Ám ảnh nợ nần ở HAGL: 27/90 trang BCTC chỉ để thuyết minh về các khoản vay

VietTimes -- Trong 90 trang báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 của HAG thì đã có tới 27 trang (từ trang 42 đến trang 68) là để dành riêng cho việc thuyết minh các khoản vay. Tương tự, 17/67 trang báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 của HNG (từ trang 32 đến trang 48) cũng là “đất” của các khoản vay.
NỢ có lẽ đang là từ ám ảnh nhất đối với "bầu" Đức lúc này...
NỢ có lẽ đang là từ ám ảnh nhất đối với "bầu" Đức lúc này...

Không lâu sau khi nhận “trát” nhắc nhở lần thứ hai từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, bộ đôi doanh nghiệp niêm yết của “bầu” Đức (Đoàn Nguyên Đức) là CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG) và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HNG) đã tiến hành thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông và các nhà đầu tư.

Cả bốn báo cáo (riêng lẻ và hợp nhất) đều được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Và tại cả bốn biên bản kiểm toán, Ernst & Young đều nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

“Tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất (hay riêng lẻ - PV) giữa niên độ này, Tập đoàn đang trong quá trình chờ nhận được văn bản phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nói trên. Nếu việc tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nói trên không được thực hiện, những vấn đề đã đề cập cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tập đoàn”, hãng kiểm toán nhấn mạnh.

Theo thông tin nêu trên, có thể hiểu là đến ngày lập báo cáo (29/8/2016), đề xuất tái cơ cấu nợ của HAGL vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.

Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2016, sau cuộc họp then chốt giữa các chủ nợ của HAGL, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cơ quan chủ trì cuộc họp này – đã lên phương án trình Thủ tướng Chính phủ, xin nguyên tắc trong trường hợp tái cơ cấu nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Hai điểm đáng lưu ý trong văn bản này là việc xin giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ quan trọng của HAG và xem xét việc tái cấp vốn của NHNN đối với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ những khoản nợ trên. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng, phương án tái cơ cấu nợ vừa nói không có ưu đãi cho những khoản nợ ngoài lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, đối với những khoản nợ như bất động sản, HAG sẽ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng như trên hợp đồng. Không lạ khi trong các thông tin công bố gần đây, HAGL đã rất quyết liệt thanh lý, xử lý các tài sản xấu – bất chấp hậu quả đi kèm là phải ghi nhận những khoản thiệt hại lớn (lỗ khoảng 413 tỷ đồng từ thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM và lỗ 530 tỷ đồng do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả).

Trở lại với báo cáo tài chính của HAG và HNG, tính đến ngày 30/06/2016, tổng tài sản hợp nhất của HAG là 51.106 tỷ đồng, tăng 1.877 tỷ đồng so với đầu năm; Trong khi con số tương ứng ở HNG là 29.497 tỷ đồng, tăng 2.395 tỷ đồng so với đầu năm.

Hệ số nợ (Nợ phải trả/VCSH) của 2 doanh nghiêp, thoạt nhìn, đều không quá căng thẳng – với HAG là 1,82 lần, còn HNG là 1,68 lần.

Tuy nhiên, NỢ có lẽ đang là từ ám ảnh nhất đối với “bầu” Đức và các cộng sự của mình trong lúc này.

Có một chi tiết đáng chú ý, là trong 90 trang báo tài chính hợp nhất bán niên 2016 của HAG thì đã có tới 27 trang (từ trang 42 đến trang 68) dành riêng cho việc thuyết minh các khoản vay. Tương tự, phần thuyết minh các khoản vay cũng chiếm tới 17/67 trang báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 của HNG (từ trang 32 đến trang 48).

Xét theo số tuyệt đối, tổng nợ phải trả của HAG tính đến giữa năm 2016 là 32.996 tỷ đồng, còn tổng nợ phải trả của HNG là 18.495 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn nợ phải trả của hai công ty này lại là các khoản vay ngân hàng.

Thông tin trong báo cáo tài chính cho thấy, cả HAG lẫn HNG đầu đang rất “bí” trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Theo đó, dù đã có rất nhiều khoản nợ, vay được điều chỉnh kỳ hạn nhưng trong vòng một năm tới, số nợ vay phải trả của HAG vẫn lên đến 12.343 tỷ đồng, còn HNG là 4.750 tỷ đồng.

Không chỉ là áp lực thanh toán nợ gốc, trách nhiệm chi trả lãi vay cũng là một vấn đề rất lớn đối với HAGL ở thời điểm hiện tại.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy, tổng chi phí tài chính của HAG trong nửa đầu năm 2016 đã lên đến 888 tỷ đồng, 797 tỷ đồng trong số đó là chi phí lãi vay. Tương tự,  tổng chi phí tài chính của HAG trong nửa đầu năm 2016 đã lên đến 190 tỷ đồng, 161 tỷ đồng trong số đó là chi phí lãi vay.

Tính ra, cứ mỗi một ngày mới đến, chưa cần biết hoạt động ra sao, bộ đôi doanh nghiệp niêm yết của “bầu” Đức đã phải móc két 5,3 tỷ đồng để chi trả lãi vay.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi kết quả kinh doanh của HAG và HNG là khá tệ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, HNG lỗ 559 tỷ đồng, còn HAG lỗ 1.191 tỷ đồng.

X.T