8 ngày Tết: 45.622 người nhập viện vì tai nạn giao thông, 5.303 ca cấp cứu do đánh nhau

VietTimes – 5.303 ca cấp cứu do đánh nhau trong dịp nghỉ Tết 8 ngày vừa qua, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, tăng thêm gần 2.000 người chỉ trong 3 ngày cuối cùng của kỳ nghỉ. Trong số này, gần 60% trường hợp phải nhập viện điều trị và đã có 15 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, 45.622 trường hợp bị tai nạn giao thông phải nhập viện  cấp cứu, chiếm 14,3% tổng số cấp cứu trong dịp Tết. Trong đó 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện.

Đây là những con số mới nhất về tình hình khám, chữa bệnh (KCB) trong dịp Tết Kỷ Hợi mà Bộ Y tế báo cáo Chính phủ vào hôm nay (11/2).

Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, ngoài số đánh nhau, tai nạn giao thông, còn có 313 trường hợp phải cấp cứu do pháo nổ, nhưng may mắn không có trường hợp tử vong. Cả nước cũng đã có 3.281 ca ngộ độc thức ăn phải nhập viện, chiếm 1,0% trong tổng số khám, cấp cứu. Đặc biệt, có 817 ca ngộ độc rượu, bia, 738 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Bộ Y tế cũng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận điều trị 122.413 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở KCB đều tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, tổ chức khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 208.392 trường hợp, chuyển viện 17.514 trường hợp, thực hiện 19.954 ca phẫu thuật, trong đó 441 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não. Các cơ sở y tế cũng đã điều trị khỏi cho 169.747 người bệnh để được xuất viện về nhà, đồng thời, đón 26.069 trẻ chào đời.

Trong những ngày nghỉ Tết, các bệnh viện đều tổ chức tốt việc cấp cứu, KCB cho nhân dân, không để người bệnh thiếu thuốc, dịch truyền, máu, chế phẩm với việc bảo đảm dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết.

Các bệnh viện cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế là bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Ở các bệnh viện có bệnh nhân phải nằm điều trị trong dịp tết, đều tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh, trong đó, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách.

1.400 cơ sở y tế trong cả nước đều tổ chức thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết để chủ động giám sát kịp thời diễn biến bất thường. Thông qua hệ thống báo cáo trực tuyến, Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cũng như Sở Y tế 63 tỉnh thành đã chủ động nắm bắt tình hình để tổng hợp báo cáo Chính phủ, đồng thời, chia sẻ số liệu cho các cơ quan liên quan.

8 ngày Tết: 45.622 người nhập viện vì tai nạn giao thông, 5.303 ca cấp cứu do đánh nhau.
8 ngày Tết: 45.622 người nhập viện vì tai nạn giao thông, 5.303 ca cấp cứu do đánh nhau.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm tình hình dịch bệnh trong những ngày Tết vừa qua: Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã xuất hiện 2 trường hợp viêm phổi nặng do virus. Một là bệnh nhân nam ở Hà Nội nhập viện ngày 1-2 và một bệnh nhân nam khác ở Quảng Ninh nhập viện vào ngày 4-2 sau 3 ngày khởi phát. Kết quả xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân bị đồng nhiễm cúm A(H1N1) và cúm B- là các chủng cúm mùa thông thường. Hiện các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại bệnh viện.

Trong 8 ngày Tết, cả nước có 525 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có ca nào tử vong. Số bệnh nhân chủ yếu tại một số tỉnh khu vực phía Nam, không có tỉnh nào có số mắc tăng đột biến. Tuy nhiên, tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn cao khi có tới 2.641 trường hợp được phát hiện trong đó là một người bị tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù cả những đã triển khai tiêm phòng rất quyết liệt nhưng vẫn ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như: MERS-CoV, Ebola, Zika, H7N9, bại liệt, viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân... Các đơn vị cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và các bệnh mùa đông xuân có nguy cơ bùng phát./.