Ai đang là Chủ tịch Eximbank?

VietTimes --  Đó hẳn là một câu hỏi không mới! Cuộc chiến tranh giành chiếc ghế đứng đầu Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã: EIB) vẫn dằng dai suốt hai tháng nay. Có lúc trào sôi, lúc âm ỉ. Nhưng hôm nay - sau cuộc họp HĐQT Eximbank vừa diễn ra - câu hỏi này có lẽ sẽ lại "thời sự".

Chiếc ghế Chủ tịch Eximbank đã trở lại với bà Lương Thị Cẩm Tú?
Chiếc ghế Chủ tịch Eximbank đã trở lại với bà Lương Thị Cẩm Tú?

Trọng tâm của cuộc họp HĐQT này, không gì khác, vẫn xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch Eximbank.

Nhóm triệu tập cuộc họp, như VietTimes từng đề cập, đã nêu rõ cả nội dung dự kiến thảo luận: bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc.

Khi ấy, hẳn HĐQT Eximbank cũng cần phải tìm được người thay thế.

Nhưng đã có một diễn biến bất ngờ - ngay trước ngày họp.

Nếu cổ đông Eximbank được bỏ phiếu tín nhiệm…
Đó là việc ngày 14/5, Tòa án nhân dân Tp. HCM đã ra Quyết định số 159 hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 ngày 27/03/2019 và đình chỉ giải quyết vu án dân sự sơ thẩm thụ lý số 34 ngày 26/3/2019.

Điều này đồng nghĩa rằng, Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank không còn bị "tạm dừng việc thực hiện". Hay nói cách khác, nó lại được "bật" hiệu lực.

Mà theo Nghị quyết này thì HĐQT Eximbank đã quyết nghị:

"Điều 1. Bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với Ông Lê Minh Quốc: HĐQT thông qua bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với Ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019. Ông Lê Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của HĐQT cho Chủ tịch HĐQT mới được HĐQT ngân hàng Eximbank bầu. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực.

Điều 2. Bầu chức danh Chủ tịch: HĐQT thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký."

Vậy có nghĩa, sau Quyết định 159 của Tòa án, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank đã được trả lại cho bà Lương Thị Cẩm Tú.

Nữ thành viên duy nhất trong HĐQT Eximbank sẽ bước vào phiên họp với tư cách và thẩm quyền của người đứng đầu HĐQT, chứ không phải ông Lê Minh Quốc.

Đồng nghĩa, thẩm quyền ký ban hành các Nghị quyết HĐQT Eximbank trong phiên họp HĐQT này phải là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Đáng nói, đối thủ của bà Tú - ông Lê Minh Quốc lại là người góp công chính trong việc thúc đẩy Tòa án ra Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (qua đó, loại chính ông khỏi ghế Chủ tịch HĐQT).

Ngày 14/5/2019, bà Đinh Thị Huyền Khanh đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lê Minh Quốc có đơn đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 của TAND Tp. HCM vì căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn” - Quyết định số 159 cho biết căn cứ của việc hủy bỏ Quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92.

Phải chăng ông Quốc "việt vị" bởi chính quyết định của mình hay bản thân ông cũng chưa lường trước được việc Tòa án đã nhanh chóng chấp thuận đề nghị của ông ngay trong ngày 14/5 - trước thềm họp HĐQT (?!).

Ai đang là Chủ tịch Eximbank?

Trao đổi với VietTimes cuối giờ chiều nay 15/5, bà Lương Thị Cẩm Tú khẳng định bà đang là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank.

Về cuộc họp HĐQT vừa diễn ra, bà Tú cho hay, cuộc họp đã có sự tham dự của đủ 10/10 thành viên HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, việc thiếu đồng thuận và khác biệt trong quan điểm khiến cuộc họp phải tạm dừng mà không đạt được kết quả đáng kể, dù đã kéo dài thông trưa sang chiều.

"Hôm nay cuộc họp chưa xong, chưa có gì xong xuôi hết cả, vẫn chưa ra được biên bản", người đang giữ vai trò Chủ tịch Eximbank nói.

Ông Lê Minh Quốc nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Eximbank. Nhưng với Quyết định 159 của Tòa án Nhân dân Tp. HCM thì Nghị quyết 112 của HĐQT Eximbank sẽ tự động "bật" hiệu lực trở lại, đồng nghĩa, bà Lương Thị Cẩm Tú đã thay ông Quốc ở chiếc ghế lãnh đạo cao nhất Eximbank từ ngày 22/3.
Ông Lê Minh Quốc nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Eximbank. Nhưng với Quyết định 159 của Tòa án Nhân dân Tp. HCM thì Nghị quyết 112 của HĐQT Eximbank sẽ tự động "bật" hiệu lực trở lại, đồng nghĩa, bà Lương Thị Cẩm Tú đã thay ông Quốc ở chiếc ghế lãnh đạo cao nhất Eximbank từ ngày 22/3.

