Ai đang can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus?

VietTimes – Ngày 28/8/2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin sẵn sàng giúp Belarus ổn định tình hình là sự can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus và sẽ khởi động sự can thiệp của các nước khác vào quốc gia này. Vậy, trên thực tế, ai đang thực sự can thiệp vào cuộc khủng hoảng Belarus?
Tổng thống V.Putin trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình  "Russia-1" về sự giúp đỡ của Nga giành cho Belarus  (Ảnh: TASS)
Tổng thống V.Putin trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình "Russia-1" về sự giúp đỡ của Nga giành cho Belarus (Ảnh: TASS)

Về tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin

Ngày 27/08.2020, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình  "Russia-1" Tổng thống Nga V.Putin cho biết, đáp ứng yêu cầu của Tổng thống A.Lukashenko, một lực lượng bảo vệ pháp luật của Nga đã được thành lập để sẵn sàng giúp chính quyền Belarus ổn định tình hình.

Tuy nhiên, ông Putin cho biết, lực lượng này chỉ được triển khai để giúp Belarus bảo đảm an ninh trong trường hợp các lực lượng đối lập cực đoan núp dưới các khẩu hiệu chính trị để tiến hành các hoạt động phá hoại như đốt xe ô tô, đập khá nhà cửa, cướp ngân hàng và các cơ quan công quyền của Belarus. Ông Putin cũng lưu ý, nhiều thế lực bên ngoài đang muốn tác động các quá trình chính trị ở Belarus xuất phát từ những toan tính chính trị của họ. Theo Tổng thống Putin, hiện nay tình hình căng thẳng ở Belarus chưa leo thang tới mức vượt ra khỏi tầm kiểm soát và ông hy vọng sẽ không phải triển khai các lực lượng bảo vệ pháp luật của Nga để giúp Belarus ổn định tình hình.

Tổng thống Belarus A.Lukashenko cầm súng tại dinh thự, thể hiện quyết tâm ổn định tình hình (Ảnh EAD)
Tổng thống Belarus A.Lukashenko cầm súng tại dinh thự, thể hiện quyết tâm ổn định tình hình (Ảnh: EAD)

Nga giúp Belarus không phải là hành động can thiệp

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định của Tổng thống Putin chuẩn bị sẵn lực lượng bảo vệ pháp luật để giúp Belarus ổn định tình hình là “sự can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus” và do đó sẽ khởi động sự can thiệp của các nước khác vào quốc gia này. Trên thực tế, hành động của Nga trợ giúp về an ninh cho Belarus là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Nga và Belarus.

Tổng thống Putin giải thích, về phương diện pháp lý, Nga có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho Belarus dựa trên cơ sở Hiệp ước về nhà nước liên minh Nga-Belarus (ký năm 1999) và Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) (ký năm 2002, gồm các nước thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Tajikistan). Theo đó, tất cả các quốc gia thành viên của các tổ chức này có nghĩa vụ giúp đỡ nhau trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biên giới và duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Tổng thống Putin cho biết thêm, trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống A.Lukashenko, ông đã đảm bảo rằng Nga sẽ thực hiện đến cùng tất cả nghĩa vụ của mình theo các hiệp ước mà hai nước đã ký kết.

Như vậy, nếu Nga đưa lực lượng bảo vệ pháp luật tới giúp Belarus ổn định tình hình an ninh-chính trị là hoàn toàn hợp pháp. Còn nếu các nước khác mượn cơ đó để đưa quân can thiệp vào tình hình Belarus là hoàn toàn phi pháp. Chính vì thế, vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã có 2 cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông yêu cầu phương Tây không can thiệp vào tình hình khủng hoảng ở Belarus.

