, và thậm chí cả dao gắn vào đầu những cây gậy dài, tương tự như “Quan đao” (đao của Quan Vũ thời Tam Quốc).

Các nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ chỉ ra rằng PLA đêm hôm đó đã chuẩn bị số vũ khí này, có thể định lặp lại vụ xung đột nghiêm trọng bùng phát giữa quân đội hai nước ở thung lũng Galwan tối hôm 15/6. Trong cuộc xung đột tồi tệ nhất ở biên giới Trung-Ấn trong 45 năm qua đó, PLA đã tấn công quân đội Ấn Độ bằng đá, Lang nha côn và gậy sắt, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ; phía Trung Quốc từ chối tiết lộ số người chết và bị thương về phía họ.

Tài khoản mạng xã hội của Đài truyền hình New Dehli đăng hình ảnh lính Trung Quốc mang vũ khí tiếp cận trận địa Ấn Độ (Ảnh: hkgolden).
Tài khoản mạng xã hội của Đài truyền hình New Dehli đăng hình ảnh lính Trung Quốc mang vũ khí tiếp cận trận địa Ấn Độ (Ảnh: hkgolden).

Ông Trương Thủy Lợi (Zhang Shuili), Đại tá, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Tây PLA, hôm thứ Ba (8/9) cáo buộc quân đội Ấn Độ hôm 7/9 đã vượt qua ranh giới Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) một cách bất hợp pháp ở Ladakh và tiến vào khu vực Hồ Pangong, nổ súng uy hiếp các lực lượng biên phòng Trung Quốc có liên quan. Tuy nhiên, sau đó quân đội Ấn Độ đã ra tuyên bố bác bỏ và cáo buộc chính PLA đã cố ý vi phạm thỏa thuận và nhiều lần nổ súng chỉ thiên đe dọa quân đội Ấn Độ, nói quân đội Ấn Độ “vẫn giữ kiềm chế khi đối mặt với các hành động khiêu khích của lính Trung Quốc”.

Trong khi đó, theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 10/9, sau khi xảy ra “vụ nổ súng của quân đội Ấn Độ” phá vỡ kỷ lục 45 năm không có tiếng súng ở biên giới giữa quân đội hai nước, dư luận ngày càng lo ngại về việc xảy ra trận chiến quy mô lớn giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng nếu Ấn Độ dám bắn thì “Trung Quốc cũng phải có quyết tâm và chuẩn bị bắn”.

 Đa Chiều dẫn lại tuyên bố của Chiến khu Miền Tây PLA cáo buộc quân đội Ấn Độ nổ súng hôm 7/9 và quân đội Ấn Độ sau đó ra tuyên bố bác bỏ, nói chính PLA mới là bên nổ súng trước. Sau đó, một số cơ quan truyền thông Ấn Độ đã tiết lộ các bức ảnh chụp lính PLA mang vũ khí.

Lang nha côn - vũ khí thời trung cổ hiện vẫn được trang bị cho lính Trung Quốc (Ảnh: Apple daily).
Lang nha côn - vũ khí thời trung cổ hiện vẫn được trang bị cho lính Trung Quốc (Ảnh: Apple daily).

Theo tờ India Today ngày 8/9, vào tối ngày 7, quân đội Trung Quốc đã cố gắng tiếp cận một trận địa tiền tiêu của Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) gần núi Rezang La. Trong quá trình này, quân đội Trung Quốc đã mang theo các loại vũ khí như súng, gậy, giáo và dao.

Một nguồn tin Ấn Độ cho biết, lý do đêm hôm đó phía Trung Quốc lại mang theo số vũ khí này, có lẽ định tái diễn cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên ở phía đông Ladakh vào ngày 15/6 khiến 20 người trong quân đội Ấn Độ thiệt mạng.

Các cơ quan truyền thông Ấn Độ cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc liên lạc điện thoại cấp lữ đoàn vào ngày 8/9. Khi được hỏi về các loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc sử dụng, một viên đại tá Trung Quốc nói rằng vũ khí cận chiến mà lính của ông mang theo là “một phần của văn hóa võ thuật Trung Quốc”.