Để có thông tin đa chiều về cuộc họp này, PV VietTimes cũng đã liên hệ với ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên HĐQT Eximbank.

Ông Tùng xác nhận việc tham dự cuộc họp nhưng "lăng kính" của thành viên HĐQT này về kết quả cuộc họp lại có phần khác với bà Lương Thị Cẩm Tú.

"Kết quả buổi họp hôm nay là tích cực, đã giải quyết được một số vấn đề. HĐQT thống nhất 100% việc dừng hiệu lực của Nghị quyết 112", ông Tùng chia sẻ và cho biết một nội dung rất đáng chú ý khác: "Anh Quốc (ông Lê Minh Quốc - PV) xin từ nhiệm và HĐQT đã chấp nhận cho anh ấy từ nhiệm".

Eximbank: Ông Ngô Thanh Tùng thay ông Lê Minh Quốc thực hiện quyền của Chủ tịch HĐQT từ 8/5
Trước câu hỏi của PV về việc ai là Chủ tịch Eximbank sau sự từ nhiệm của ông Quốc, ông Ngô Thanh Tùng cho hay: "Các thành viên HĐQT vẫn đang xem xét vị trí Chủ tịch và có lẽ sẽ cần thêm thời gian".

Bằng chất giọng từ tốn và một thái độ cởi mở, ông Ngô Thanh Tùng cho biết bản thân đánh giá cao sự từ nhiệm của ông Lê Minh Quốc: "Đó là một quyết định dũng cảm, vì cái chung".

Ông Ngô Thanh Tùng cũng đề cao năng lực của tất cả các đồng sự trong HĐQT Eximbank và cho biết đó đều là những người giỏi, có tài.

Tuy vậy, theo vị thành viên HĐQT đang hành nghề luật sư này, với bối cảnh của Eximbank thì người phù hợp để giữ trọng trách Chủ tịch HĐQT không chỉ cần giỏi mà còn phải hội tụ năng lực quản trị tốt, có uy tín và đặc biết là "phải biết hài hòa được lợi ích của các cổ đông, chứ không chỉ thiên về một nhóm nào".

Một lần nữa, ông Tùng kêu gọi đội ngũ lãnh đạo Eximbank và các nhóm cổ đông vượt qua những "lăng kính" khác biệt, bắt tay đoàn kết, thống nhất, vì sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Trước câu hỏi của PV rằng HĐQT Eximbank có ra được Nghị quyết để cụ thể hóa việc thông qua nội dung miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc và dừng Nghị quyết 112, ông Tùng bỏ ngỏ và cho hay: "Tôi chỉ khẳng định là các thành viên đã biểu quyết 100%. Đó là một tín hiệu tích cực".

Như vậy, có thể thấy nhận thức về kết quả cuộc họp HĐQT Eximbank giữa bà Lương Thị Cẩm và ông Ngô Thanh Tùng ít nhiều có những khác biệt. Để có cái nhìn đầy đủ và đa chiều hơn, PV VietTimes đã liên hệ với một thành viên khác trong HĐQT Eximbank, đó là ông Lê Văn Quyết.

Ông Quyết cho biết bản thân có tham dự cuộc họp nhưng đã về sớm. "Tôi không rõ kết quả, vì tôi có việc nên ra sớm rồi" - đây có thể là một cách trả lời khéo léo của ông Quyết với PV, tuy nhiên, nó cũng ít nhiều phản ánh sự kéo dài (và cả căng thẳng) của cuộc họp HĐQT Eximbank vừa diễn ra.

"Anh nên gọi cho Chủ tịch cũ và Chủ tịch mới thì tốt hơn", vị thành viên HĐQT và cũng mới hết hợp đồng Tổng Giám đốc với Eximbank (đang chờ tái ký) gửi lời khuyên. Trước câu hỏi của PV rằng cụ thể là nên gọi cho ai thì ông Quyết cho rằng, đó là ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Theo lời khuyên, PV cũng đã liên hệ tới số điện thoại của ông Lê Minh Quốc nhưng không có người bắt máy.

"Xem xét" Nghị quyết 112, chứ không phải "dừng"!

Thực tế, trong Thông báo triệu tập cuộc họp HĐQT Eximbank, 5 thành viên HĐQT - gồm các ông Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải, Cao Xuân Ninh, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki - đã đề xuất 5 nội dung thảo luận.

Bên cạnh các nội dung Bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc, Bầu Chủ tịch mới; Xem xét thông qua các thủ tục pháp lý cho việc gia hạn chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Văn Quyết - thành viên HĐQT Các nội dung khác  (nếu có), thì chương trình họp dự kiến còn bao gồm cả nội dung: "Xem xét Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT".

Nội dung này thậm chí còn xếp đầu trong danh sách 5 nội dung thảo luận.

Có lẽ nên nhấn mạnh lại về từ ngữ mà nhóm triệu tập cuộc họp (không có tên bà Lương Thị Cẩm Tú) đã dùng. Là "xem xét" chứ không phải "dừng"!