Trên thực tế, phương Tây can thiệp vào nội tình của Belarus

Sự can thiệp của phương Tây vào nội tình của Belarus diễn ra từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống kết thúc vào ngày 9/8/2020. Chính phủ các nước Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia - thành viên của NATO - không hề che dấu sự can thiệp này. Trong đó, Ba Lan đã tài trợ hàng chục triệu USD cho nhiều phương tiện truyền thông của Belarus để tuyên truyền và kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hình thành xu hướng chống phá Nga trong xã hội Belarus. Lợi dụng chính sách ngoại giao đa phương của Tổng thống A.Lukashenko, các tổ chức phi chính phủ của phương Tây đã từng tài trợ và nuôi dưỡng các phần tử đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng đối lập ở Belarus, đồng thời thành lập các chính phủ Belarus lưu vong ở nước ngoài để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đảo chính ở Belarus trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Chính vì thế, kết quả cuộc bầu cử tổng thống kết thúc vào ngày 9/8/2020, theo đó đương kim Tổng thống Belarus A.Lukashenko giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ chính của ông là ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya, là “cúc sốc kinh hoàng” đối với phương Tây. Ngay lập tức, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham - người đứng đầu Ủy ban pháp lý của Thượng viện Hoa Kỳ - cho biết, Hoa Kỳ và EU cần áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm đưa Tổng thống Belarus A.Lukashenko ra trước công lý để ông ta giải trình về “sự gian lận trong bầu cử” và việc sử dụng bạo lực nhằm vào các lực lượng đối lập.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Ireland, Estonia, Latvia và Litva ra tuyên bố chung kêu gọi nhà chức trách Belarus ngừng ngay các hành động mà họ cho “đàn áp các đối thủ chính trị” và “vi phạm nhân quyền”. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ những người gây bạo loạn ở thủ đô Minsk của Belarus. Trước động thái trên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova phải lên tiếng lưu ý hành động bạo lực của nhà cầm quyền Pháp đối với những người biểu tình “áo vàng” khi họ chỉ đưa ra các yêu sách hòa bình chính đáng.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova: Pháp nên lưu ý hành động bạo lực đối với những người biểu tình “áo vàng” trước khi chỉ trích Belarus trấn áp các lực lượng đối lập (Ảnh TASS).
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova: Pháp nên  lưu ý hành động bạo lực đối với những người biểu tình “áo vàng” trước khi chỉ trích Belarus trấn áp các lực lượng đối lập (Ảnh TASS).  

Tổng thống Emmanuel Macron còn đề nghị Pháp sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Tổng thống A.Lukashenko với các lực lượng đối lập. Về đề xuất này, Tổng thống A.Lukashenko bình luận có phần mỉa mai rằng, chừng nào Tổng thống Emmanuel Macron đề nghị Belarus đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính quyền của ông với phong trào “áo vàng” thì khi đó Belarus sẽ chấp nhận vai trò trung gian của Pháp!

Từ Belarus nhìn lại hành động sự can thiệp của các nước ở Syria

Tháng 6/2014, ở Syria nổi lên tổ chức khủng bố cực kỳ tàn bạo  mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). Núp dưới khẩu hiệu “chống khủng bố”, ngày 10/9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập liên minh gồm gần 60 nước do NATO đóng vai trò chủ đạo để chống IS ở Syria. Đây là quyết định vừa vi phạm luật pháp quốc tế, vừa can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền bởi hai lẽ.

Lẽ thứ nhất, quyết định việc Mỹ thành lập liên minh chống IS ở Syria được đưa ra trước khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết chống khủng bố vào ngày 25/9/2014. Nghĩa là, hành động của Mỹ “tiền trảm hậu tấu”. Lẽ thứ hai, theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố, để tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ bất kỳ quốc gia nào thì nhất thiết phải theo yêu cầu của quốc gia đó. Liên minh chống khủng bố do NATO đóng vai trò chủ đạo ngang nhiên ném bom, bắn phá các mục tiêu trên lãnh thổ Syria không được yêu cầu của  chính quyền Damascus và do đó vi phạm luật pháp quốc tế.  

Còn quyết định của Tổng thống Putin tiến hành chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria vào ngày 30/9/2015 là hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và không thể coi là hành động can thiệp, cũng bởi hai lẽ. Lẽ thứ nhất, chiến dịch này của Nga ở Syria được phát động là để thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố. Lẽ thứ hai là, Nga nhận được đề nghị chính thức của Tổng thống Bashar al-Assad giúp Syria chống khủng bố.

Vì thế, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố, sự hiện diện của các lực lượng chống khủng bố trên lãnh thổ Syria do Mỹ đứng đầu không chỉ là sự can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền mà còn là hành động xâm lược. Theo Tổng thống Bashar al-Assad, ở Syria đang diễn ra “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”, trong đó số nước tham gia đã lên tới hơn 90 nước (liên minh do Mỹ đứng đầu gần 60 nước, liên minh do Arab Saudi đứng đầu gần 30 nước và liên minh do Nga đứng đầu có Iraq, Syria, Iran và lực lượng tình nguyện của Palestine) - nghĩa là nhiều hơn cả số nước tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ I và Chiến tranh thế giới lần thứ II.