700 tỷ của Phát Đạt vay ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Chỉ một tháng sau khi ngân hàng Đông Á ký hợp tác bảo lãnh và tài trợ vốn cho người mua nhà thuộc Dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 của CTCP BĐS Phát Đạt, nhà băng này nhận lệnh kiểm soát đặc biệt của ngân hàng Nhà nước. 
Cựu TGĐ Dong A Bank Trần Phương Bình và Tổng giám đốc PDR Nguyễn Văn Đạt tại kí kết bão lãnh và tài trợ khách hàng mua nhà dự án The Ever Rich 2 và 3
Cựu TGĐ Dong A Bank Trần Phương Bình và Tổng giám đốc PDR Nguyễn Văn Đạt tại kí kết bão lãnh và tài trợ khách hàng mua nhà dự án The Ever Rich 2 và 3

Điều này dấy lên nhiều nghi ngại về khả năng thi xếp vốn cho dự án đầy tiềm năng của Phát Đạt trong thời gian tới.

Dự án “con tin” và ngân hàng “ruột”

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Bất động sản Phát Đạt (HSX: PDR), so với thời điểm đầu năm 2015, PDR tiếp tục vay của ngân hàng Đông Á với tổng dư nợ ngày 30/06/2015  lên đến gần 700 tỷ đồng.

Trong đó, khoản vay ngắn hạn theo giấy nhận nợ số H3519/12 với số dư nợ hiện tại 17,56 tỷ đồng nhằm mục đích tài trợ cho việc xây dựng Dự án The Ever Rich 2 chịu lãi suất 15%/năm. Tiếp đó, ngày 09/02/2016, để tài trợ vốn cho dự án “đầy tiềm năng” ven sông Sài Gòn, Phát Đạt tiếp tục có giấy nhận nợ số H450/1 và H450/2 chịu lãi suất 9%/năm có tổng số dư cuối kỳ kế toán giữa niên độ là 50 tỷ đồng.

Cả ba khoản vay này đềy được bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất (112,585 m2) và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuộc dự án The Ever Rich 2 tại đường Đào Trí, Quận Phú Nhuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ có thế, mối quan hệ của Phát Đạt – Đông Á càng khăng khít khi danh mục vay ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản này chỉ xuất hiện cái tên quen thuộc – Dong A Bank.

Đến cuối tháng 6/2015, khoản vay dài hạn với các hợp đồng vay từ năm 2011 đến 2014 chịu lãi suất 10,5% - 15% với tổng dư nợ 619 tỷ đồng, trong đó 580 tỷ đồng Phát Đạt sẽ phải trả trong vòng 1 năm tới.

Khoản vay dài hạn của Phát Đạt tại ngân hàng Đông Á với số dư nợ 618 tỷ đồng tại ngày 30/06/2015, trong đó đến hạn trả 580 tỷ đồng

Theo như kế hoạch triển khai ban đầu dự án sẽ hoàn thành vào quý 3/2013 và sẽ mang lại nguồn lợi khá lớn về lợi nhuận cũng như thương hiệu cho Phát Đạt. Song do thị trường bất động sản đóng băng, lực cầu sụt giảm trầm trọng khiến doanh nghiệp bất động sản nói chung và Phát Đạt nói riêng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn và triển khai dự án.

Khó khăn mà Phát Đạt phải đối diện được thể hiện rõ nhất ở ngay trên dự án The EverRich 2 khi số dư tồn kho của dự án có sự đóng góp không nhỏ từ khoản lãi vay đã vốn hóa vào dự án.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay và nợ tài trợ cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế… được vốn hóa là 214 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 207 tỷ đồng).

Hiện tại, dự án The Ever Rich 2 đang tồn kho đến 3.828 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng tồn kho cả doanh nghiệp.

Ngân hàng bị kiểm soát, khoản vay liệu có an?

Ngày 16/07, ngân hàng Đông Á đã ký hợp tác bảo lãnh và tài trợ vốn cho người mua nhà thuộc Dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 của  PDR.

Khi đó, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PDR cho biết, việc ký kết với Dong A Bank để thực hiện bảo lãnh và tài trợ vốn cho các khách hàng mua sản phẩm tại Dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 để thực hiện cam kết tuyệt đối của chủ đầu tư đối với quyền lợi của người mua nhà, góp phần tăng thêm sự an tâm khi quyết định mua nhà của khách hàng.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, ngày 14/08, ngân hàng Đông Á nhận quyết định rơi vào trạng thái kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước, điều này dấy lên những nghi ngại về tình trạng thu xếp vốn đầu tư đối với 2 dự án trên.

Khoản vay nợ của Phát Đạt cũng là một vấn đề được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Dong A Bank.

Ông Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đông Á Bank nhận định giải quyết nợ xấu là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng, nhưng nếu không đồng hành cùng khách hàng thì họ sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong kinh doanh.

“Ngân hàng Đông Á đang trong giai đoạn khó khăn. Nợ xấu là vấn đề phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, có 2 nhóm nợ: nọ xấu không có khả năng thu hồi hoặc thu được rất ít, hoặc vẫn coi là nợ xấu nhưng có thể thu hồi được”, ông Bình cho biết thêm.

Là chủ nợ, Dong A Bank thừa hiểu đang rót tiền “nuôi” con nợ đến khi đủ lông đủ cánh mới có khả năng trả nợ hơn là tập trung siết tài sản cầm cố để bán thu hồi tiền. Một mặt, trong thời gian đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng để từng bước xử lý nợ xấu, thậm chí ngân hàng sẽ bán một số tài sản để giảm nhiều khoản nợ.

Nói thêm về trường hợp nợ của Phát Đạt, ông Bình cũng khẳng định rằng, trong nhóm nợ đó thì món nợ của Phát Đạt vẫn chưa được xử lý một cách hiệu quả nhất.

Trước những lo ngại của cổ đông Dong A Bank, Chủ tịch PDR – ông Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Phát Đạt không có nợ xấu tại Đông Á Bank, hiện nay quan hệ tín dụng giữa Phát Đạt và Ngân hàng Đông Á được xếp vào nhóm I và Phát Đạt hoàn toàn thừa khả năng trả khoản nợ 686 tỷ đồng cho DongA Bank”.

Ông Nguyễn Văn Đạt nhấn mạnh đó là “chuyện nhỏ” so với đà tăng tốc phát triển của Phát Đạt hiện nay.

Trước hết, ông Nguyễn Văn Đạt cho rằng với quy mô vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng của PDR thì khoản nợ 686 tỷ là chuyện bình thường.

Theo ANTT