72 dự án với 42.700 tỷ đồng vốn Nhà nước “có dấu hiệu” đầu tư không hiệu quả

VietTimes -- Đó là nội dung báo cáo bước đầu của Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước do Bộ KHĐT vừa công bố, dựa trên báo cáo rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của 60 bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty.
Nhà máy PvTex Đình Vũ (Hải Phòng) - điển hình đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhà máy PvTex Đình Vũ (Hải Phòng) - điển hình đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Tuổi trẻ

Bộ KHĐT đánh giá, số của 60 bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty báo cáo rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là ít và không đầy đủ.

Theo tổng hợp từ các báo cáo này, có khoảng 250 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được rà soát tình hình đầu tư dự án trong giai đoạn 2000-2016. Bộ KHĐT cho biết, số doanh nghiệp này chỉ chiếm hơn 31% tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải rà soát.

Trong đó, có 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, số dự án này có ổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với khi đầu tư ban đầu.

Bộ NN&PTNT có số dự án không hiệu quả nhiều nhất, với 27 dự án, tuy nhiên số vốn đầu tư lại không lớn, vào khoảng gần 910 tỷ đồng. Số dự án không hiệu quả chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long.

Bộ GTVT chỉ có 2 doanh nghiệp có dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhưng số đầu tư lại lớn nhất. Đó là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), với tổng vốn đầu tư được phê duyệt cuối cùng lên đến gần 15.000 tỷ đồng, chưa bao gồm dữ liệu của SBIC do đơn vị này đang thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng.

Theo Bộ KHĐT, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng cảng biển, nông lâm thuỷ sản và nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy.

Nguyên nhân các dự án phải tạm dừng hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài là do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án cũng như dự báo biến động của thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài ra, công tác đàm phán và ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, đặc biệt là đối với các dự án có công nghệ hiện đại dẫn đến phát sinh các tranh chấp khó giải quyết.

Theo Bộ KHĐT, hiện một số bộ ngành và địa phương đang quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, UBND TP HCM, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tổng công ty Xi măng… chưa gửi báo cáo theo đề nghị.

Trong đó, chỉ riêng Bộ Công thương với 12 dự án thua lỗ đã có tổng đầu tư lên tới gần 63.600 tỷ đồng và khoản nợ phải trả trên 55.000 tỷ đồng.