80% trường hợp tử vong do dại là ở miền bắc

VietTimes -- Sáng 6/8 tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam.
Ông Đăng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị
Ông Đăng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị

Hội nghị thảo luận về vai trò của các bên liên quan trong công tác phòng chống dại; kinh nghiệm về phòng chống bệnh dại tại địa phương; các khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống bệnh hiện nay; các hoạt động ưu tiên cần triển khai trong thời gian tới.

Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 46 ca mắc bệnh dại của 7 tháng đầu năm 2019, có 30 ca phân bố ở khu vực miền bắc. Năm 2018, cả nước có 103 ca bệnh dại, thì miền bắc có tới 58 ca, tức là chiếm tới hơn 50% số ca.

Tuy số ca mắc bệnh dại duy trì ở mức khoảng 100 ca/năm từ 2010 đến nay, song số người chết vì bệnh dại vẫn chiếm phần lớn trong tổng số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, liên tục từ 2008 đến 2019. Thậm chí khi dịch sởi bùng phát vào năm 2014, bệnh dại vẫn có số lượng người tử vong cao đứng thứ 2.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dại tại địa phương.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dại tại địa phương.

Ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt một số kết quả nhất định với số ca tử vong giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017.

Tuy nhiên, vào năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột diễn biến phức tạp với số người tử vong là 103, tăng hơn so với năm 2017 là 39%. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại; 80% trường hợp tử vong do dại nằm ở các tỉnh khu vực phía bắc, trong đó, Sơn La có số ca tử vong vì mắc bệnh dại cao nhất năm nay, chiếm 16 trường hợp.

“Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các trường hợp tử vong thường do thiếu hiểu biết về việc phòng, chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vaccine. Bệnh thường xảy ra ở vùng sâu, vùng núi nơi người dân còn có thói quen nuôi chó thả rông, không đi tiêm phòng cho chó” – Ông Đặng Quang Tấn nói.

Tờ rơi truyền thông về các cách xử trí khi bị chó, mèo cắn
Tờ rơi truyền thông về các cách xử trí khi bị chó, mèo cắn

Những con số thống kê này chỉ ra thực trạng về việc người dân chưa có ý thức phòng bệnh, việc quản lý đàn chó còn bị buông lỏng; việc tiếp cận vaccine điều trị dự phòng bệnh dại ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới còn khó khăn; nhận thức của người dân về phòng, chống dại còn hạn chế.

Bệnh dại ở người là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, bệnh gây tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay tại Việt Nam. Thông qua hội nghị, các chuyên gia y tế, nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng, chống bệnh, giúp khống chế và tiến tới loại trừ căn bệnh nguy hiểm này trong tương lai.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn.

Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh dại, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần có ý thức quản lý đàn chó, tiêm vaccine cho chó định kỳ nhằm phòng, tránh căn bệnh nguy hiểm này.