Khu vực bờ phía nam Hồ Pangong nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8 đến nay (Ảnh: Đa Chiều).
Khu vực bờ phía nam Hồ Pangong nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8 đến nay (Ảnh: Đa Chiều).

Theo Đa Chiều, trong khi đó, trong dư luận Trung Quốc đã nổi lên những tiếng nói cứng rắn. Ông Lưu Tông Nghĩa (Liu Zongyi), Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “Ấn Độ luôn không nhất quán trong lời nói và việc làm, nay thế này mai thế khác, vừa đàm phán với Trung Quốc, vừa có những hành động vượt qua biên giới; nhưng bị Trung Quốc kiên quyết đáp trả. Ấn Độ cảm thấy chưa đạt được hiệu quả gây sức ép với Trung Quốc và muốn gây sức ép thêm”.

Ông Lâm Dân Vượng (Lin Minwang), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho rằng Trung Quốc trước hết phải tuân thủ nguyên tắc đối đẳng, nếu Ấn Độ dám nổ súng thì Trung Quốc cũng phải kiên quyết và chuẩn bị nổ súng. “Ấn Độ dám nổ phát súng đầu tiên, chúng ta không cần bị ràng buộc bởi luật lệ”.

Lâm Dân Vượng cho rằng “các hành động khiêu khích qua biên giới thường xuyên gần đây của Ấn Độ có nguồn gốc sâu xa từ thực tế là biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa được phân định. Các quốc gia láng giềng duy nhất xung quanh Trung Quốc hiện chỉ còn Ấn Độ và Bhutan chưa được phân giới đầy đủ với Trung Quốc”.

Lâm Dân Vượng cho rằng, “quân đội Ấn Độ nổ súng đe dọa những lính PLA tới đàm phán; động thái của Ấn Độ thực sự là sự phá hoại nghiêm trọng đối với cơ chế kiểm soát biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và là một hành động khiêu khích nghiêm trọng. Trước đây, biên giới Trung Quốc - Ấn Độ có quy luật tương tác cơ bản tương đối rõ ràng: hai bên dụng nhau thì hò hét, giương cao biểu ngữ cảnh cáo nhau, năm nay diễn biến thành xảy ra một số vụ ẩu đả, xô đẩy nhau, rồi dùng khí giới”.

Gậy sắt hàn đinh lính PLA dùng để tấn công lính Ấn Độ trong vụ xung đột ngày 15/6 (Ảnh Đa Chiều).
Gậy sắt hàn đinh lính PLA dùng để tấn công lính Ấn Độ trong vụ xung đột ngày 15/6 (Ảnh Đa Chiều).

Ông nói, “sau sự cố ở thung lũng Galwan vào ngày 15/6 năm nay, lực lượng tuyến trước của lực lượng phòng vệ biên giới Ấn Độ cảm thấy họ bị thua thiệt vì đã bị PLA đánh bại nhiều lần trong quá trình cận chiến đấu tay đôi, dẫn đến có những tiếng nói khác nhau trong nội bộ, cho rằng cần thay đổi quy tắc và phải nổ súng; cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Quốc phòng Singh đều nói rằng Ấn Độ sẽ nổ súng và từ bỏ các quy tắc hiện hành”.

Ngoài ra, ông Lâm Dân Vượng cũng chỉ ra rằng “trong bối cảnh quốc tế Trung Quốc phải đối mặt với sức ép từ Mỹ, Ấn Độ đã chủ động phối hợp với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc nhằm đạt được mục đích sửa đổi đường kiểm soát thực tế, đây cũng là ý đồ chính của Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc phải kiên quyết chống lại các hành động khiêu khích của Ấn Độ và chuẩn bị sẵn sàng cho việc vô tình nổ súng và đụng độ quân sự”.

Theo ông, “Trung Quốc luôn là bên rất kiềm chế và không có ý định nổ ra xung đột quân sự quy mô lớn; tuy nhiên, nếu phía Ấn Độ cố tình gây ra xung đột thì phía Trung Quốc cần phải ra đòn trực diện”.