AI có thể phát động chiến tranh hạt nhân, nhưng chỉ khi chúng ta cho phép nó

Liệu rằng, AI có đủ sự khôn ngoan để thoát khỏi sự kiểm soát của con người và bí mật châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân, đe dọa tới sự sống còn của nhân loại?

Máy tính ngày nay có thể tham gia vào nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực quân sự, bao gồm kiểm soát các phương tiện hay hệ thống radar.

Nhưng có một thứ chúng ta không được quên, máy tính có thể kiểm soát cả vũ khí. Sẽ ra sao nếu con người ngày càng lạm dụng trí tuệ nhân tạo, thậm chí trao những quyền hạn cao nhất cho máy tính thực hiện như kiểm soát vũ khí hạt nhân?

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Các chuyên gia mới đây cảnh báo, các loại vũ khí dưới sự điều khiển của AI có thể đe dọa tất cả chúng ta trong tương lai không xa. Thời điểm có thể xảy ra rơi vào năm 2040 khi những tiến bộ công nghệ đủ mạnh.

Theo Futurism, chủ đề của bài viết Project 2040 vừa được đăng tải trên trang blog của RAND, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu an ninh quốc gia đã tiết lộ một nguy cơ tiềm tàng khi AI có thể khởi động một cuộc chiến hạt nhân.

Tất nhiên AI không nhất thiết phải gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Chúng sẽ chỉ phát động cuộc chiến nếu con người mong muốn điều đó. Nói cách khác, dù có muốn hay không, AI sẽ chỉ đưa ra được quyết định lịch sử đó khi có bàn tay thao túng của con người.

Phần lớn bài viết nói về máy tính siêu thông minh có khả năng biến đổi khi một quốc gia quyết định phóng tên lửa hạt nhân. Các nhà nghiên cứu hình dung, siêu máy tính có thể sẽ theo dõi các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, phóng vũ khí hạt nhân trước khi bị kẻ địch tấn công, thậm chí triển khai các cuộc tấn công trả đũa.

Nhưng đó chưa phải mối lo lớn nhất. Bài viết có đề cập đến việc AI có thể tham mưu cho con người về thời điểm phóng tên lửa. Đặc biệt còn có một niềm tin khá mạnh mẽ cho rằng, con người sẽ sớm phó thác toàn bộ quyết định về sự sống chết cho AI trong tương lai không xa.

Tập đoàn RAND đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo với nhiều chuyên gia giấu tên trong lĩnh vực an ninh quốc gia, vũ khí hạt nhân và trí tuệ nhân tạo. Mục đích của những cuộc hội thảo này nhằm đưa ra các giả thuyết về sự tiến hóa của AI và mối liên hệ với chiến tranh hạt nhân.

Khi con người ngày càng phụ thuộc vào AI trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự. Chúng ta sẽ cần phải nghiêm túc xem xét vì chỉ một sai sót rất nhỏ, AI có thể sẽ đe dọa tới an ninh hạt nhân, xa hơn là an ninh toàn cầu và các mối quan hệ đồng minh, thù địch trên thế giới.

Andrew Lohn, một kỹ sư tại RAND và đồng tác giả nghiên cứu khẳng định: "Đây không chỉ là một kịch bản. Những điều tưởng chừng khá đơn giản có thể khiến chúng ta nguy hiểm nếu không cẩn thận".

Edward Geist, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu chính sách liên kết tại RAND khẳng định, mối liên hệ giữa chiến tranh và AI không có gì mới mẻ.

Ông nói: "Mối liên hệ giữa chiến tranh hạt nhân và AI không phải điều gì mới. Trên thực tế, cả hai đã có lịch sử gắn bó với nhau. Phần lớn sự phát triển sớm của AI chủ yếu để hỗ trợ các nỗ lực quân sự".

Cho tới khi viễn cảnh đó trở thành sự thật, tạm thời chúng ta có thể yên tâm vì trí tuệ nhân tạo hiện còn rất nhiều thiếu sót. Tuy chúng đang làm rất tốt các nhiệm vụ trong đời sống, nhưng quản lý và phụ trách hệ thống hạt nhân là điều chưa thể làm được ở thời điểm hiện tại.

Tóm lại AI vẫn đang là một thứ do con người kiểm soát. Dù chưa rõ chúng có thể biến đổi và vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hay không nhưng sự cảnh giác chưa bao giờ là thừa nếu AI thực sự có cảm xúc và suy nghĩ.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2474725/ai-co-the-phat-dong-chien-tranh-hat-nhan-nhung-chi-khi-chung-ta-cho-phep-no