8 năm, 5,5 triệu lượt kê khai tài sản chỉ 18 cán bộ bị xử lý

Theo Thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong 8 năm (2007-2014) có tổng cộng trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, các cơ quan chức năng đã xác minh 2.632 trường hợp. Nhưng chỉ xử lý kỷ luật được 18 cán bộ.
8 năm, 5,5 triệu lượt kê khai tài sản chỉ 18 cán bộ bị xử lý

Theo Thanh tra Chính phủ, đến nay đã có hơn 1 triệu người có nghĩa vụ kê khai đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã từng bước được hình thành, hoàn thiện và đi vào nề nếp, đồng thời là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Tuy nhiên, sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, các quy định về kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

“Việc thực hiện hoạt động này trên toàn quốc trong thời gian qua còn bị động, thủ công và tốn nhiều công sức, thời gian cho cả các cơ quan thực hiện công tác kê khai cũng những người có nghĩa vụ phải kê khai. Việc trao đổi, thông tin dữ liệu về kê khai minh bạch chưa thường xuyên và chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước”- Thanh tra Chính phủ nhận định.

Cơ quan thanh tra cho rằng, bắt nguồn từ việc chưa xem kê khai minh bạch tài sản là một biện pháp nhằm ngăn ngừa những xung đột lợi ích và làm giàu bất hợp pháp của cán bộ, công chức nên các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa thực chất nên chưa giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo dõi được biến động về tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai. Việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện. Kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi.

Thậm chí, những hoạt động kể trên đang thực hiện một cách bị động, khiến cho hoạt động này tại một số địa phương chỉ mang tính thủ tục.

Việc chủ động xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, công khai chưa rộng rãi, nhất là chưa thể chế hóa được yêu cầu của Đảng về việc công khai bản kê khai tài sản. Người kê khai và người thực hiện công tác quản lý còn lúng túng và thụ động trong quá trình thực hiện việc khê khai, công khai và khai thác thông tin liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản.

Cơ chế giải trình về tài sản và xử lý tài sản bất minh còn thể hiện sự lúng túng, vướng mắc; chưa gắn kết được việc theo dõi, thu thuế thu nhập cá nhân với việc kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm; chưa ban hành được văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tài sản, tiêu dùng người có chức vụ, quyền hạn; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu để theo dõi, quản lý việc kê khai tài sản.

Theo báo cáo Quốc hội hàng năm của Thanh tra Chính phủ số lượng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập qua các năm như sau:

Năm Số người kê khai
Đã công khai
Đã tiến hành xác minh
Đã bị xử lý kỷ luật
2007 313.317
0 Chưa 0
2008 626.859
0 606 0
2009 619.595
0 788 3
2010 720.923
0 3 9
2011 661.269
2.184 2 0
2012 642.515
376.197 3 0
2013 952.178
914.245 5 3
2014 1.019.956 998.394 1.225 3

Như vậy, trong 8 năm qua đã có tổng cộng 5.556.612 lượt kê khai tài sản, đã công khai 2.291.020, xác minh 2.632 và chỉ có... 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Dù tỷ lệ kê khai và công khai bản kê khai đạt cao (đạt 98-99%), số lượng người được xác minh tài sản thu nhập cao hơn (từ 5 người năm 2013 lên 1.225 người năm 2014) nhưng Thanh tra Chính phủ thừa nhận hầu hết các bước trong quy trình thu thập thông tin đều sử dụng phương pháp thủ công và phổ biến là đối tượng kê khai gửi lên bằng văn bản giấy tờ. Việc sao lưu quá nhiều bản kê khai minh bạch tài sản thu nhập tốn công sức và nguồn lực mà hiệu quả lưu trữ, khai thác chưa cao; trong trường hợp cần có phải xác minh đối với người khê khai việc sao lưu lại tiếp tục được thực hiện mà không cần thiết.

Đặc biệt, bản kê khai được lưu trữ nhiều nơi nhưng việc khai thác bản kê khai trên thực tế rất khó khăn, bị động do được lưu cùng với hồ sơ cán bộ. Tuy nhiên, nếu công khai toàn bộ thì có sự xung đột giữa chế độ đảm bảo tài sản công dân và tính công khai, minh bạch của bản kê khai.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, minh bạch tài sản trên toàn quốc. Ở các bộ, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc đã và đang được triển khai mạnh mẽ. 

Đơn cử như Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Công an đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam” do Chính phủ Na Uy và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đồng tài trợ 

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu về người nộp thuế (bao gồm đối tượng cá nhân và doanh nghiệp); Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện việc cấp Giấy phép lái xe dạng thẻ và xây dựng Cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe cá nhân; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Thanh tra Chính phủ cho rằng gắn liền với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được thực hiện và đang dần hoàn thiện, Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản thu nhập khi hoàn thiện sẽ có cơ sở để kết nối thông tin dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức như kết nối về hệ thống thuế, dữ liệu đất đai và thông tin quản lý tài sản.

Theo Một thế giới